Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
76652

NHÌN LẠI LỊCH SỬ “CHIẾN TRANH VIỆT NAM”

Bài nghiên cứu công phu, sâu sắc, rất có giá trị cho các thế hệ người Việt sau chiến tranh đọc, suy ngẫm của tác giả Andy Piascik đăng trên Tạp chí Nghiên cứu toàn cầu, được ông Ngô Mạnh Hùng dịch. Bài viết được đánh giá là của một người Mỹ chống xét lại lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam để người dân họ biết rằng đây là một cuộc chiến xâm lược phi nghĩa tàn bạo của Hoa Kỳ để nhắc nhở họ không được phép tái phạm thêm lần nào nữa.
===
Mùa Xuân 2015 này đánh dấu 40 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ít nhất đó là những gì nó được gọi ở Hoa Kỳ. Còn ở Việt Nam, nó được gọi là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để phân biệt với giai đoạn chiến tranh của Hoa Kỳ với các giai đoạn khác liên quan đến những kẻ xâm lược và thực dân khác – đáng chú ý nhất là Nhật, Pháp và Trung Quốc.
Sự kiện này đã được đánh dấu bằng những bình luận rộng rãi, những hồi tưởng và những gì đi qua lịch sử trên các phương tiện truyền thông của công ty. Lầu Năm Góc đã khởi đầu bằng một tài khoản huyền ảo đăng trên trang web của họ, đưa ra những tuyên truyền về cuộc chiến, rằng: Chủ nghĩa đế quốc Mỹ là tốt, Việt Nam là xấu. Cũng có những động thái tích cực hơn: các nhóm cựu chiến binh và phong trào hòa bình trên khắp đất nước đã tổ chức các sự kiện và cố gắng đưa ra các phân tích về bản chất khủng khiếp trong hành động xâm lược của Hoa Kỳ đã tàn phá Việt Nam cho đến ngày nay.
Xét về khía cạnh bao quát, mức độ ám ảnh mà cuộc chiến vẫn đang bao trùm đất nước chúng ta như một đám mây u sầu. Vài thập kỷ trở lại đây, các nhà bình luận chính thống thường nhắc đến Hội chứng Việt Nam, cho đến khi Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991 có tác dụng ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở một mức độ nào đó. Giới tinh hoa truyền thông đề cập đến sự miễn cưỡng của tầng lớp chính trị của chúng ta khi tham chiến vì sợ sa lầy vào “một Việt Nam khác”. Điều mà họ không muốn nói một cách công khai là Hội chứng Việt Nam thực sự là hố sâu trong quan điểm giữa giới tinh hoa và công chúng về vấn đề Mỹ xâm lược.
Nói tóm lại, Mỹ cảm thấy vô cùng khó khăn vì Việt Nam hy vọng vào sự ủng hộ đáng kể của công chúng cho các cuộc chiến tranh chống xâm lược của mình. Chẳng hạn, trong suốt thập kỷ 1980, Hoa Kỳ đã cố gắng tuyệt vọng áp đặt ý chí của mình lên Nicaragua, El Salvador và Guatemala, đó mới chỉ nêu tên ba nước diển hình, Mỹ đã sử dụng các đội quân ủy nhiệm để bảo vệ giới tinh hoa chống lại người dân các nước đó. Nếu không vì sự phản đối của công chúng, quân đội Mỹ có thể đã tham chiến ở Trung Mỹ sớm từ năm 1980. Vì Mỹ không thể gửi quân đến đó, nên kiểu đổ máu mà Mỹ gây ra cho Lào, Việt Nam và Campuchia đã không xảy ra ở Trung Mỹ… Đó là một kết quả mà các phong trào quần chúng và lực lượng cách mạng đã tiến hành cuộc đấu tranh nhờ bài học từ Việt Nam.
Điều này không có nghĩa là một số lượng người chết khủng khiếp và thiệt hại khôn lường đã không diễn ra ra ở các quốc gia đó; Mỹ đặc biệt quyết tâm phá hủy cuộc thử nghiệm mang tính cách mạng ở Nicaragua, một nỗ lực mà phần lớn đã thành công. Đáng ngại hơn, mặc dù địa ngục của khủng bố quân sự những năm 1980 đã qua, Guatemala vẫn nằm trong tầm ngắm của giới tinh hoa giàu có gắn liền với Hoa Kỳ và là một trong những xã hội đàn áp, phân tầng giai cấp nhất ở bán cầu Tây.
Nhưng thiệt hại gây ra cho Trung Mỹ không thể so sánh với những gì Hoa Kỳ đã gây ra ở Đông Dương, và kết quả đó là nhờ một phần không nhỏ từ nỗ lực của hàng triệu người Mỹ. Không giống như ở Đông Dương, các nỗ lực đoàn kết với nhân dân Trung Mỹ đã được bắt đầu sớm và nghiêm túc hơn. Đối với Nicaragua, họ bắt đầu đấu tranh ngay sau khi Hoa Kỳ chống lại cuộc nổi dậy của quần chúng nhằm lật đổ chế độ độc tài Somoza đáng ghê tởm vào năm 1979. Đối với El Salvador, sự đoàn kết bắt đầu sau vụ sát hại các chiến sỹ cách mạng bởi những kẻ khủng bố bán quân sự của Tổng giám mục Oscar Romero vào năm 1980 và ngày càng lớn mạnh trong mười năm sau đó. Hoạt động này bao gồm các cuộc biểu tình, tập trung quần chúng, giảng dạy, hỗ trợ y tế, các dự án tiến bộ, sự đồng hành của các bác sĩ, thợ điện và những người khác có kỹ năng cung cấp, cũng như sử dụng những nơi tôn nghiêm, thường là nhà thờ, cho những người chạy trốn bạo lực có nơi trú ẩn.
Ngược lại, sự phản đối lẻ tẻ trong nội bộ Hoa Kỳ khi giới tinh hoa gây chiến ở Đông Dương, xuất hiện vào năm 1963 và 1964 nhưng rất nhỏ và cô lập. Những gì chúng ta được biết là phong trào phản đối chiến tranh đã không hình thành trước năm 1965, hơn một thập kỷ sau khi Hoa Kỳ dựng lên bù nhìn tàn bạo Ngô Đình Diệm ở miền nam Việt Nam (sau đó sát hại ông ta), và bốn năm sau khi Tổng thống Kennedy bắt đầu sự leo thang chiến tranh.
Gần đây hơn, Hoa Kỳ đã xâm lược Iraq và Afghanistan, và đang dự tính gửi quân đến những nơi khác ở Trung Đông. Cũng như ở Đông Dương, những nỗ lực ở Iraq và Afghanistan đều thất bại trên mọi khía cạnh. Và vì việc sử dụng ồ ạt lực lượng quân sự vượt trội, Mỹ đã trở thành thứ được quốc tế lo sợ nhưng cực kỳ bị cô lập. Một lần nữa, các tổ chức hoà bình trong nước đã góp phần đáng kể vào sự cô lập đó.
Không có chiến công nào là nhỏ, và một điều quan trọng là phải công nhận cả hai mặt trận (trong nội bộ và trên trường quốc tế) vì sự đau khổ luôn xảy ra khi sử dụng vũ lực, cũng như những bài học kinh nghiệm về tác động của phong trào quần chúng đối với chiến tranh đế quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, cho cả bản thân chúng ta và những người đang phải chịu đựng sự tấn công nhân danh chúng ta, chúng ta cần phải làm được điều đó.
Chống lại âm mưu xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến tranh ở Việt Nam có thể hỗ trợ chúng ta trong những nỗ lực đó và là nền tảng cho tinh thần đấu tranh của chúng ta. Một khía cạnh của lịch sử đã bị bóp méo trong một số bài bình luận gần đây là cho rằng Chiến tranh bắt đầu từ tháng 2 năm 1965 khi quân đội Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ đụng độ lần đầu tiên, hệ quả từ cáo buộc (giả mạo) về một cuộc tấn công vô cớ của lực lượng miền Bắc Việt trên Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964. Người ta không biết nên cười hay nên khóc trước sự ngạo mạn đòi hỏi của Hoa Kỳ về thời điểm bắt đầu cuộc chiến khi mà hàng chục nghìn – thậm chí là hàng trăm nghìn – người Việt Nam đã chết dưới tay Mỹ cho đến thời điểm đó, nhưng đó là mức độ không trung thực được cho là bình thường trong văn hóa chính trị Hoa Kỳ.
Việc xác định chính xác nơi bắt đầu gây hấn của Hoa Kỳ ở Việt Nam phụ thuộc vào cách người ta xác định cuộc chiến bắt đầu như thế nào, nhưng năm 1945 là thời điểm hợp lý nhất để bắt đầu để tìm hiểu rõ những gì đã diễn ra trong 30 năm tiếp theo. Đó là vào mùa hè năm 1945, các lực lượng cách mạng Việt Nam tập hợp xung quanh Việt Minh đã đánh bại Nhật Bản, đội quân đã xâm lược đất nước của họ bốn năm trước đó.
Giống như rất nhiều người trên khắp thế giới, những người đã chịu nhiều đau khổ dưới sức mạnh của chủ nghĩa phát xít và quân phiệt trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Việt Nam coi chiến thắng của họ là bình minh của một ngày mới. Với tinh thần đó, lãnh tụ Việt Minh Hồ Chí Minh đã đọc một bản tuyên ngôn lấy cảm hứng từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ (một số từ được lấy nguyên văn) trong một cuộc tập trung đông đảo dân chúng ở Việt Nam, cũng là để nhắn gửi ý chí của dân tộc Việt Nam tới Washington và nhân dân trên thế giới.
Chính vào thời điểm này, Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định quan trọng là bác bỏ những lời đề nghị công khai của Hồ Chí Minh để tiếp tục ném Việt Nam vào tay kẻ thù thực dân lâu năm là Pháp. Hầu hết chính quyền và quân đội của thực dân Pháp đã bỏ chạy khi Nhật xâm lược Việt Nam, dâng đất nước Việt Nam cho quân xâm lược mới; người Pháp tiếp tục cộng tác với người Nhật cai trị nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, với sự khôn ngoan của đế quốc, Pháp quyết định tái thuộc địa Việt Nam trở lại hoàn toàn thuộc quyền của mình, điều mà họ đã thực hiện, với sự hỗ trợ quan trọng về tiền bạc, vũ khí và chính trị từ Mỹ. Người Việt Nam, không quá ngạc nhiên với việc bị xâm lược một lần nữa, đã đứng lên phản kháng giống như họ đã chống lại thực dân và chiếm đóng trong nhiều thế kỷ.
Khi người Pháp gây ra bạo lực khủng khiếp trong một nỗ lực tái chinh phục kéo dài 9 năm thất bại, Hoa Kỳ ngày càng gánh nhiều thêm gánh nặng của cuộc chiến. Khi người Việt Nam đạt được chiến thắng cuối cùng khi tiêu diệt quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954, đưa đến khả năng thực sự giành được độc lập. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong sự hoài nghi của Việt Nam, Hoa Kỳ, các cường quốc phương Tây khác và Liên Xô đã làm môi giới cho Hiệp định Genève quy định các cuộc bầu cử quốc gia thống nhất toàn bộ Việt Nam được tổ chức trong vòng hai năm. Đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền tập kết lực lượng quân sự: miền Bắc, nơi các lực lượng cách mạng đã giành được thắng lợi hoàn toàn, còn miền Nam, ngoại trừ Sài Gòn và vùng phụ cận thì hầu hết vẫn thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh.
Người Việt Nam coi đây là một mưu đồ câu giờ của đế quốc Mỹ. Mặc dù không tin rằng Hoa Kỳ sẽ tuân theo thỏa thuận, nhưng người Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định. Nỗi nghi ngờ của họ đã được chứng minh ngay lập tức, khi Hoa Kỳ thẳng thừng nói rằng Hiệp định Geneve không là gì khác ngoài tờ giấy có thể bị xé vụn thành hàng triệu mảnh vô giá trị. Vì Washington biết rõ Hồ Chí Minh sẽ thắng trong một cuộc bầu cử long trời lở đất, nên không có cuộc bầu cử nào như vậy được diễn ra. Như trong hàng chục trường hợp khác trong hơn 100 năm qua, Hoa Kỳ luôn phản đối nền dân chủ và ủng hộ sự xâm lược. Các cuộc bầu cử đều là tốt nhưng chỉ với khi những người phù hợp với Mỹ giành chiến thắng; nếu người thắng cử không phải người của Mỹ, thì sẽ là súng máy.
Vì vậy, vào năm 1954, Hoa Kỳ đã dùng toàn bộ sức mạnh của mình chống lưng cho Ngô Đình Diệm, một người mà tới thời điểm đó vẫn sống trong một chủng viện ở New Jersey do Đức Hồng Y phản động Spellman điều hành, và cài đặt ông ta làm nhà độc tài của miền Nam Việt Nam. Trong 9 năm cầm quyền của Diệm, Mỹ đã tán thành việc ông ta tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố chống lại nhân dân Việt Nam. Sự phản kháng vẫn tiếp tục và cuối cùng gia tăng, mặc dù trong một thời gian, Washington chuyển sự chú ý trong khu vực sang nước láng giềng Lào, nơi cũng có một lực lượng nổi dậy mạnh mẽ chống lại chế độ độc tài do Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi dưới thời Chính quyền Kennedy, khi Hoa Kỳ mở rộng sự xâm lược ở Việt Nam và cuộc kháng chiến ngày càng gia tăng nhanh chóng. Cuộc kháng chiến được lãnh đạo bởi Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nhóm kế tục Việt Minh và được biết đến với tên viết tắt tiếng Pháp là NLF, nhưng nó được tạo thành từ một bộ phận rộng rãi của xã hội Việt Nam, bao gồm cả một số lượng lớn các nhà sư Phật giáo.
Mặc dù Kennedy thường được miêu tả là người khao khát hòa bình ở Việt Nam, nhưng sự thật cho thấy điều ngược lại, bởi ông ta buộc phải hoàn thành ý tưởng của giới tài phiệt nếu không sẽ bị ám sát. Tại mọi thời điểm có thể đạt được hòa bình hoặc thậm chí giảm leo thang, Kennedy đã chọn cách leo thang: thông qua các hành động ném bom không hạn chế, sử dụng tràn lan bom napalm và các vũ khí hóa học khác, thông qua việc tổ chức các ấp chiến lược (một cụm từ rất hay, “ấp chiến lược”, cũng tương tự như cách gọi trại tử thần phát xít Auschwitz là … nơi nghỉ dưỡng ở vùng quê), và cuối cùng, ông ta tán thành việc đưa quân đội mặt đất trực tiếp tham chiến.
Mặc dù là một kẻ chuyên quyền, nhưng Diệm đã bộc lộ là một kẻ chuyên quyền với một điều gì đó có lương tâm vào năm 1963, khi đã mệt mỏi với cuộc chiến đang xé nát đất nước của mình, ông ta đã có tuyên bố hòa bình với MTDTGPMNVN và có động thái liên hệ với miền Bắc. Đó là một quyết định định mệnh, khiến Washington sớm ra lệnh loại bỏ ông ta. Cùng chung số phận, chính Kennedy cũng bị sát hại chỉ 3 tuần sau khi Diệm chết. Chính vì chuỗi sự kiện này mà nhà hoạt động Malcolm X vĩ đại đã miêu tả bằng cụm từ “gà về nhà gáy”, dẫn đến sự thay đổi quan điểm chiến tranh và khiến ông cuối cùng cũng bị ám sát.
Người kế nhiệm Kennedy là Lyndon Johnson chỉ cần 9 tháng trước khi bịa ra sự cố Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964, dẫn đến một bước ngoặt khác trong cuộc chiến ở Việt Nam. Đồng thời, Johnson, được một số người (bao gồm cả ông ta) tự xưng là Ứng cử viên Hòa bình, đã cảnh báo quốc gia rằng Barry Goldwater, đối thủ của ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó, là một kẻ gây chiến nguy hiểm. Chủ đề đó đã tạo ra chi tiết đáng nhớ nhất của chiến dịch, một quảng cáo trên truyền hình có hình ảnh một cô bé đếm những cánh hoa và chọn ra một bông hoa bị biến thành đồng hồ đếm ngược đến ngày Armageddon (tận thế do chiến tranh hạt nhân).
Sau khi đảm bảo kết quả tái đắc cử với sự kiện Vịnh Bắc Bộ làm sự biện minh, vào đầu năm 1965, Johnson đã mở rộng sự xâm lược ra toàn bộ Việt Nam thông qua một chiến dịch ném bom lớn nhằm vào miền Bắc (mặc dù phần lớn sự tàn phá của Mỹ luôn nhắm vào miền Nam). Cũng cuối năm đó, Johnson đã ra lệnh xâm lược Cộng hòa Dominica để ngăn chặn nhà cải cách ôn hòa Juan Bosch và cung cấp vũ khí, tiền bạc và hỗ trợ ngoại giao cho một cuộc đảo chính diệt chủng ở Indonesia đưa tên đồ tể Suharto lên nắm quyền. Ít nhất 500.000 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính; Tổ chức Ân xá Quốc tế, dù vẫn mù quáng trước những tội ác do Mỹ và các tổ chức tay sai Mỹ, vẫn phải đưa ra con số thiệt mạng là 1,5 triệu người. Đó là hình ảnh thật của một vị tổng thống Ứng cử viên Hòa bình.
Và bởi vậy, cuộc chiến đã leo thang liên tục ở Việt Nam trong ba năm, gây ra làn sóng kháng chiến cao độ, cho đến Tết Mậu Thân vào tháng Giêng năm 1968. Trước Tết, Mỹ tiếp tục nói dối về triển vọng của cuộc chiến, khi sự phản chiến đang phát triển. Sau Tết, rõ ràng chiến thắng được hứa hẹn trong tầm tay là ảo tưởng và bịa đặt. Tuy nhiên, cuộc tấn công Tết Mậu Thân vẫn là nội dung gây tranh cãi trong những người ủng hộ cực đoan nhất đối với cuộc chiến, cho rằng Hoa Kỳ có thể đánh bại cuộc nổi dậy, nhưng việc đó đã bị phá hoại bởi các phương tiện truyền thông phản chiến và các chính trị gia Dân chủ.
Trên thực tế, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân theo chiến lược của MTDTGPMNVN là không bao giờ để Mỹ có thể tham chiến đúng như cách mà Mỹ mong muốn. Đó là một hoạt động tấn công chớp nhoáng với mục đích gây ra thiệt hại lớn cho đối phương rồi rút quân, nó được thiết kế chủ yếu để thể hiện một lần và mãi mãi rằng lực lượng của họ là đáng gờm và ý chí của họ là không thể khuất phục. Tóm lại, mục tiêu không phải là để thắng một trận đánh, mà là để cho bất kỳ ai còn nghi ngờ sẽ thấy rằng Mỹ không thể giành chiến thắng ở Việt Nam. Tôi nhớ lại cách đây nhiều năm đã đọc một điều được nói bởi một người cao tuổi Việt Nam đáng kính ngay trong thời điểm của cuộc tấn công, người có lẽ đã từng chứng kiến cái chết và sự hủy diệt nhiều như bất kỳ ai từng sống qua chiến tranh ở Việt Nam, đại ý: “Chúng ta có thể giải quyết chuyện này ngay bây giờ, hoặc giải quyết nó một ngàn năm từ giờ. Điều đó phụ thuộc vào người Mỹ”.
Một nhóm tinh hoa trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bị thuyết phục sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân rằng người Việt Nam đã đúng trong đánh giá của họ. Bởi như mọi khi, không giống như các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo chính sách và các chính trị gia, các nhà tư bản luôn tỉnh táo và hướng đến lợi ích lâu dài. Những gì họ thấy là chi tiêu chiến tranh làm tiêu hao kinh tế quá lớn, chi phí chiến tranh ở Đông Dương đáng ra nên dược sử dụng tốt hơn cho việc vượt mặt các đối thủ toàn cầu để mở rộng thị trường. Cuộc chiến này được tiến hành bởi một đội quân ngày càng miễn cưỡng chiến đấu, và sự lan rộng của các cuộc nổi dậy trong nước ở các trường đại học, các địa phương cho đến các cơ sở sản xuất quan trọng, nổi bật nhất là Phong trào Liên minh Cách mạng đã khiến ngành công nghiệp ô tô gần như bị phá sản.
Một trong những động thái đầu tiên của giới thượng lưu kinh doanh là gạt Johnson sang một bên để ủng hộ Eugene McCarthy và Robert Kennedy (Kennedy em). Kennedy là một chiến binh lạnh lùng lâu năm đã quay trở lại làm việc với Joe McCarthy và Roy Cohn, những người có kế hoạch khác cho Việt Nam, giống như anh trai ông, được dự đoán trước là sẽ chiến thắng bằng bầu cử. Trong khi đó, McCarthy không có mối liên hệ nào với phong trào phản chiến nhưng có tư cách là Ứng cử viên Hòa bình mới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 1968 cũng vẫn như bất kỳ cuộc bầu cử nào khác, là điển hình về sự khác biệt giữa những người cầm quyền và dân số bị trị: đa số dân chúng ủng hộ việc rút quân ngay lập tức vẫn phải lựa chọn một trong các ứng cử viên mà tất cả đều ủng hộ việc tiếp tục chiến tranh.
Chiến lược Việt Nam hóa của Richard Nixon – chuyển gánh nặng chiến tranh cho lực lượng của Sài Gòn – là hành động thất bại cuối cùng của Washington. Giết chóc vẫn tiếp tục và chiến tranh được mở rộng sang Lào và Campuchia nhưng Mỹ vẫn không thể giành chiến thắng. Trước khi kết thúc, vào năm 1973, Hoa Kỳ thực hiện một vụ gian lận khác, Hiệp định Hòa bình Paris, mọi nguyên tắc đều bị Nixon vi phạm trước cả khi mực trên tài liệu kịp khô. Tính đến thời điểm quân cách mạng giải phóng Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Mỹ đã can dự vào Việt Nam được 30 năm.
Danh sách những cuốn sách nổi bật về Việt Nam là một danh sách dài và được đề cập đến gần đây bởi nghiên cứu của Christian Appy, người cùng với những đóng góp khác, đã ghi chép tỉ mỉ bản chất giai cấp của cuộc chiến và sự phản đối trong lòng nước Mỹ đối với nó. Nó chứng minh điều ngược lại với tuyên truyền của giới cầm quyền, vì giới tinh hoa muốn thúc đẩy quan điểm rằng phong trào phản chiến chỉ bao gồm những sinh viên đại học da trắng có đặc quyền. Trên thực tế, công nhân và người nghèo phản đối sự xâm lược của Hoa Kỳ với số lượng cao hơn suốt từ đầu đến cuối, không chỉ vì con em của tầng lớp lao động có nhiều khả năng tham gia chiến đấu hơn. Họ là tầng lớp lao động tích cực phản kháng cùng những cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến, những người mà sự phản đối chiến tranh của họ cuối cùng đã mang ý nghĩa quyết định trên mặt trận quê hương.
Hầu như mọi người Mỹ dù chỉ biết một chút về cuộc chiến đều biết rằng có hơn 58.000 lính Mỹ đã chết ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ được thăm dò ý kiến biết đến số lượng người Đông Dương bị giết. Noam Chomsky đã viết về một cuộc thăm dò ý kiến, trong đó mức trung bình mà những người được hỏi đưa ra là 200.000 và ông so sánh điều này với việc nhiều người tin rằng chỉ có 300.000 người Do Thái đã bị sát hại trong các trại tập Holocaust, vì trong cả hai trường hợp, con số này đều bị sai lệch, ít hơn 20 lần. Một sự hiểu lầm thô thiển như vậy đã chứng tỏ hiệu quả tuyên truyền của tầng lớp trí thức trong việc xuyên tạc sự thật của chiến tranh.
Ngay cả con số được chấp nhận rộng rãi về bốn triệu người Đông Dương bị giết có lẽ vẫn là thấp, có thể là đáng kinh ngạc, dù sự thật sẽ không bao giờ được biết đến. Những người được trang bị tốt nhất để có thể thống kê chính xác lại chính là những người đã tiến hành cuộc chiến tranh hoặc có lợi ích trong việc chôn giấu sự thật của nó. Như một vị tướng Hoa Kỳ khi phát biểu gần đây đã nói rằng: “Chúng tôi không đếm số lượng các cơ thể”. Bởi dù sao thì tất cả các xác chết đều là nạn nhân của bạo lực Mỹ.
Cũng hoàn toàn bị bỏ qua ở đây là sự thật ở Việt Nam về chất độc da cam và Hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Hãy lấy sự đau khổ khủng khiếp của những người lính Hoa Kỳ và nhân lên gấp vạn lần hoặc hơn nữa để chúng ta có thể cảm nhận được sự thiệt hại đối với người Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và phần còn lại của Đông Dương (Lào và Campuchia) ngày nay vẫn còn đầy rẫy những vật liệu chưa nổ thường xuyên gây chết người và bị thương. Và mặc dù Việt Nam và Lào đã tránh được nạn đói thảm khốc, nhưng Campuchia thì không, không ngạc nhiên khi đây là một quốc gia nhỏ bé có vùng nông thôn bị ném bom đưa về thời kỳ đồ đá theo đúng nghĩa đen. Sự tàn phá ở quy mô như vậy kết hợp với lệnh cấm vận khắc nghiệt do Hoa Kỳ áp đặt sau chiến tranh về cơ bản đã khiến hàng trăm nghìn người chết vì đói. Dĩ nhiên, đó là một sự thật khó chịu; và sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi đổ lỗi tất cả mọi thứ tồi tệ xảy ra ở Campuchia sau tháng 4 năm 1975 đều là do chế độ Khmer Đỏ.
Dù cả Việt Nam và Lào đều không trải qua trận đại hồng thủy sau chiến tranh như ở Campuchia, nhưng cuộc chiến này có sức tàn phá khủng khiếp đến mức có thể lập luận rằng Mỹ đã giành phần thắng, theo nghĩa là không thể có một phương thức tổ chức xã hội tiến bộ nào có thể thay thế ở các đất nước đó (giống như Nicaragua năm 1980). Hoa Kỳ coi tất cả các chế độ đặt mục tiêu vì con người làm trung tâm đều là những mối đe dọa, đặc biệt nếu họ nằm ở Nam bán cầu. Đó là cách duy nhất để hiểu được cuộc chiến tranh khủng bố và cấm vận suốt gần 60 năm của Mỹ chống lại Cuba, điều đó đang tiếp tục nhắm vào Venezuela, là sự nối tiếp của cuộc chiến ở Đông Dương từ những năm 1970, rất lâu sau khi Mỹ biết rằng họ không thể giành chiến thắng. Biểu hiện đó ở Việt Nam ngày nay là đã hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng phải kèm theo tất cả những tiêu cực, đầy rẫy những nhà đầu cơ, nhà đầu tư mạo hiểm và sự chênh lệch xã hội lớn về sự giàu có và quyền lực.
Các cuộc thảo luận về Việt Nam hầu như đều không mang tính học thuật; Hoa Kỳ hiện đang nổi cơn thịnh nộ toàn cầu và mưu toan làm sai lệch lịch sử là một phần của nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho các cuộc chiến tiếp theo. Do khoảng cách trong nước giữa những người cầm quyền và bị cầm quyền trong nhận thức về sự xâm lược của Hoa Kỳ, chúng ta đã để Hoa Kỳ tiến hành cuộc xâm lược Iraq lần thứ hai vào năm 2003, phá hủy Libya, hỗ trợ những kẻ phát xít mới đói khát chiến tranh ở Ukraine, đe dọa Venezuela và tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm được thiết kế để tiêu diệt Syria, tất cả đều bất chấp sự phản đối của đa số công chúng.
Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải tích cực thực hiện hiệu quả hơn nữa việc xây dựng phong trào chống chiến tranh, chống đế quốc để hướng tới một ngày mà chúng ta có thể sống với nhân dân thế giới trong một sự hòa hợp.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *