Chiều 13/3, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan, nhiều bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB khai nhận, trong quá trình công tác tại ngân hàng đã nhận ra việc phê duyệt các khoản vay của Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có dấu hiệu sai quy định nên đã chủ động nghỉ việc từ trước khi vụ án khởi tố.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Tạ Chiêu Trung, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB khai, cuối năm 2013, nhân dịp Ngân hàng SCB cần kiện toàn Hội đồng Quản trị, Trương Mỹ Lan hỏi mình nếu muốn phát triển nghề nghiệp, làm hồ sơ trình xin ứng cử vào Hội đồng. Trung đồng ý và nộp hồ sơ, sau đó được phê duyệt giữ chức Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB từ tháng 3/2014.
Hai năm sau, bị cáo Tạ Chiêu Trung được Đinh Văn Thành, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB (hiện đang bỏ trốn) phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, có nghĩa vụ tham gia biểu quyết về các khoản vay lớn của ngân hàng.
Bị cáo Tạ Chiêu Trung khai, trước mỗi lần biểu quyết, có đọc hồ sơ vay vốn của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát. Trung nhận thấy những hồ sơ này đều có đầy đủ các yếu tố của một hồ sơ cho vay như phương án vay, dòng tiền, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo… Ngoài ra, các hồ sơ này đều đã được thông qua phòng, ban liên quan của SCB thẩm định, lại thêm Đinh Văn Thành tạo áp lực yêu cầu Trung “phải làm để đưa ngân hàng phát triển” nên Trung đã biểu quyết thông qua cho hàng trăm khách hàng của nhóm Trương Mỹ Lan vay.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 4/2018, Tạ Chiêu Trung nhận được thông tin liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra sai phạm tại Ngân hàng SCB và nhận thấy những sai phạm này có khả năng liên quan đến các hồ sơ vay của nhóm Trương Mỹ Lan. Sau đó, Trung xin phép ngừng tham gia biểu quyết các khoản vay của SCB rồi nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 8/2018, đến tháng 4/2019, nhận quyết định phê duyệt nghỉ chính thức. Bị cáo Lê Anh Phương, cựu Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn khai từ năm 2012, khi làm Giám đốc Chi nhánh có tham gia các khoản vay, tái cơ cấu của SCB cùng một số khoản khác theo chỉ đạo của cấp trên. Lúc đó, Phương cũng nhận thấy, việc ký duyệt các khoản vay này có sự sai sót về trình tự, quy trình nên đã hỏi lãnh đạo Ngân hàng và nhận được câu trả lời là khoản vay “khi nào có tài sản sẽ được xử lý”.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, Lê Anh Phương nhận thấy các khoản vay trên không được xử lý mà dư nợ tín dụng khoản vay còn ngày một tăng lên. Nhận thấy có vấn đề, Phương đã từ chối duyệt tiếp các hồ sơ liên quan đến khoản vay tái cơ cấu ngân hàng. Đến tháng 12/2020, Phương được Phòng nhân sự của SCB đề nghị chuyển sang làm việc tại bộ phận khác. Tuy nhiên, Phương đã nộp đơn xin nghỉ việc do không còn muốn tiếp tục làm việc tại SCB.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB khai, làm việc tại SCB từ năm 2019 đến khoảng tháng 6 năm 2022 đã làm đơn xin nghỉ việc, đến tháng 8 mới có quyết định chính thức. Lý do nghỉ việc là do Hoàng gặp áp lực lớn trong thời gian làm việc vì không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và vì Hoàng nhận thấy các khoản vay liên quan đến Trương Mỹ Lan tiềm ẩn sai phạm.