Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30160

Nhân chuyện SGK tiếng Trung: Đừng có “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”!

 

Lợi dụng việc  Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sách giáo khoa môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, tiếp sau việc đưa môn tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thành phần chống phá được dịp xuyên tạc, kiểu như “Phải thay đổi cách thức tham gia khảo quyết chương trình giáo dục quốc gia” của Huỳnh Thị Tố Nga, trong đó cho rằng việc đưa tiếng Trung Quốc vào giáo dục phổ thông sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, làm mất đi bản sắc dân tộc, hoặc là một sự ưu ái đối với Trung Quốc – nước có nhiều tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Ý kiến khác cho là việc dạy tiếng Trung Quốc từ lớp 3 là quá sớm, không phù hợp với tiếp thu của học sinh, hoặc là không cần thiết khi tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất.

Lập luận này nhiều điểm phi logic, thiếu khoa học.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoài tiếng Anh, trong danh mục môn này còn có tiếng Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Nga (được xem là ngoại ngữ 1, bắt buộc). Sau khi sách giáo khoa của 7 môn ngoại ngữ được phê duyệt, từ năm 2024, các môn ngoại ngữ sẽ được đưa vào chương trình chính thức. Các trường tiểu học có thể căn cứ tình hình thực tế của địa phương để triển khai dạy – học, học sinh và phụ huynh có thể chọn ngoại ngữ nào tùy ý. Không có chuyện thiên vị, ưu ái nào đối với Tiếng Trung trong trường học cả. Đây là luận điệu quá khiên cưỡng.

Học một ngoại ngữ không có nghĩa là mất đi ngôn ngữ và văn hóa của mình, mà trái lại, là một cách để hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của đất nước mình. Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế theo tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại của ta, thì việc học ngôn ngữ của các quốc gia khác là rất cần thiết. Vì có được ngôn ngữ của đối tác không chỉ hiểu được mà còn nắm chắc được đối tác, đối tượng, như ông cha ta đã dạy: “Biết địch, biết ta trăm trận không nguy”. Muốn “biết” mà chỉ có tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế) không chưa đủ mà còn phải “biết” ngôn ngữ của nước đối tác nữa. Trong khi đó, Trung Quốc là một nước lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực và thế giới, lại ngay cạnh nước ta nên là đối tác quan trọng của Việt Nam. Vì thế, việc học tiếng Trung Quốc không phải là không cần thiết, mà là một lợi thế. Bởi vì, tiếng Trung Quốc là một trong những ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới, có nhiều tài liệu và nguồn thông tin phong phú, có nhiều cơ hội việc làm và học tập. Vậy thì, không có hà cớ gì mà lại không học tiếng Trung Quốc trong khi ngoài tiếng Anh, trong chương trình giáo dục phổ thông còn học một số ngôn ngữ khác như Đức, Hàn, Nhật, Nga… Ngoài dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông, ở các địa phương nhất là ở các thành phố lớn đã và đang có nhiều trung tâm đào tạo tiếng nước ngoài, không chỉ tiếng Anh mà còn nhiều ngôn ngữ khác nữa. Điều ấy chứng tỏ nhu cầu học ngoại ngữ trong xã hội, nhất là giới trẻ có nhu cầu cao.

Việc học tiếng Trung Quốc từ lớp 3 cũng không phải là quá sớm, mà là một thời điểm thích hợp, bởi vì trẻ em có khả năng học ngoại ngữ tốt hơn người lớn, có thể phát âm chuẩn hơn, nhớ từ vựng nhanh hơn và có thể học nhiều ngoại ngữ cùng một lúc. Các ngôn ngữ khác cũng được đưa vào dạy từ lớp 3, vậy tại sao tiếng Trung Quốc lại không dạy học sinh từ lớp 3? Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cùng với tiếng Anh, Bộ đã phê duyệt sách giáo khoa tiếng Hàn, Nhật, Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tóm lại, việc đưa tiếng Trung Quốc hay một số ngôn ngữ khác vào giáo dục phổ thông từ lớp 3 là một quyết định có tính chiến lược và tầm nhìn xa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Không thể chỉ vì cái nhìn thiển cận, méo mó mà áp đặt nhận thức kiểu “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *