Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26317

Nguồn gốc ‘săn nô lệ’ của cảnh sát Mỹ – Căn nguyên ý tưởng đòi giải tán cảnh sát Mỹ!

Việc cảnh sát Mỹ có tiền thân là đội tuần tra nô lệ thường được nhắc đến như minh chứng cho thấy vấn đề phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào lực lượng này.

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên khắp nước Mỹ từ cuối tháng trước sau khi người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis. Sự việc này cùng nhiều cái chết của người da màu trong lúc lực lượng hành pháp bắt bớ vài năm gần đây đã khiến nhiều người biểu tình yêu cầu cải cách cảnh sát. Thực tế, cảnh sát Mỹ đã có lịch sử bạo lực với người da màu từ lâu hơn rất nhiều, theo Jennifer Cobbina, giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học bang Michigan.

Tại các bang miền nam nước Mỹ, cảnh sát có nguồn gốc từ lực lượng tuần tra nô lệ, những đội tình nguyện viên da trắng truy tìm và bắt lại những nô lệ đã trốn thoát, đàn áp các cuộc nổi dậy của nô lệ và và trừng phạt những người vi phạm quy tắc của đồn điền.

Lực lượng tuần tra nô lệ được thiết lập ở Nam Carolina vào đầu những năm 1700, sau đó xuất hiện ở nhiều nơi khác, được hợp pháp hóa thông qua Luật Nô lệ Bỏ trốn, yêu cầu tất cả nô lệ trốn thoát được trả lại cho “chủ nhân”, ngay cả khi họ đã đến các bang tự do.

Đội tuần tra nô lệ có thể vào nhà bất cứ ai, bất kể chủng tộc hay sắc tộc, nếu nghi ngờ rằng họ đang che chở cho những nô lệ bỏ trốn. “Họ được phép thực hiện tất cả mọi thứ bạn nghĩ một sĩ quan cảnh sát có thể làm ngày nay”, Sally Hadden, giáo sư Đại học Tây Michigan, nói.

Lực lượng tuần tra nô lệ không được xây dựng để đảm bảo an toàn công cộng nói chung mà là để bảo vệ của cải của người da trắng, Seth Soughton, giáo sư tại Đại học Luật South Carolina, từng là cảnh sát ở Tallahassee, Florida, nhận xét.

Chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1865 bằng Tu chính án thứ 13 vào cuối Nội chiến Mỹ. Các đội tuần tra nô lệ bị giải tán và được thay thế bằng các sở cảnh sát dần xuất hiện tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, các bang miền nam thông qua “bộ luật cho người da màu” để hạn chế quyền tự do của các cựu nô lệ và buộc họ làm việc với mức lương thấp. Nó cũng hạn chế quyền bỏ phiếu của người da màu, giới hạn nơi họ có thể đi lại và cư ngụ.

Tu chính án số 14 được thông qua năm 1868, quy định cựu nô lệ được bình đẳng như những người khác trước pháp luật, khiến “bộ luật cho người da màu” trở nên bất hợp pháp. Nhưng trong vòng hai thập kỷ sau Tu chính án số 14, luật Jim Crow được ban hành trên khắp miền nam và một số bang miền bắc nhằm bác bỏ các quyền dân sự của người Mỹ gốc Phi.

Luật này thể chế hóa những phân biệt về kinh tế, giáo dục và xã hội cho người Mỹ gốc Phi, phân tách các trường công lập, nơi công cộng, giao thông công cộng, phòng vệ sinh, nhà hàng và bồn nước uống giữa người da trắng và người da màu trong khoảng 80 năm. Các cơ sở cho người Mỹ gốc Phi luôn thấp kém và thiếu thốn so với công trình dành cho người da trắng.

Cảnh sát được triển khai để đảm bảo lệnh giới nghiêm tại New York hồi đầu tháng này. Ảnh: AP.

Vào thời kỳ này, “hành hình kiểu lynch” (đám đông giết người họ cho là có tội mà không cần xét xử) với người Mỹ gốc Phi diễn ra rất phổ biến và thủ phạm không bị trừng phạt. Ku Klux Klan, hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng, được coi là hành động tàn nhẫn nhất trong thời kỳ này. Một số nhân viên thực thi pháp luật và các quan chức chính phủ còn gia nhập KKK, đặc biệt là ở miền nam nước Mỹ.

Hệ thống tư pháp không buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm khi không can thiệp cứu những người da đen bị sát hại, cũng không phải chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực của chính mình. Khi người da màu biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, nhân viên hành pháp thường được cử đến, sử dụng chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán các nhà hoạt động ôn hòa.

Một trong những sự kiện bạo lực trong giai đoạn này là thảm sát chủng tộc Tulsa năm 1921. Đám đông da trắng tấn công những người da màu sau khi một thợ đánh giày da màu 19 tuổi bị cáo buộc tấn công thiếu nữ da trắng 17 tuổi. Những người da trắng cướp phá cửa hàng và đốt nhà của người da màu ở thành phố Tulsa. Số người chết được ước tính trong khoảng 39 đến 300 người, hàng nghìn người mất nhà cửa.

Sau Thế chiến II và sự trỗi dậy của phong trào dân quyền, luật Jim Crow bị chấm dứt năm 1964, khi Đạo luật Dân quyền được thông qua.

Isaac Bryan, giám đốc Trung tâm chính sách Người da màu của UCLA, nói rằng gốc rễ phân biệt chủng tộc là một trong những lý do ông ủng hộ yêu cầu của người biểu tình: cắt ngân sách hoặc giải tán cảnh sát. Ông cho biết hiện nay cảnh sát vẫn có xu hướng sử dụng vũ lực nhiều hơn với người da màu và người da màu thường bị bắt và kết án nhiều hơn. “Lịch sử đó đã ăn sâu vào lực lượng hành pháp Mỹ”, Bryan nói.

“Mọi người thường nhìn vào vấn đề đương thời mà không hiểu rằng tất cả những gì đang xảy ra là sự nối tiếp của 400 năm bất công”, Cobbina nói. “Những hành động gây hại trong quá khứ của lực lượng hành pháp cần phải được chú ý đến trước khi chuyển sang các vấn đề khác”.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *