Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25379

Người dân liệu có phải chịu nguy cơ cuộc chiến tranh Israel-Palestine cận kề?

Rạng sáng 145, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo “các lực lượng không quân và lục quân của Israel đang tấn công vào Dải Gaza,” nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trước đó một ngày, lực lượng Hamas đã bắn hơn 200 quả đạn pháo, đưa tổng số đạn pháo bắn vào Israel trong 4 ngày liên lên 1.600 quả. Chiến tranh tổng lực Israel-Palestine đang cận kề.

Có vẻ như, người Israel và người Palestine đang chuẩn bị cho một sự leo thang bạo lực chưa từng thấy ở đây trong nhiều năm, vì một cuộc tranh chấp đất đai bùng phát được tiến hành cả tại Tòa án tối cao Israel và trên các đường phố của một khu dân cư phía Đông Jerusalem. Mối thù đang bùng lên trong khu phố Sheikh Jarrah chủ yếu là nơi người Palestine sinh sống nhưng người Israel lại tuyên bố sở hữu. Giờ đây, cảnh cũ đang tái hiện lại: cảnh sát Israel bắn đạn cao su vào những người biểu tình Palestine và tìm cách đuổi khoảng 70 người Palestine, ngăn chặn họ nỗ lực đòi lại đất đai của tổ tiên. Daniel Seidemann, một luật sư Israel chuyên về chính trị Jerusalem nói: “Có hai vấn đề cốt lõi trong bản sắc của cả người Do Thái và người Palestine: sự di dời và Jerusalem. Tất cả đều có trong không gian giới hạn này của Sheikh Jarrah và một khi bạn đặt chúng lại với nhau, đó là phản ứng tổng hợp”.

Khu Sheikh Jarrah chủ yếu là nơi người Palestine sinh sống nhưng người Israel lại tuyên bố sở hữu

Người Palestine và cảnh sát Israel đụng độ ở Jerusalem vì kế hoạch trục xuất người Arab. Gần 300 người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát Israel ở Sheikh Jarrah và trên Núi Đền, nơi có nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa và từ lâu đã trở thành tâm điểm trong cuộc xung đột Israel- Palestine. Abdel Fattah Sqaffe, một cư dân 71 tuổi của Sheikh Jarrah có hộ gia đình 14 thành viên nằm trong số 6 gia đình phải đối mặt với việc bị trục xuất, cho biết, sự gia tăng bạo lực cũng giống như các giai đoạn khác trước khi xảy ra giao tranh lớn. Ông nói: “Tôi nghĩ nếu điều này tiếp diễn, nếu họ tiếp tục cố gắng chiếm đóng chúng tôi, nó có thể châm ngòi cho chiến tranh ở toàn bộ Israel, cả hai phía của Ranh giới xanh và toàn bộ khu vực. Khi tháng Ramadan kết thúc và các vụ trục xuất ở Sheikh Jarrah được đưa ra tòa án, cả hệ thống chính trị của Israel – Palestine đều bị ảnh hưởng sâu sắc. Israel đã tăng cường sự hiện diện của cảnh sát khắp Jerusalem và Bờ Tây.

Hôm 8-5, khi cảnh sát Israel đã chặn một số xe buýt chở người Palestine đi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa cho Laylat al-Qadr, đêm linh thiêng nhất của tháng Ramadan, hàng trăm người Palestine đã hô vang khẩu hiệu: “Với tinh thần, bằng máu, chúng tôi sẽ giành lại al-Aqsa!”. Đêm đó, khoảng 90.000 người Palestine đã tham dự các buổi cầu nguyện tại Temple Mount. Một số sau đó đã đụng độ với cảnh sát Israel ở cả Sheikh Jarrah và xung quanh nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Đến ngày 9-5, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas có trụ sở tại Gaza đã trả đũa bằng cách phóng nhiều tên lửa vào Israel. Quân đội Israel đã tấn công một đồn quân sự của Hamas ở phía Nam Gaza và đóng cửa khu vực đánh cá của Gaza để đáp trả. Moussa Abu Marzouk, một thủ lĩnh cấp cao của Hamas viết: “Chúng tôi chào mừng người dân al-Aqsa và chúng tôi kêu gọi người dân của chúng tôi ở Palestine ủng hộ anh em bằng mọi cách. Trong khi đó, phản ứng của Israel đối với các cuộc biểu tình của người Palestine, bao gồm cả việc bắn đạn cao su về phía nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa đã bị nhiều quốc gia lên án. “Bạo lực sinh ra bạo lực”, Giáo hoàng Francis nói với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Peter ở Rome (Italia): “Đừng đụng độ nữa”. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) thì tuyên bố, bất kỳ vụ trục xuất nào của Israel đối với người Palestine ở Đông Jerusalem đều có thể bị coi là “tội ác chiến tranh”.

Người Palestine biểu tình phản đối chính sách trục xuất của Israel

Nhưng Israel vẫn quyết hành động theo ý chí của họ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này có thể xây dựng thủ đô ở nơi họ muốn. “Jerusalem là thủ đô của Israel và cũng giống như mọi quốc gia xây dựng thủ đô của mình, chúng tôi cũng có quyền xây dựng ở Jerusalem. Đó là những gì chúng tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm”, ông Benjamin Netanyahu nói. Hiện với những lo ngại về an ninh, Tòa án tối cao Israel đã thông báo hoãn quyết định về vụ trục xuất ở Sheikh Jarrah, ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 10-5. Trước đó, những người định cư Israel di chuyển đến Sheikh Jarrah để đuổi người Palestine và san ủi khu vực lân cận, dọn đường cho việc xây dựng 200 ngôi nhà ở đây. Họ tuyên bố thực hiện việc này theo  luật của Israel năm 1970, cho phép người Israel gốc Do Thái có quyền đòi lại các tài sản ở Đông Jerusalem do người Do Thái sở hữu trước cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1948. Những người Palestine bị mất đất không có quyền tương tự.

Các nhà lịch sử cho biết, một cộng đồng Do Thái nhỏ đã tồn tại hàng nghìn năm ở Sheikh Jarrah xung quanh lăng mộ của Shimon Hatzadik, một thầy tế lễ thượng phẩm của người Do Thái cổ đại, nhưng đã bỏ trốn khỏi khu vực này khi thành phố bị chia cắt vào năm 1948 giữa Israel và Jordan. Năm 1956, Jordan và Liên hợp quốc đã xây dựng 28 ngôi nhà nhỏ tại Sheikh Jarrah, phía Đông Green Line, để làm nơi ở cho các gia đình tị nạn Palestine. Người Palestine đã trả tiền thuê cho một “người trông coi chung”, đầu tiên là dưới thời Jordan, sau đó, khi Israel chinh phục vùng đất này vào năm 1967 thì là dưới quyền của Israel. Chaim Silberstein, chủ tịch của nhóm vận động ủng hộ người định cư Keep Jerusalem, đã tham gia vào việc gây quỹ quốc tế để mua tài sản vào năm 1998 bởi tổ chức ủng hộ người định cư Nahalat Shimon. Ông cho biết cư dân Palestine ở khu vực lân cận là những người từ chối đề nghị bồi thường cho việc di dời của họ. “Người Arab coi đây là một thách thức đối với mong muốn có được một nhà nước Palestine, thủ đô ở Đông Jerusalem”,  Silberstein nói.

Không có vụ trục xuất nào trong khu vực này kể từ năm 2009, khi chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc chính phủ Israel phải ngăn chặn các động thái như vậy. Sami Abu Dayya, một cư dân Palestine của Sheikh Jarrah, cho biết các phiên tòa bắt đầu trở lại trong những năm gần đây để đáp lại những cử chỉ đối với phong trào định cư Israel của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Luật được tạo ra cho người Do Thái, không phải cho chúng tôi” Abu Dayya, người có cha mẹ định cư ở khu vực lân cận sau chiến tranh năm 1948 nói và cho biết thêm rằng, khu đất của gia đình anh dự kiến ​​sẽ bị lấy mất vào cuối tháng 5.

S.Thương (Theo Washington)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *