Vụ kiện của bà Trần Tố Nga – một công dân Pháp gốc Việt, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin – chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đòi các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đối với hàng triệu nạn nhân Việt Nam với lý do Tòa không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác cho đến nay vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận dù tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện hôm 22/8.
Như vậy, hành trình đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai. Các con số thống kê cho thấy, từ năm 1961-1971, khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg điôxin do Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam đã gây nên một thảm hoạ da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề; khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hoá học, khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3; hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với cái chết, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ;
Hàng năm, chính phủ Việt Nam đã chi hàng trăm tỉ đồng cho các dự án nghiên cứu, khắc phục hậu quả chất độc da cam đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ con người;
Theo Điều 30 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020 thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam/đioxin được hưởng chế độ sau:
1) Trợ cấp hằng tháng
– Người mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể theo các mức từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên.
– Người bị vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật mà không mắc bệnh hoặc mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% thì được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%.
Bà Trần Tố Nga (thứ 3 từ phải sang) đến thăm, tặng xe lăn cho nạn nhân da cam ở huyện Phù Mỹ giữa tháng 6/2023
Trường hợp mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể theo mức từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên.
– Bệnh binh mắc thêm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học do nhiễm chất độc hóa học được khám giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể.
– Bệnh binh bị vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% – 60%.
– Bệnh binh mắc thêm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học do nhiễm chất độc hóa học và bị vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật được chọn hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% – 60%.
2) Phụ cấp hằng tháng
Phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.
3) Trợ cấp người phục vụ
Trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
4) Bảo hiểm y tế
5) Điều dưỡng phục hồi sức khỏe
Điều dưỡng phục hồi sức khoẻ hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
6) Chế độ ưu đãi
– Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;
– Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
– Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
– Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
– Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;
– Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
H.Chi