Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21693

Mỹ đang đẩy Ấn Độ vào cuộc chiến với Trung Quốc

Tình hình biên giới Trung-Ấn có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thực sự

Tình hình có vẻ như đang có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến – Ấn Độ và Trung Quốc đang kéo quân đội của mình, bao gồm cả xe bọc thép hạng nặng, vào khu vực hồ Pantong Tso ở dãy Himalaya, nơi được coi là khu vực tranh chấp của hai quốc gia này.

Sự leo thang căng thẳng ở khu vực Ladakh, nơi Đường kiểm soát thực tế đi qua, đã diễn ra tại đây từ hồi đầu tháng Năm năm nay và đã được đánh dấu bằng những cuộc giao tranh của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, cho đến nay chỉ mới dùng những “nắm đấm” chứ chưa sử dụng đến súng ống.

Cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều có quân đội hùng mạnh, ngoài ra, mỗi bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy mọi thứ có thể sẽ không dừng lại ở những cuộc đấu tay không mà cuộc chiến tranh giữa hai nước có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực lân cận.

Bất chấp các cuộc đàm phán giữa các tướng lĩnh Trung Quốc và Ấn Độ được tổ chức vào ngày 9 tháng 6, dẫn đến các thỏa thuận giải quyết các tình huống xung đột thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, các bên vẫn tiếp tục củng cố vị trí của mình.

Ấn Độ đã chuyển các đội quân lớn vào khu vực, cũng như các xe tăng T-90S và T-72M1, được chuyển đến đó bằng đường sắt.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách triển khai lực lượng của mình đến các vùng tranh chấp, bao gồm các đơn vị đổ bộ đường không được tăng cường bằng xe bọc thép, đặc biệt là xe tăng Type96A (xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Trung Quốc với pháo 125 mm).

“Lữ đoàn đổ bộ đường không của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gồm hàng ngàn lính dù gần đây đã bay từ tỉnh Hồ Bắc đến một địa điểm không được tiết lộ trên cao nguyên Tây Bắc Trung Quốc chỉ trong vài giờ” – Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.

Ngoài ra, một lữ đoàn từ Tập đoàn quân 74 chuyên hoạt động ở khu vực phía Nam của PLA đã được gửi từ tỉnh Quảng Đông đến khu vực này.

Sự tập trung lực lượng và phương tiện của cả hai bên là khá cao, và nếu tính đến điều kiện khu vực núi cao, có thể nói rằng nó vượt ra ngoài giới hạn.

Việc đánh giá tiềm năng chiến đấu của cả Ấn Độ và Trung Quốc không mang lại nhiều ý nghĩa, bởi quân đội của New Delhi và Bắc Kinh đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá PLA có phần nhỉnh hơn.

Ngoại trừ một yếu tố bên ngoài, đó là Hoa Kỳ, quốc gia đang cố gắng lợi dụng tình huống này để tạo ra một mặt trận chống Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà với sự leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột lãnh thổ của Ấn Độ và Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thể hiện sự quan tâm cực độ.

Ông Trump đã vội vã thảo luận về tình huống này với phía Ấn Độ và đưa ra các phương án hòa giải, điều này tự nhiên gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh. Ông Triệu Lư, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba”.

Cũng cần lưu ý rằng New Delhi cũng đã từ chối đề xuất hòa giải của Mỹ, ít nhất là cho đến nay.

Được biết, ông Trump đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendroi Modi cùng số một số đại diện khác của “các quốc gia được lựa chọn” tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Washington, sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6, để thảo luận không chính thức về mặt trận chống Trung Quốc toàn cầu.

Đây không phải là năm đầu tiên Ấn Độ là một trong những nước được Hoa Kỳ “ưu tiên” ở khu vực châu Á và Washington đang kiên trì đẩy Nga ra khỏi chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự.

Điều này cũng là do sự lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa Washington và Islamabad, vì Pakistan hiện đang quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Trung Quốc hiện đang xây dựng căn cứ hải quân tại cảng Gwadar của Pakistan, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh ở Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm một đồng minh đại diện là Ấn Độ để thông qua nó bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

Và nếu như trong những năm 2018-2019, Washington và New Delhi đã trao đổi với nhau những tuyên bố không thân thiện, bao gồm cả việc Ấn Độ có kế hoạch mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, thì nay giọng điệu này đã có thay đổi.

Ngay cuối năm 2019, Tổng thống Trump đã tuyên bố cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ấn Độ “Tiger Triumph” sẽ được tổ chức tại Ấn Độ.

“Chúng tôi cam kết bảo vệ các công dân Ấn Độ và Mỹ trước nguy cơ khủng bố của Hồi giáo cực đoan”, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó đã phát biểu, ám chỉ đến vấn đề lãnh thổ của Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó được mời đến Hoa Kỳ và đã gọi ông Trump là “một người bạn thực sự và là tổng thống Mỹ vĩ đại”.

Tình hình xung đột hiện tại ở biên giới trên dãy Himalaya, nơi có nguy cơ biến thành cuộc chiến thực sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đã được Hoa Kỳ cố gắng sử dụng vào mục đích riêng của họ,

Trong bối cảnh xung đột nội bộ và bạo loạn ở trong nước, Hoa Kỳ hiện đang rất cần một hành động để đánh lạc hướng dư luận, có thể là tham gia vào một cuộc chiến tranh nào đó.

Điều này đã xảy ra không phải một lần – Hoa Kỳ không thích chiến đấu trên lãnh thổ của mình mà họ muốn thể hiện cơ bắp thép của mình ở nơi khác. Tại Washington, người ta cho rằng chiến tranh có thể tập hợp nước Mỹ lại và đánh lạc hướng dư luận ra khỏi các vấn đề nội bộ.

Trong trường hợp này, Washington sẽ không bỏ lỡ cơ hội sử dụng tình hình để làm suy yếu vị thế của Trung Quốc cả về quân sự và trên thị trường quốc tế. Và nếu New Delhi đi đến cuộc chiến sẽ bùng nổ, thì chủ yếu là dưới bàn tay của Washington.

Có những điều kiện tiên quyết cho một cuộc xung đột vũ trang như vậy – Ấn Độ hiện có những tranh chấp chưa được giải quyết với Trung Quốc, từ khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, vào thời điểm biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng chưa được phân định rõ ràng.

Trung Quốc không công nhận cái gọi là đường phân định McMahon do người Anh vẽ ra. Hai khu vực được coi là gây tranh cãi là Aksai Chin ở phía đông bắc Kashmir và một quận ở phía bắc của bang Arunachal Pradesh ngày nay.

Ngoài ra, Ấn Độ từng có hai cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc vào năm 1962 và 1967. Trong cuộc chiến năm 1962, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã bị đánh bại và mất khoảng hai sư đoàn.

New Delhi cũng lo ngại về việc Trung Quốc đã trở thành một siêu cường, thay thế các nền kinh tế của Đức và Nhật Bản, và Ấn Độ đang dần mất chỗ đứng cho Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong xây dựng quân sự.

Một mình Ấn Độ sẽ không dám tham gia vào “cuộc chiến lớn” với Trung Quốc, nhưng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ thì về mặt lý thuyết, tất nhiên, có thể họ sẽ cố gắng hiện thực hóa các yêu sách lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, có một mối nguy hiểm khi đưa cuộc xung đột vượt ra khỏi biên giới của dãy Himalaya, và điều này chắc chắn là không cần thiết đối với New Delhi.

Tóm lại, xe tăng đã được kéo đến sát biên giới, đại bác cũng đã được dỡ bạt, chỉ còn chờ một phát pháo lệnh là quân đội Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiến hành cuộc tấn công.

Các bên tỏ ra khá hung hăng và Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ dễ dàng đối phó với xe tăng T-90 mà Ấn Độ đã di chuyển đến vùng núi. Vị thế của Ấn Độ được củng cố một phần là do thực trạng hầu hết biên giới Ấn Độ – Trung Quốc đi qua vùng núi cao, không cho phép tiến hành một cuộc đụng độ với quy mô lớn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *