Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23200

Một mùa xuân đầy ước vọng

Đã 80 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ trở về quê hương sau ba mươi năm (1911-1941) bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước. Mỗi mùa xuân đến, triệu người dân Việt Nam lại thổn thức, lắng động tâm cam “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”. Từ Xuân Tân Tỵ (1941) đến Xuân Tân Sửu (2021) – 80 khoảnh khắc mùa Xuân của đất trời. Tám mươi mùa Xuân như một bước đi khổng lồ của Đất nước, Dân tộc, Nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Giữa mùa xuân vững bước tới tương lai”

Người trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm (1911-1941) bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về cố quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chỉ trong vòng bốn năm Người đã gây dựng lực lượng hùng hậu, đoàn kết nhân dân trong một mặt trận thống nhất rộng rãi toàn dân (thành lập Mặt trận Việt Minh), đón chờ thời cơ. Tháng 8/1945, khi Hồng Quân Liên – Xô và phe Đồng Minh hiệp lực tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa phát xít, vãn hồi hòa bình cho nhân loại, Đảng ta đã chớp lấy thời cơ ngàn năm có một lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng mùa Thu long trời lở đất.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhà thơ Xuân Diệu hào hứng viết Ngọn Quốc kỳ (Tráng ca). Lần đầu tiên trong thơ Xuân Diệu nói riêng, thơ ca cách mạng nói chung, xuất hiện khái niệm “hồn nước”. Hãy nhớ lại, trước năm 1945, ngay cả khi mùa xuân đến, thi sỹ Xuân Diệu cũng vẫn băn khuăn cảm thấy: “Mùa xuân khó chịu quá đi thôi/ Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi” (Đơn sơ). Nhưng với Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ đây tâm hồn nhà thơ không còn “treo ngược cành cây” như trước nữa. Bây giờ thì mới mẻ hoàn toàn: “Hồn còn theo đuổi bóng cờ bay”. Hồn nước giờ đây với thi sỹ là: “Hồn nước ở đây Khu Giải Phóng/ Ngoài kia còn tối cả giang sơn/ Đây quân du kích dao chen ánh/ Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh/ Cờ như mắt mở thức thâu canh/ Như lửa đốt hoài trên chót đỉnh/ Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn/ Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh/ Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng/ Bay mãi trên trời treo sứ mệnh”. Ngọn cờ Tổ quốc (Quốc kỳ) là biểu tượng của non sông đất nước thời đại Cách mạng (màu đỏ tượng trưng cho Cách mạng, màu vàng tượng trưng cho truyền thống dân tộc, ngôi sao năm cánh tượng trưng cho khối đại đoàn kết giai cấp, dân tộc).

Những mùa xuân vĩnh viễn

Mùa Xuân hòa bình đến. Thời đại nào văn học ấy. Sau chín năm (1945-1954) trường kỳ kháng chiến gian khổ hy sinh, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được hòa bình trên một nửa đất nước, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của đối phương theo hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam. Không thể nói hết niềm vui khi đón nhận hòa bình sau một cuộc kháng chiến trường kỳ ba ngàn ngày không nghỉ. Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Trên miền Bắc mùa xuân (5-2-1956). Một cảm giác rộn ràng của ngày chiến thắng, hòa bình đến với mọi nhà trên một nửa đất nước thân yêu. Miền Bắc hồi sinh, thay da đổi thịt từng ngày từng giờ: “Tôi chạy trên miền Bắc/ Hớn hở giữa mùa xuân/ Rộn rực muôn màu sắc/ Náo nức muôn bàn chân (…)/ Tôi đi dưới nắng trưa/ Mùa xuân ấm áp/ Nghe hơi thở của đồng quê mập mạp/ Bãi phù sa xanh mượt ngô non”. Mùa xuân gợi cảm hứng sức sống tương lai: “Giữa mùa xuân vững bước tới tương lai/ Tôi vui đi, mê mải…một hai/ Giật mình nghe tiếng còi dài gióng giả/ Trên đường sắt, chuyến tàu trưa hối hả / Chạy về Nam như một đạo quân/ Chuyển rầm rầm trên miền Bắc mùa xuân”.

Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới vào đầu những năm sáu mươi thế kỷ hai mươi (XX). Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ dài Ba mươi năm đời ta có Đảng (6-1960). Một bản tổng kết lịch sử thời đại cách mạng bằng ngôn ngữ thơ ca. Bài thơ gồm 258 câu, vận dụng thể thơ song thất lục bát, nhờ thế mạch thơ đi cuồn cuộn mà vẫn cân đối hài hòa. Ba mươi năm đời ta có Đảng là một tráng ca, sử thi và lãng mạn, trữ tình, triết luận về con đường cách mạng của dân tộc từ khi có Đảng. Lời thơ vừa tự hào tha thiết, vừa chân thành như là lời tâm sự: “Anh chị em ơi!/ Ba muơi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài/ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay /Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm/ Mùa xuân đó, con chim én mới/ Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh/ Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”.

Khi cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới, dường như đất trời cũng thuận đứng về phía lòng người chiến đấu. Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Tiếng hát sang xuân (6-1-1965) với lời thơ đằm thắm: “Mở tờ lịch mới hôm nay/ Biết là xuân đến cầm tay lên đường/ Rộn ràng thay, cảnh quê hương/ Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao/ Xuân ơi xuân chọn hướng nào/ Vui đây miền Bắc hay vào miền Nam/ Ngoài này nắng đỏ cành cam/ Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa”. Nhà thơ Viễn Phương viết Đám cưới giữa mùa xuân. Một nét riêng tư hòa trộn niềm vui chung của đất trời vào xuân: “Anh đến tìm em… (Nhớ may áo mới)/ Tiếng súng vừa im, cử hành lễ cưới/ Giữa mùa xuân chiến thắng của quê mình/ Có đôi bồ câu trắng vượt trời xanh”. Nét độc đáo là một lễ cưới trong mơ của một anh chiến sỹ quân Giải phóng có người yêu đã hi sinh trong chiến trận. Đó quả thực là những mùa xuân vĩnh viễn trong lòng người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *