Các mạng xã hội (Online Social Media) là một dạng biểu hiện đặc biệt của Internet, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tương tác xã hội, thông qua việc cho phép tất cả mọi người có thể phổ biến, chia sẻ và trao đổi kiến thức, thông tin. Mạng xã hội có tính trực quan và khả năng phổ biến thông tin nhanh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Dù vậy, do cho phép người dùng chia sẻ công khai các nội dung cá nhân, mạng xã hội vô hình trung đã làm mờ ranh giới giữa sự công cộng và riêng tư, giữa quyền và nghĩa vụ, từ đó đặt ra những thách thức lớn với việc bảo đảm sự cân bằng giữa những yêu cầu về sự tự do và tuân thủ pháp luật của người dùng cũng như của các công ty điều hành mạng xã hội.
Kỳ 2: Bảo vệ quyền riêng tư
Mạng xã hội là nơi chứa đựng một kho thông tin cá nhân, tiết lộ mọi thứ từ quan điểm chính trị đến khuynh hướng tình dục. Người dùng trong thực tế đã ngầm ủy thác cho các mạng xã hội lưu giữ dữ liệu cá nhân của mình. Các Chính phủ cũng thường đưa ra yêu cầu với các mạng xã hội về việc cung cấp thông tin cá nhân người dùng lấy danh nghĩa để điều tra tội phạm và để bảo vệ an ninh quốc gia.
Tất cả các công ty cung cấp dịch vụ mạng đều có chính sách về bảo mật thông tin của người dùng, nhưng các chính sách này thường đơn giản, thiếu toàn diện và không phải lúc nào cũng được tuân thủ đầy đủ.
Bảo vệ quyền riêng tư
Báo cáo gần đây của Kaspersky “Người dùng có tự “bán khống” quyền riêng tư của họ khi trực tuyến?” (The true value of digital privacy: are consumers selling themselves short?), 38% người dùng cho biết sẽ từ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư của họ trên internet.
Báo cáo đã chỉ ra vì sao thông tin cá nhân dần trở nên vô cùng quý giá đối với người dùng, nhất là trong thời đại Internet đang bùng nổ như hiện nay.
Theo báo cáo của Kaspersky, các mạng xã hội, như Facebook, Instagram hay Twitter, đang cực kỳ phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, với số người dùng mạng xã hội chiếm đến 82%.
Để lấy dữ liệu từ người dùng, các nền tảng truyền thông xã hội mang đến cho họ nhiều cơ hội thể hiện bản thân, giao tiếp với bạn bè và gia đình, cũng như tìm hiểu tin tức, khám phá ý tưởng và xu hướng mới mà không cần ra khỏi nhà.
Mặc dù được hưởng nhiều lợi ích như vậy, một số người dùng vẫn muốn từ bỏ mạng xã hội nếu việc này giúp họ bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến. Điều đó có nghĩa là 12% người dùng sẽ không thể tiếp tục tham gia những trò chơi giải trí như “bạn trông giống người nổi tiếng nào?” hoặc “bữa ăn yêu thích của bạn là gì?”, vì họ phải cung cấp thông tin cá nhân nếu muốn biết câu trả lời.
Các công ty cung cấp dịch vụ mạng đều không tiết lộ nhiều thông tin về cách thức họ lưu giữ dữ liệu của người dùng. Weibo không cung cấp bất kỳ thông tin nào về vấn đề này. Facebook thì chỉ giải thích sơ sài là công ty lưu trữ dữ liệu “cần thiết để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho bạn và những người khác”, “cho đến khi tài khoản của bạn bị xóa”[1]. Twitter thì nói rằng “dữ liệu nhật ký”- tức là siêu dữ liệu – bị xóa hoặc ẩn danh sau 18 tháng[2]. Trừ khi bị hạn chế về mặt pháp lý, Facebook và Twitter sẽ thông báo cho người dùng nếu một cơ quan chính quyền yêu cầu thông tin tài khoản người dùng[3]. Trong khi đó, Weibo chỉ giải thích rằng luật pháp có thể yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân trong một số trường hợp: (1) tuân thủ các thông báo pháp lý hoặc thủ tục pháp lý hiện hành; (2) bảo vệ các quyền hoặc tài sản của người sử dụng; (3) Trong trường hợp khẩn cấp, để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc công cộng[4].
Twitter là công ty duy nhất không có chính sách yêu cầu người dùng phải khai báo tên thật mà chỉ cần một địa chỉ email khi đăng ký. Facebook, Weibo đều yêu cầu tên thật vì nhiều lý do khác nhau. Facebook tuyên bố rằng chính sách về tên thật “dẫn đến trách nhiệm giải trình lớn hơn và môi trường an toàn, đáng tin cậy hơn”[5], còn trong trường hợp của Weibo, luật pháp Trung Quốc buộc họ phải xác minh danh tính người dùng.
Việc yêu cầu người dùng mạng xã hội phải nêu tên thật được xem là không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Về vấn đề này, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do ngôn luận và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ẩn danh trong việc thực hiện và bảo vệ quyền con người trong thời đại Internet.
Biện pháp khắc phục
Cả Facebook và Twitter đều định kỳ công bố “báo cáo minh bạch”. Báo cáo được Facebook công bố lần đầu tiên (Báo cáo về các Yêu cầu Chính phủ về thông tin hạn chế nội dung) vào tháng 4 năm 2014 (báo cáo trước đó chỉ tiết lộ yêu cầu dữ liệu người dùng)[1]. Tuy nhiên, Facebook chỉ báo cáo số lượng yêu cầu của chính phủ mà người dùng phải tuân thủ nhưng không báo cáo về tổng số yêu cầu của chính phủ mà họ nhận được. Twitter đã tiết lộ yêu cầu xóa nội dung kể từ báo cáo minh bạch đầu tiên vào năm 2012. Ngoài những gì Facebook tiết lộ, báo cáo của Twitter cũng bao gồm tỷ lệ tuân thủ, nội dung bị giữ lại cũng như thông báo gỡ xuống do vi phạm bản quyền[2]. Twitter cũng cung cấp chi tiết về các loại yêu cầu của Chính phủ và tỷ lệ tuân thủ như dữ liệu về thông tin được tiết lộ cho chính quyền trong trường hợp khẩn cấp[3]. Tuy nhiên, cả hai công ty này đều đang phải đối mặt với những hạn chế về những gì chính phủ Hoa kỳ cho phép họ báo cáo. Chính phủ Hoa Kỳ không cho phép các công ty Mỹ hoàn toàn minh bạch về các lệnh của Ủy ban An ninh Quốc gia.
Weibo không công bố báo cáo minh bạch vì các yêu cầu của chính phủ thuộc vào dạng thông tin mật theo Luật bí mật nhà nước Trung Quốc.
Đối với tài khoản bị tạm ngưng, cả Twitter và Facebook đều cung cấp tùy chọn kháng nghị. Khi tài khoản bị vô hiệu vì lý do vi phạm Tuyên bố về Quyền và Trách nhiệm của Facebook, người dùng có thể gửi kháng nghị thông qua biểu mẫu cụ thể. Dù vậy, công ty chưa nêu rõ thông tin về thời gian xử lý yêu cầu, quy trình ra quyết định hoặc mức độ nghiêm trọng của vi phạm sẽ kích hoạt tạm ngưng tài khoản[4]. Trang thông tin của Twitter cũng đề cập ngắn về vấn đề này nhưng giải thích rõ hơn về cách khiếu nại[5]. Weibo thì không cung cấp tùy chọn kháng cáo trực tiếp hoặc biểu mẫu web; thay vào đó, người dùng được khuyến khích gửi email cho công ty và cho biết họ có đồng ý về hoạt động của quản trị viên hay không[6]. Weibo cũng cung cấp những thông tin sơ sài về biện pháp khắc phục, mà phần lớn phải dựa vào bằng chứng.
Vũ Công Giao
Khoa Luật, Đại học Quốc gia
[1] Facebook Government Requests Report. About the Reports. https://govtrequests.facebook.com/ about.
[2] For more information about the Digital Millennium Copyright Act see legal summaries in Chapter 2
[3] Twitter clarifies that the company evaluates ‘emergency disclosure requests’ on a case by case basis as per US law and if the company has good faith to believe that there is an emergency involving the danger or death or serious physical injury to a person. For more information see: https://support.twitter.com/articles/41949#12.
[4] Facebook Desktop Help. My Personal Account was Disabled. https://www.facebook.com/help/ contact/260749603972907.
[5] Twitter. Help Center. My account is suspended. https://support.twitter.com/articles/15790-my- account-is-suspended.
[6] Sina Help. Complaints to a Weibo Manager. http://help.sina.com.cn/comquestiondetail/view/1077
[1] Facebook. Information we receive and how it is used. https://www.facebook.com/about/privacy/ your-info.
[2] ‘We receive Log Data when you interact with our Services, for example, when you visit our websites, sign into our Services, interact with our email notifications, use your Twitter account to authenticate to a third-party website or application, or visit a third-party website that includes a Twitter button or widget. Twitter uses Log Data to provide our Services and to measure, customize, and improve them. If not already done earlier, for example, as provided below for Widget Data, we will either delete Log Data or remove any common account identifiers, such as your username, full IP address, or email address, after 18 months.’ Twitter Privacy Policy. last updated 21 October 2013. https:// twitter.com/privacy (Accessed 4 August 2017.)
[3] Twitter. Help Center. Guidelines for Law Enforcement. https://support.twitter.com/entries/41949; Facebook. Safety Center. Information for Law Enforcement Authorities. https://www.facebook.com/ safety/groups/law/guidelines
[4] Sina Corp. About Sina: Privacy. http://corp.sina.com.cn/chn/sina_priv.html
[5] Somini Sengupta. 15 November 2011. Rushdie Wins Facebook Fight Over Identity. New York Times.
www.nytimes.com/2011/11/15/technology/hiding-or-using-your-name-online-and-who-decides. html?pagewanted=all (Accessed 9 August 2017.)