Các mạng xã hội (Online Social Media) là một dạng biểu hiện đặc biệt của Internet, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tương tác xã hội, thông qua việc cho phép tất cả mọi người có thể phổ biến, chia sẻ và trao đổi kiến thức, thông tin. Mạng xã hội có tính trực quan và khả năng phổ biến thông tin nhanh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Dù vậy, do cho phép người dùng chia sẻ công khai các nội dung cá nhân, mạng xã hội vô hình trung đã làm mờ ranh giới giữa sự công cộng và riêng tư, giữa quyền và nghĩa vụ, từ đó đặt ra những thách thức lớn với việc bảo đảm sự cân bằng giữa những yêu cầu về sự tự do và tuân thủ pháp luật của người dùng cũng như của các công ty điều hành mạng xã hội.
Kỳ 1 Vấn đề lọc chặn thông tin và người dùng trên các mạng xã hội
Hiện tại, các công ty chủ chốt điều hành các mạng xã hội lớn nhất của thế giới bao gồm: Facebook (www.facebook.com): Đây là một mạng xã hội được thành lập vào năm 2004, có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tính đến tháng 3 năm 2014, công ty có 1,28 tỷ người sử dụng thường xuyên, trong đó 81,2% là ở ngoài Bắc Mỹ. Twitter (www.twitter.com): Nguyên là một diễn đàn viết blog nhỏ (vi mô) được thành lập vào năm 2006 tại Hoa Kỳ. Tính đến tháng 6 năm 2014, Twitter đã có 271 triệu người dùng thường xuyên với trung bình mỗi ngày gửi 500 triệu tin nhắn (được gọi là ‘Tweets’), trong đó 77% người dùng sống bên ngoài Hoa Kỳ[1]. Twitter cho phép người dùng đăng ký trao đổi tin nhắn gồm 140 ký tự (hoặc ít hơn) thông qua trang web Twitter, ứng dụng di động hoặc SMS. Weibo (www.weibo.com): Đây là một diễn đàn viết blog nhỏ của Trung Quốc, được thành lập năm 2009, tách ra từ công ty mẹ Sina vào tháng 4 năm 2014[2]. Vào tháng 6 năm 2014, Weibo có 156 triệu người dùng,[3] chủ yếu là người Trung quốc, sống ở Trung quốc đại lục.
Mạng xã hội có ích lợi rất lớn trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin, song cũng bị một số quốc gia xem là một nguồn nguy hiểm với chế độ chính trị và tìm cách giới hạn hoặc ngăn chặn. Ví dụ, Facebook, Twitter và YouTube (thuộc sở hữu của Google) trong một thời gian dài đã bị lọc chặn ở Trung Quốc, và hiện tại hoàn toàn không thể truy cập được một cách bình thường ở nước này trừ khi sử dụng công nghệ vượt thoát đặc biệt.[4]
Về mặt kỹ thuật, các công ty điều hành mạng xã hội không kiểm soát được hành động của các nhà nước nơi mà mạng xã hội đó bị lọc chặn. Không giống như các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) khác, các công ty điều hành mạng xã hội (cũng như các công cụ tìm kiếm), không cần thiết có sự hiện diện ở một quốc gia để tiếp cận người dùng ở nước đó. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn có thể đe dọa lọc chặn mạng để buộc các công ty này tuân thủ luật pháp của họ. Một số công ty, ví dụ như Facebook, Twitter, và Google đã từng phản kháng sự đe doạ như vậy, song trong nhiều trường hợp, các công ty này buộc phải thoả hiệp, đáp ứng yêu cầu của các chính phủ về việc xóa nội dung hoặc hủy một số tài khoản trên trang mạng của họ, đặng có thể tiếp tục tồn tại ở quốc gia đó.
Các quốc gia thường lấy lý do ngăn chặn tình trạng bất ổn chính trị và bảo đảm đoàn kết dân tộc để lọc chặn mạng xã hội. Ví dụ, từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã cắt mạng Internet ở tỉnh Tân Cương để đối phó với tình trạng an ninh bất ổn ở đây[5]. Hoặc năm 2011, chính phủ Ai Cập cũng đã lọc Facebook và Twitter trước khi tắt truy cập Internet trên toàn quốc trong khoảng một tuần. Ở Ấn Độ năm 2012, để đối phó với các mối đe dọa bạo lực sắc tộc sau tình trạng bất ổn ở phía đông bắc, Chính phủ ra lệnh cho các ISP lọc các trang YouTube, Facebook và Twitter để chặn, xóa những nội dung có thể kích động bạo lực, bao gồm xoá tài khoản của một số người dùng[6].
Việc lọc chặn cũng có thể do chính các mạng xã hội thực hiện dựa trên những quy tắc do họ tự đề ra. Các mạng xã hội có thể hạn chế nội dung mà người dùng chia sẻ trên mạng của họ theo một số cách, ví dụ như xóa, chặn nó khỏi chế độ xem cho người dùng ở các khu vực nhất định; hoặc tắt, hủy kích hoạt tài khoản của người dùng mà đã đăng những nội dung nhất định. Hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em là một trong những loại nội dung phổ biến nhất mà các mạng xã hội đều cấm. Facebook, bằng việc sử dụng công nghệ PhotoDNA của Microsoft, có thể xác định chính xác và lọc chặn 99,7% hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em[7].
Tất cả các mạng xã hội đều cấm một số nội dung trong điều khoản về dịch vụ, thường được thể hiện dưới dạng “Quy tắc quản lý cộng đồng” (Weibo), “Tiêu chuẩn cộng đồng” (Facebook)[8] hoặc “Quy tắc” (Twitter).[9] Các hạn chế bao gồm những nội dung khiêu dâm người lớn, ảnh khoả thân, ngôn từ kích động thù địch, quấy rối, mạo danh, và thông tin cá nhân như thẻ tín dụng hoặc số ID của một người nào đó.
Thông thường các công ty cung cấp dịch vụ mạng sẽ công khai giải thích các chính sách hạn chế thông tin của họ. Các chính sách này chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi pháp luật của quốc gia nơi mà các công ty đó đặt trụ sở, song trong thực tế, tất cả các mạng xã hội còn chịu ảnh hưởng bởi luật pháp ở các quốc gia khác nơi họ chủ động tiếp thị dịch vụ của họ cho người dùng. Trong trường hợp của Trung Quốc, cả Facebook lẫn Twitter đều không chấp nhận các điều kiện về hạn chế mạng do chính quyền yêu cầu, vì vậy đã bị ngăn chặn triệt để.
Ở nhiều quốc gia, chính quyền thường tìm cách kiểm soát mạng xã hội thông qua các cơ chế tự quản lý riêng của công ty, chứ không phải dưới dạng nêu ra những yêu cầu thông qua các kênh chính thức. Tuy nhiên, ở Trung quốc, chính quyền áp dụng chế độ “trách nhiệm bao trùm” đối với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet. Điều đó có nghĩa là các mạng xã hội chịu trách nhiệm về tất cả nội dung – ngay cả những nội dung do người dùng tạo mà công ty không nhận thức được. Weibo đã chủ động theo dõi nội dung mà người dùng đưa lên mạng để đáp ứng yêu cầu của chính quyền. Theo Reuters, trong vòng 24 giờ, nhân viên của Weibo phải xử lý và đưa ra quyết định về ba triệu bài đăng trên Weibo,[10] còn theo một nghiên cứu của Carnegie Mellon về Weibo, khoảng 16% số tin nhắn gửi qua mạng này đã bị xóa[11]. Mạng xã hội Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ, trong đó phổ biến nhất là chặn từ khóa. Weibo duy trì danh sách đen các từ khóa mà người dùng không thể sử dụng trong bài đăng của họ.
Tất cả các công ty cung cấp dịch vụ mạng bảo lưu đặc quyền nhất định về thu hồi, tạm ngưng hoặc chấm dứt tài khoản người dùng theo quyết định của mình mà không cần thông báo trước. Tuy nhiên, việc chấm dứt tài khoản một cách đột ngột như vậy hiếm xảy ra. Weibo có thể cảnh báo người dùng hoặc tạm ngưng sau đó mới chấm dứt hoạt động của tài khoản[12], còn Twitter sẽ ‘..thực hiện những nỗ lực hợp lý để thông báo cho người dùng” qua email hoặc khi người dùng đăng nhập lần sau[13].
Các công ty cung cấp dịch vụ mạng cũng cho phép mọi người dùng báo cáo về nội dung hoặc cá nhân người dùng khác mà có hành lạm dụng hoặc vi phạm các điều khoản dịch vụ. Các công ty sẽ tiến hành đánh giá các báo cáo này và có quy trình nội bộ để quyết định xem liệu có nên thực hiện chế tài với hành động đó hay không. Facebook cung cấp các biểu mẫu cho người dùng và cả những người không có tài khoản để báo cáo các loại vi phạm khác nhau.[14] Người dùng báo cáo vi phạm có thể theo dõi việc xử lý báo cáo của họ thông qua Trang hỗ trợ tổng quan[15]. Facebook cũng sử dụng cơ chế “báo cáo xã hội” cho phép người dùng liên hệ với nhau để giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi một người dùng đăng thông tin hoặc hình ảnh sai về một chủ thể, chủ thể đó có thể trực tiếp yêu cầu người dùng xóa bài đã đăng. Twitter cũng có các cơ chế cho phép người dùng báo cáo nội dung thông qua một trang web có tiêu đề là “cách báo cáo vi phạm”.[16] Người dùng có thể báo cáo về các hành vi mạo danh, vi phạm thương hiệu, quấy rối, gây hại, quảng bá “sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp”[17]. Tương tự, Weibo cũng có cơ chế thông qua đó người dùng có thể báo cáo về bài đăng, nhận xét và tin nhắn mà họ cho là có sự lạm dụng hoặc vi phạm chính sách của công ty.
Facebook có các hình phạt theo từng nấc. Ví dụ, nếu ai đó nhiều lần gửi những tin nhắn spam, Facebook có thể chặn các tính năng nhắn tin cho người dùng đó[18]. Twitter thì đăng thông báo rằng tài khoản đã bị tạm ngừng khi phát hiện vi phạm. Weibo thì xóa các tài khoản vi phạm các quy tắc nội dung của công ty, với luật pháp và theo yêu cầu của chính quyền[19].
Cả Facebook và Twitter trong những năm gần đây đều tỏ ra minh bạch hơn về cách họ trả lời yêu cầu của các chính phủ về hạn chế nội dung được thực hiện trên mạng, trong khi Weibo thì không tiết lộ gì về vấn đề này. Tuy nhiên, tất cả các công ty cung cấp dịch vụ mạng đều không công khai quy trình ra quyết định nội bộ của họ về việc hạn chế và xử lý nội dung trên mạng.
PGS.TS Vũ Công Giao
Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
[1] Twitter. About Twitter. https://about.twitter.com/company
[2] Sina Corporation. About Sina. http://corp.sina.com.cn/eng/sina_intr_eng.htm.
[3] Xinhua08.com. 15 August 2017. Weibo Monthly Active Users Exceed 156 million [in Chinese]. http://news.xinhua08.com/a/20170815/1371610.shtml (Accessed 10 August 2017.)
[4] Freedom House. Freedom on the Net 2013. China www.freedomhouse.org/report/freedom-net/2013/china
[5] Edward Wong. 15 May 2010. After Long Ban, Western China Is Back Online. New York Times. www.nytimes.com/2010/05/15/world/asia/15china.html (Accessed 5 August 2017.)
[6] Vikas SN. 22 August 2012. #IndiaBlocks: Airtel Blocks Youtu.be Short URL, Proxy & Domain Marketplace Sites. MediaNama. www.medianama.com/2012/08/223-indiablocks-airtel-blocks- youtu-be-short-url-proxy-domain-marketplace-sites (Accessed 4 August 2017.)
[7] Riva Richmond. 19 May 2011. Facebook’s New Way to Combat Child Pornography. New York Times. http://gadgetwise.blogs.nytimes.com/2011/05/19/facebook-to-combat-child-porn-using- microsofts-technology (Accessed 5 August 2017); Nick Eaton. 19 May 2011. Facebook deploys Microsoft tool to fight child pornography. Seattle Post-Intelligencer. http://blog.seattlepi.com/ microsoft/2011/05/19/facebook-deploys-microsoft-tool-to-fight-child-pornography (Accessed 5 August 2017); Bill Harmon. 19 May 2011. 500 million friends against child exploitation. The Official Microsoft Blog. http://blogs.microsoft.com/blog/2011/05/19/500-million-friends-against-child- exploitation (Accessed 5 August 2017.)
[8] Facebook. Community Standards. https://www.facebook.com/communitystandards
[9] Facebook’s Statement of Rights and Responsibilities: ‘You will not use Facebook to do anything unlawful, misleading, malicious, or discriminatory.’ Twitter. The Twitter Rules. https://support.twitter. com/articles/18311-the-twitter-rules
[10] Li Hui and Megha Rajagopalan. 11 September 2013. At Sina Weibo’s censorship hub, China’s Little Brothers cleanse online chatter. Reuters. http://www.reuters.com/article/2013/09/12/us-china- internet-idUSBRE98A18Z20130912 (Accessed 12 September 2017.)
[11] David Bamman, Brendan O’Connor and Noah Smith. March 2012. Censorship and deletion practices in Chinese social media. First Monday, Vol. 17, No. 3. http://dx.doi.org/10.5210/fm.v17i3.3943 (Accessed 5 August 2017); Allen Yu. 23 March 2012. Carnegie Mellon Study on Censorship and Deletion Practices in Chinese Social Media. Stanford Law School Center for Internet and Society Blog. http://cyberlaw.stanford.edu/blog/2012/03/carnegie-mellon-study-censorship-and-deletion- practices-chinese-social-media (Accessed 5 August 2017.)
[12] Sina Weibo Community Management Regulations (trial). http://service.account.weibo.com/roles/ guiding; Li Hui and Megha Rajagopalan. op. cit.
[13] Twitter terms of service op. cit.
[14] Facebook. Desktop Help. Report a Violation. https://www.facebook.com/help/263149623790594.
[15] Facebook. More Transparency in Reporting. 26 April 2012, https://www.facebook.com/notes/ facebook-safety/more-transparency-in-reporting/397890383565083
[16] Twitter. How to report violations. https://support.twitter.com/groups/56-policies-violations/ topics/238-report-a-violation/articles/15789-how-to-report-violations
[17] Twitter. Help Center. Twitter Ads Policies. https://support.twitter.com/articles/20169693-twitter-ads- policies
[18] Facebook Desktop Help. Why does Facebook limit the use of certain features and what are the limits? https://www.facebook.com/help/177066345680802
[19] Li Hui and Megha Rajagopalan. At Sina Weibo’s censorship hub, China’s Little Brothers cleanse online chatter. op. cit.