Kể từ khi dự thảo Luật An ninh mạng được đem ra Quốc hội xem xét, những người luôn xưng xưng là “những nhà hoạt động cho tự do ngôn luận Việt Nam”, “nhà hoạt động nhân quyền” đã khởi động rất nhiều chiến dịch, phong trào chỉ trích Luật An ninh mạng hòng ngăn cản nó được thông qua. Mới đây, khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sắp ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” trong năm 2020, họ lại dấy lên trào lưu công kích chính quyền ngày càng kìm hãm tự do ngôn luận trên không gian mạng, đòi hỏi rằng Bộ quy tắc phải do cộng đồng mạng, người dùng xây dựng, …
Có thể nói, dịch bệnh CoVid 19 đủ để “gang miệng” được không ít người luôn xưng xưng là “những nhà hoạt động cho tự do ngôn luận Việt Nam”. Trước nguy hại của hàng trăm Fake News (tin giả) liên quan con virus Sars-Cov – 2, những người bài xích Luật An ninh mạng không thể không thừa nhận, nếu không chiểu theo luật này (cũng như các chế tài pháp luật khác) mà “gô cổ” những kẻ lợi dụng mạng xã hội tung tin xuyên tạc, Việt Nam chắc chắn bị “toang” ngay trận đầu, chứ chưa nói trận thứ hai. Và như vậy, mơ cũng không có chuyện thành điểm sáng trong phòng chống dịch; mơ cũng không có chuyện là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương về kinh tế như thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, bài học nhỡn tiền chưa qua, lần này, nhiều kẻ trong số những “nhà” nêu trên, chứng nào tật ấy, lại đang ra rả xuyên tạc chủ trương ban hành bộ quy tắc tham gia mạng xã hội mà ông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Việt Nam cách đây vài ngày, cho dù mục tiêu của bộ quy tắc này đã được nói rõ: Làm sạch không gian mạng vốn đang bị vẩn đục hiện nay.
Nói vậy không có nghĩa phủ nhận mặt tích cực là chủ yếu của mạng xã hội. Nhưng, rõ ràng, thông tin giả, bẩn, xuyên tạc… xuất hiện ồ ạt trên mạng xã hội- đã và đang gây ra những hậu quả, hiểm họa nghiêm trọng.
Có thể kể: Vụ “sạch sành sanh vét” một cách hỗn loạn những mì tôm, gạo, thịt, mắm, muối, giấy vệ sinh… tại nhiều siêu thị Hà Nội, chỉ vì những thông tin thất thiệt, rỉ tai và qua mạng xã hội liên quan “bệnh nhân Covid thứ 17” hồi nào. Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 03/02 suýt vỡ trận, chỉ vì mạng xã hội lan truyền đoạn ghi âm dài hơn 1 phút nói về tình hình số ca nhiễm Covid-19 tại đây, cứ như thật, rằng: “Bé ơi, chị có một anh làm trong bệnh viện Chợ Rẫy… , anh nói với đám tụi chị là ở Chợ Rẫy có 33 người chết vì bệnh Corona rồi. Thông tin này chính xác 100% vì ông làm trong đó, ông nói với tụi chị là ngày mai xin nghỉ luôn, không dám làm trong đó nữa…”.
Nguyễn Văn Hưng, với biệt danh Hưng Vlog, là con trai bà Tân Vlog, đăng tải lên Youtube – một mạng xã hội rất ăn khách ở Việt Nam – nồi cháo gà nguyên lông nhằm mục đích “cho vui”, khiến có người, trông thấy, đã “phun hết đồ ăn trong miệng ra” vì kinh sợ.
Vụ “Khá Bảnh” thế nào, mọi người đã biết. Một số YouTuber khi làm các video ăn uống, nhè vào tâm lí tò mò của đám đông, đã “chế”, thêu dệt các món ăn kinh dị, sau đó gắn mác “vùng miền – đặc sản” để câu likes, khiến nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phẫn nộ. Năm 2018, một nữ sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tự tử vì những lời bình phẩm mang tính miệt thị sau khi bức ảnh ghi lại cảnh thân mật của nữ sinh này với bạn trai bị phát tán trên mạng xã hội, để lại lá thư với những dòng: “Bố mẹ nuôi con ăn học đói khổ cũng vì con; đến bây giờ lớn khôn rồi mà chưa giúp gì cho bố mẹ. Giờ con mắc lỗi không muốn gặp bố mẹ nữa, chào bố mẹ, con đi đây, kiếp sau con sẽ đền đáp công ơn! Con xin lỗi bố mẹ..” và tiếng khóc xé lòng vì đau đớn của người mẹ nữ sinh này. Những vụ việc lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm bí mật đời tư, lừa đảo tổ chức, cá nhân…
Không còn là hiện tượng đơn lẻ. Nhiều trường hợp, những hành vi, việc làm thiếu trách nhiệm, cảm xúc lấn át lý trí, bị kích động bởi tâm lý đám đông; a dua, cổ xúy, tâng bốc, ném đá vô tội vạ… lan tỏa như những cơn sóng thần dữ dội, gây hậu quả nghiêm trọng tới mức khó tin trong một quốc gia gần 70 triệu người sử dụng internet, “nghiện” mạng xã hội như Việt Nam. Thậm chí, có người phải kêu lên: “mạng xã hội ăn thịt người”!
Không khó để các chuyên gia, nhà quản lý nhận thấy: việc tham gia mạng xã hội bằng danh tính ảo là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều người vô trách nhiệm, phớt lờ những quy định của pháp luật và chà đạp, thách thức các chuẩn mực của đạo đức xã hội.Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải có những cách thức, điều kiện quản lý mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, biến mạng xã hội thành môi trường lành mạnh, an toàn, phục vụ cho con người, trong đó, công khai danh tính là việc cần thiết.
Cách đây 2 năm, nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề này trong đội ngũ những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương, 7 điều, quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan khi triển khai thực hiện. Không thể phủ nhận, việc làm nhạy bén và kịp thời đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm báo – một nghề rất đặc thù – khi tham gia mạng xã hội.
Như vậy, việc ban hành bộ quy tắc tham gia mạng xã hội với những quy tắc quy định ứng xử có tính cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, do chính các nhóm đó thỏa thuận ban hành thật sự thiết thực, sẽ góp phần khắc phục sự ngộ nhận cùng quan điểm phủ định trách nhiệm xã hội khi tham gia mạng xã hội đang có ở nhiều người.
Nó hoàn toàn không phải là chuyện cộng sản Việt Nam “đẻ thêm ra” nhằm “tăng cường khóa miệng dân” hay “ngăn chặn những phê phán chính sách, đường lối của đảng cũng như nói xấu lãnh đạo…” như Ngọc Thu đã viết trên trang Chân trời mới media, ngày 8/11 vừa qua.
Nếu như ai đó vẫn còn cay cú, xuyên tạc, công kích chủ trương ban hành bộ quy tắc như ông bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã thông tin, có lẽ nên mời họ dùng thử bát cháo gà nguyên lông mà Hưng Vlog – con trai bà Tân Vlog đã đăng tải lên Youtube?
Một khi họ xơi ngon lành, gọn gàng bát cháo gà đặc biệt đó, thì chịu rằng: họ đúng là “những nhà hoạt động cho tự do ngôn luận Việt Nam” vậy.
Hiếu Ngọc