Gây hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở nước ta là mưu đồ thường trực của thành phần thiếu thiện chí, chống phá Việt Nam nhằm vẽ nên bức tranh màu xám về Việt Nam, cốt hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước ta; gây sự hoài nghi, bi quan, mất niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Mới đây, với chủ đề “Việt Nam sẽ đi về đâu”, tổ chức Việt Tân và Thời báo BBC tiếng Việt lại diễn trò luận đàm, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn nhằm tung tin “Đường lối đổi mới đã đưa Việt Nam tụt hậu”, “Đảng Cộng sản Việt Nam không biết làm kinh tế”, “Không có khả năng lãnh đạo đất nước”; “thời mới đã đến, TBT Tô Lâm sẽ biến Việt Nam thành trại giam, đồn cảnh sát sẽ mọc lên nhiều hơn trường học”, “Việt Nam sẽ tiếp tục lao dốc”, “Đại hội XIV sẽ đưa đất nước lún sâu vào vũng bùn khủng hoảng”, “đã đến lúc xã hội Việt Nam cần thế lực mới lãnh đạo”, “phải đi theo con đường mà các nước phương Tây đã trải qua; Việt Nam mới hy vọng cất cánh”, v.v..
Bình luận về luận điệu này, một blogger cho rằng: những người tham gia luận đàm vấn đề “Việt Nam sẽ đi về đâu” đã “đội mũ ni che tai”, nhìn xã hội Việt Nam bằng cặp kính màu đen, sự thù địch và thái độ hằn học. Họ đã cố tình áp đặt quan điểm cá nhân, tỏ rõ thái độ chủ quan, duy ý chí, nhai lại luận điệu cũ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; kết quả, thành tựu mà công cuộc đổi mới đem lại. Dù không thể “lấy tay che bầu trời”, chà đạp lên hiện thực lịch sử nhưng sự phán xét, các quan điểm sai trái, thù địch lan tràn trên mạng xã hội chẳng khác gì những đám mây mù, bụi bẩn, đã loang ra, làm ô nhiễm bầu không khí trong lành của xã hội ta; tiếp tục nhen nhóm sự thù hằn dân tộc, truyền nọc độc cho lớp hậu duệ để phá hoại đường lối đổi mới ở Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo. Vì lẽ đó, nhận diện đúng nguồn gốc, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động và tác hại chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân ta hiện nay.
Nhìn lại công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua của Đảng, quân và dân ta rất đỗi tự hào, thành công tốt đẹp. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống của quân và dân ta vô cùng khó khăn. Tính đến cuối năm 1985, tức là sau 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, thu nhập đầu người của Việt Nam chỉ dao động từ 125 đến 200 USD/năm và xếp trong nhóm 20 nước nghèo nhất thế giới. Lúc ấy, tỷ lệ lạm phát có thời điểm lên đển 774,7% (tháng 12-1986). Sau 10 năm “chung sức, đồng lòng” thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1995), đất nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đến cuối năm 1995, chúng ta cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của chặng đường đầu tiên đi lên CNXH để chuyển mạnh sang thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Sau 20 năm đổi mới (1986-2005) là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…của nước ta ngày càng ổn định, bắt đầu có tích lũy nội bộ của nền kinh tế từ mức không đáng kể đến năm 2000 đã đạt 27%, đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu đói, không còn phải “ăn đong ăn vay” lúc giáp hạt và bắt đầu có dự trữ quốc gia. Bộ mặt đời sống xã hội từng bước “thay da đổi thịt”. Sau 30 năm đầu đổi mới, kinh tế tăng trưởng gần 7%/năm. Trong đó, có 7 năm đạt trên 8% và 2 năm trên 9%. …Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6%/năm; giai đoạn 2021-2023 đạt trung bình trên 5%/năm (năm 2021 là 2,58%, năm 2022 là 8,02%, năm 2023 là 5,05%). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi (từ mức 257 tỷ USD lên mức 430 tỷ USD); GDP đầu người tăng từ mức 2.215 USD lên 4.284 USD…
Sau 40 năm đổi mới, uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN được giữ vững và tăng cường. Đây rõ ràng là minh chứng, các quan điểm xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc đổi mới là hoàn toàn sai trái, phản động, cần vạch trần, lên án và bác bỏ.