Hội nghị thế giới về quyền con người do LHQ tổ chức tại Vienna (Áo) từ 14 – 25/6/1993 đã thông qua Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động với sự chấp thuận của 171 quốc gia thành viên. Văn kiện này là sự tiếp nối cam kết của thế giới về quyền con người, đồng thời kêu gọi việc kiện toàn và đổi mới năng lực điều phối của hệ thống các cơ quan thuộc LHQ trong lĩnh vực quyền con người. Trên cơ sở đó,Văn phòng Cao ủy LHQ về quyền con người (sau đây gọi tắt là Văn phòng Cao ủy Nhân quyền) đã được thành lập theo Nghị quyết số 48/141 của Đại hội đồng LHQ vào ngày 20 tháng 12 năm 1993. Tháng 9/1997, trong khuôn khổ cải tổ hệ thống LHQ, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền và Trung tâm Nhân quyền LHQ đã được kiện toàn và hợp nhất thành một chỉnh thể thống nhất, được đặt tên chung là Văn phòng Cao ủy Nhân quyền.
Cơ quan điều phối trực tiếp thực hiện sứ mệnh về quyền con người của LHQ trên phạm vi toàn cầu
Sự ra đời của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền bắt nguồn từ chính mục đích hoạt động của LHQ nói chung và sứ mệnh của LHQ trong lĩnh vực quyền con người nói riêng. Khoản 3 Điều 1 Hiến chương LHQ khẳng định rõ mục đích của LHQ là “thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo, và khuyến khích sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”[1]. Mục đích cao cả này còn được nhắc lại tại Điều 13 và Điều 55 của Hiến chương LHQ. Để đạt được mục đích này, LHQ đóng vai trò là trung tâm điều phối mọi hoạt động của các quốc gia thành viên trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quyền con người. Với ý nghĩa đó, sự ra đời của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền chính là cơ sở cho việc thiết lập cơ quan điều phối của LQH về các vấn đề quyền con người và trực tiếp thực hiện sứ mệnh về quyền con người của LHQ trên phạm vi toàn cầu.
Với tư cách là thực thể hàng đầu của LHQ về quyền con người, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền thể hiện cam kết của thế giới về thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người và tự do cơ bản được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 cũng như trong các văn kiện cốt lõi của LHQ về quyền con người[2]. Sứ mệnh về quyền con người mà Văn phòng Cao ủy Nhân quyền gánh vác là nhằm hướng tới việc bảo vệ tất cả các quyền con người của mọi người, đồng thời góp phần trao quyền cho người dân để họ hiện thực hóa các quyền của mình và hỗ trợ các chủ thể có trách nhiệm đối với việc duy trì và bảo đảm thực thi các quyền đó. Cụ thể hơn, sứ mệnh đó được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:
+ Thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người: Điều này có nghĩa là Văn phòng Cao ủy Nhân quyền sẽ đại diện cho tiếng nói khách quan khi đối mặt với những vi phạm về quyền con người và góp phần tạo ra những tiêu chuẩn, chuẩn mực để đánh giá sự tiến bộ về quyền con người trên toàn thế giới.
+ Góp phần trao quyền cho người dân: Các hoạt động nghiên cứu, giáo dục của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế nói chung và người dân ở các quốc gia nói riêng về các vấn đề quyền con người cũng như tăng cường sự tham gia của họ vào các vấn đề này.
+ Hỗ trợ các chính phủ của các quốc gia thành viên LHQ: Thông qua sự hiện diện của các tổ chức đại diện của mình ở các quốc gia trên thế giới, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền góp phần vào việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng, xâm phạm quyền con người và xử lý những tình huống có thể dẫn tới xung đột. Hoạt động giám sát và phân tích của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền là cơ sở cho việc xây dựng chương trình phát triển và đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến quyền con người ở mỗi quốc gia. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cũng góp phần xây dựng năng lực và tư vấn pháp lý cho người dân, hỗ trợ việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới.
+ Lồng ghép quan điểm về quyền con người vào tất cả các chương trình của LHQ[3]: Văn phòng Cao ủy Nhân quyền là đầu mối lan tỏa tinh thần và thúc đẩy phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống LHQ. Điều này nhằm bảo đảm rằng hòa bình và an ninh, phát triển và quyền con người – ba trụ cột của LHQ – được gắn kết chặt chẽ với nhau và củng cố lẫn nhau, qua đó góp phần giúp LHQ thực hiện mục đích chung của mình một cách hiệu quả nhất.
Trong quá trình thực hiện sứ mệnh quyền con người nói trên, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền thường: (i) Dành ưu tiên cho việc giải quyết, xử lý những hành vi vi phạm quyền con người cấp bách nhất; (ii) Tập trung vào những chủ thể gặp rủi ro hoặc dễ bị tổn thương trên nhiều lĩnh vực khác nhau; (iii) Quan tâm đến việc thực thi các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó bao gồm cả quyền phát triển; và (iv) Đánh giá tác động của công việc do Văn phòng thực đối với các cá nhân trên khắp thế giới dựa theo tiêu chí những lợi ích căn bản mà các chủ thể nhận được.
Phương thức hoạt động
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được ghi nhận trong Nghị quyết số 48/141 do Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 20/12/1993, bao gồm[1]:
- Thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người của mọi người;
- Khuyến nghị các thiết chế thuộc hệ thống LHQ phải cải thiện hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người;
- Thúc đẩy và bảo vệ quyền phát triển;
- Trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia trong các hoạt động liên quan đến quyền con người;
- Điều phối hoạt động giáo dục quyền con người và các chương trình thông tin cho cộng đồng của LHQ;
- Tích cực hợp tác nhằm xóa bỏ những trở ngại đối với việc thực thi quyền con người và ngăn ngừa những hành vi vi phạm quyền con người;
- Tham gia đối thoại với chính phủ các nước thành viên nhằm bảo đảm tôn trọng tất cả các quyền con người;
- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người;
- Điều phối các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong toàn bộ hệ thống LHQ;
- Củng cố và định hướng hoạt động cho bộ máy quyền con người của LHQ.
Về mặt tổ chức, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền là một bộ phận thuộc Ban thư ký của Liên Hợp Quốc và bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc.
Lãnh đạo cao nhất của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền là Cao ủy LHQ về quyền con người (hiện nay vị trí này do bà Michelle Bachelet, cựu Tổng thống Chile, đảm nhiệm) với vai trò là người điều phối các hoạt động liên quan đến quyền con người trong toàn bộ hệ thống LHQ và đồng thời là thư ký của Hội đồng Nhân quyền LHQ (có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ). Đây là một quan chứccao cấp trong hệ thống LHQ, thông thường do Đại hội đồng LHQ bổ nhiệm theo đề xuất của Tổng thư ký LHQ, với nhiệm kỳ 4 năm. Người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền có chức danh lãnh đạo gần tương đương như Phó Tổng thư ký LHQ (Under-Secretary-General)[2], nhưng xếp vị trí thứ ba về quyền lực tại LHQ, sau Tổng thư ký (Secretary-General) và Phó Tổng thư ký LHQ (Deputy Secretary-General).
Cao ủy LHQ về quyền con người thực thi các chức năng và nhiệm vụ do Đại hội đồng LHQ giao phó trong Nghị quyết số 48/141 ngày 20/12/1993 cũng như trong các nghị quyết sau đó do các thiết chế hoạch định chính sách khác của LHQ ban hành. Cao ủy LHQ về quyền con người chịu trách nhiệm giải trình trước Tổng thư ký LHQ, đồng thời chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cũng như điều hành cơ quan này. Nhân vật lãnh đạo này tham gia tư vấn, tham mưu cho Tổng thư ký LHQ về các chính sách của LHQ trong lĩnh vực quyền con người, bảo đảm thu hút sự ủng hộ quan trọng về mặt hành chính cho các dự án, các hoạt động và các cơ quan, tổ chức về quyền con người; đại diện cho Tổng thư ký LHQ tại các cuộc họp của các cơ quan về quyền con người cũng như các sự kiện nhân quyền khác; thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt do Tổng thư ký LHQ giao trực tiếp. Một trong những công việc nổi bật của Cao ủy LHQ về quyền con người là thúc đẩy các quyền con người để được ghi nhận trong pháp luật quốc tế (ví dụ như thừa nhận các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa – mà hiện chưa được ghi nhận trọng các văn kiện pháp lý quốc tế – như một ưu tiên chiến lược).
Phó Cao ủy LHQ về quyền con người hỗ trợ cho Cao ủy LHQ về quyền con người trong việc thực thi các nhiệm vụ được giao và sẽ điều hành Văn phòng Cao ủy Nhân quyền khi Cao ủy vắng mặt. Bên cạnh đó, Phó Cao ủy LHQ về quyền con người còn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Cao ủy giao phó. Phó Cao ủy LHQ về quyền con người chịu trách nhiệm giải trình trước Cao ủy LHQ về quyền con người.
Hỗ trợ cho Cao ủy LHQ về quyền con người còn có Văn phòng giúp việc, với người đứng đầu là Chánh văn phòng, chịu trách nhiệm báo cáo trước Cao ủy LHQ về quyền con người. Văn phòng giúp việc hỗ trợ cho Cao ủy LHQ về quyền con người trong nhiều hoạt động khác nhau như giám sát các hoạt động của chương trình quyền con người; soạn thảo, công bố, thực thi và đánh giá các chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; duy trì quan hệ với chính phủ các nước thành viên, các cơ quan, tổ chức khác của LHQ; v.v..
Ngoài ra, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền còn có một số bộ phận trực thuộc khác như Trợ lý Tổng thư ký LHQ về quyền con người (tại trụ sở của LHQ ở New York); Bộ phận hành chính; Văn phòng đại diện tại New York; Ban về sự tham gia theo chủ đề, thủ tục đặc biệt và quyền phát triển; Ban về Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế quyền con người; Ban về công tác ngoại nghiệp và hợp tác kỹ thuật.
Ngân sách hoạt động của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền thường được trích từ ngân sách thường niên của LHQ (tức là chiếm khoảng 3,7% ngân sách của LHQ). Hiện tại, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền có khoảng 1300 nhân viên, làm việc tại hai địa điểm chính là Geneva (Thụy Sĩ) và New York (Hoa Kỳ).
Trên phương diện thể chế, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cam kết củng cố và tăng cường chương trình hoạt động của LHQ về quyền con người, hỗ trợ chương trình này với chất lượng cao nhất. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác thuộc LHQ nhằm bảo đảm sao cho quyền con người tạo thành nền tảng trong công tác chung của LHQ.
T
[1] Mandate of UN Human Rights. https://www.ohchr.org/EN/AboutUs/Pages/Mandate.aspx (truy cập ngày 02/01/2021).
[2] Chức danh này được dành cho những người đứng đầu các cơ quan khác nhau thuộc LHQ như các chương trình, các ban của LHQ (ví dụ, Tổng giám đốc Chương trình phát triển LHQ- UNDP, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ- UNICEF), hoặc các quan chức cấp cao của Ban Thư ký LHQ và các đặc phái viên LHQ.
[1] Charter of the United Nations, https://www.un.org/en/sections/un-charter/chapter-i/index.html (truy cập ngày 02/01/2021)
[2] Theo phân loại của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, trong hệ thống đồ sộ các văn kiện về quyền con người do LHQ thông qua kể từ thành lập đến nay, có 9 văn kiện được coi cơ bản và quan trọng nhất, bao gồm: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 (ICESCR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1965 (ICERD), Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979 (CEDAW), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm 1984 (CAT), Công ước về quyền trẻ em 1989 (CRC), Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả người lao động di trú và các thành viên gia đình họ 1990 (ICMW), Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi mất tích cưỡng bức 2006 (CPED) và Công ước về quyền của người khuyết tật 2006 (CRPD). Xem https://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/coreinstruments.aspx (truy cập ngày 02/01/2021).
[3] Năm 1997, trong khuôn khổ cải tổ cơ cấu tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống LHQ, Tổng thư ký LHQ lúc đó đã đề xuất phương án lồng ghép nội dung quyền con người vào hoạt động của các cơ quan thuộc LHQ. Đây là sự khởi đầu của việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách phát triển và sau đó được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận và vận dụng vào thực tiễn.