Cuộc “Cách mạng Hoa nhài” nổ ra từ Tunisia rồi lan đến Lybia, đã được cho là thắng lợi khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ và tiêu diệt, chính phủ lâm thời được lập ra với nòng cốt là Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Lybia (NTC). Phương Tây đã hoan hỷ khi tung hô các phong trào nổi dậy với kỳ vọng những “Mùa xuân Arập” dưới “ánh sáng dân chủ” của họ sẽ “đơm hoa kết trái” khắp trung Đông, Bắc Phi và nhiều nước khác.
Cái chết của Gaddafi và “chế độ độc tài” 40 năm ngự trị Libya.
Cái chết thê thảm của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ chính trị đã kéo dài hơn 40 năm tại đất nước Libya – một chế độ được cho là độc tài, phi dân chủ. Với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây, lực lượng nổi dậy tại đất nước này đã tiến hành thành công cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của ông Gaddafi vào những tháng cuối cùng của năm 2011.
Khi Gaddafi được công bố đã chết, những loạt đạn ăn mừng đã được bắn lên trời tại nhiều thành phố và thị trấn. Giới truyền thông quốc tế hồ hởi nói về một thời kỳ mới của tự do, thịnh vượng và phát triển đang mở ra với đất nước Libya.
Còn nhớ, ngày ông Gaddafi bị giết hại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã vui mừng ca ngợi đây là “bước tiến” trong quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ ở đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, sau khi những ồn ào về một “tương lai tốt đẹp” mà “những người bạn” của Lybia cam kết với nước này qua đi; những cuộc “chia bánh” dầu mỏ tại quốc gia này cơ bản ngã ngũ, ở thời điểm này, chúng ta thấy gì khi nhìn vào “thành quả cách mạng Hoa nhài” thông qua “khung cửa Lybia”?
LiBya thời “độc tài Gaddafi”
Về mặt kinh tế, trong suốt hơn 40 năm triều đại Gaddafi, Libya từ một trong những đất nước nghèo nhất châu Phi đã trở thành đất nước giàu có nhất của châu lục này. Libya từng có GDP trên đầu nước cao nhất, và tuổi thọ dân số cũng thuộc hàng cao nhất toàn châu lục.
Với lợi nhuận có được từ việc quốc hữu hóa toàn bộ nguồn tài nguyên dầu mỏ, chính quyền Gaddafi đã thực hiện hàng loạt chương trình an sinh xã hội tiến bộ cho người dân Libya. Dưới thời của ông, người dân Libya được hưởng y tế và giáo dục miễn phí. Họ không phải trả hóa đơn tiền điện, gần như được miễn phí xăng dầu, chất đốt, và có thể tiếp cận với các khoản vay không lãi suất từ ngân hàng nhà nước. Chính quyền Gaddafi cũng là kiến trúc sư trưởng của một hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới, đưa nước tưới tiêu đến mọi nên trên khắp đất nước Libya. Chính Gaddafi đã gọi công trình vĩ đại này là “kỳ quan thứ tám của thế giới”.
Trước khi đại tá Gaddafi lên cầm quyền, chỉ có 25% dân số Libya biết đọc biết viết. Trong suốt triều đại của ông, tỉ lệ này được nâng lên 87%, với 25% có trình độ đại học. Không giống như tại các quốc gia Arab khác, phụ nữ Libya dưới thời Gaddadi được quyền tiếp cận với giáo dục, việc làm, được quyền li hôn, sở hữu tài sản và có thu nhập. Chính Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận và ca ngợi những nỗ lực của nhà lãnh đạo quá cố Libya trong việc bảo vệ quyền phụ nữ.
Libya hậu Gaddafi
Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, những chất keo kết dính xã hội mà ông dày công tạo dựng nhanh chóng tan vỡ. Vũ khí tràn lan thời hậu chiến, cộng với các nhóm vũ trang được hình thành trước đó trong hàng ngũ quân nổi dậy, tạo nên một bức tranh hỗn loạn ở các địa phương.
Giờ đây, người dân địa phương tha hồ đếm số lượng Chính phủ đã, đang và sẽ ra đời ở đất nước này. Đời sống kinh tế thê thảm vô cùng, hệ thống y tế, giáo dục thời Gaddafi dựng được đã đổ vỡ hoàn toàn.
Giờ đây, LiBya trở thành tiếng chuông cảnh báo nguy hiểm nhất thế giới về tệ nạn buôn bán người như thời trung cổ. Các chợ nô lệ mọc lên như nấm, mạng người vô cùng rẻ rúng, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sức khỏe, vào trình độ lao động, vào giá trị khai thác sau đó của kẻ mua, có thể 200, 400, 600 đô la Mỹ hay hơn chút ít. Không ở đâu, món hàng là con người lại rẻ rúng như ở Libya.
Giờ đây, Libya thiên đường chết chóc, thanh lý sắc tộc. Hòa hợp dân tộc mà chính phủ Gaddafi tạo dựng được giờ là viễn cảnh xa vời vời. Tình trạng vô chính phủ, vũ khí tràn lan, các cuộc xung đột bộ tộc và phe phái…. là đặc sản và đặc trưng khi nghị trường và truyền thông thế giới nói đến Libya.
Nếu như năm 2017-2019, thế giới còn bàng hoàng, ngỡ ngàng khi các chợ buôn nô lệ ở Libya tình cờ bị phanh phui, thì nay, đất nước này bị lãng quên hoàn toàn trên bàn nghị trường khi thế giới phải lo đối phó với dịch bệnh CoVid-19. Chẳng ai biết thị trường nô lệ xứ này đang điêu đứng vì dịch bệnh khi giá trị lao động bị đóng băng và con người là nguồn lây nhiễm.
Tuấn Thanh