Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19500

Lao động – việc làm: Những khởi sắc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%). Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

  Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%; 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,0%; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và có 13,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình hình lao động – việc làm

Bằng các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương nên dịch Covid-19 được kiểm soát, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người; lực lượng lao động nữ đạt 24,0 triệu người.

Bảo đảm quyền làm việc cho người lao động

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762 nghìn người. Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2022 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,7%), giảm 27,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 435,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 8,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2022 là 55,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm nay là 55,9%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; xu hướng giảm có thể thấy được ở cả khu vực thành thị, nông thôn, ở cả nam giới và nữ giới.

Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý II năm 2022 là 4,3 triệu người (giảm mạnh so với quý trước (giảm hơn 0,4 triệu người) nhưng vẫn cao hơn 0,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4,6 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 89,6%).

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2022 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,48%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,88% và 2,85%).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ kiên định chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng với các giải pháp phù hợp và quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP, bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong quý II năm 2022 đã có nhiều khởi sắc. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Hỗ trợ cho người lao động

Tính đến ngày 29/7/2022: UBND cấp huyện của 55 tỉnh/61 tỉnh có đối tượng đã tiếp nhận được hồ sơ của 31.968 doanh nghiệp với 1.609.376 lao động, kinh phí đề nghị 940,331 tỷ đồng (14,5% đề xuất nhu cầu kinh phí của địa phương); đã thẩm định, phê duyệt được hồ sơ của 15.861 doanh nghiệp, 1.088.892 lao động, 688,175 tỷ đồng (73,2% số hồ sơ đề nghị); đã giải ngân cho 572.755 lao động, với 326,012 tỷ đồng (5,02% đề xuất nhu cầu kinh phí của các địa phương. Nhìn chung các địa phương đã tổ chức triển khai chính sách (như: ban hành các kế hoạch, quyết định công bố thủ tục hành chính, công văn chỉ đạo các ban, sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện) nhưng tốc độ triển khai chính sách còn rất chậm (Ủy ban nhân dân cấp huyện mới tiếp nhận được 14,2% hồ sơ đề nghị hỗ trợ, giải ngân được 4,2% so với dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ). Nguyên nhân một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời; Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,…; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động. Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 01 lần nên đến tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.  Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

     Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam

Tính đến tháng 7 năm 2022 cả nước có 111.196 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 8.673 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 102.523 (chiếm 92,2%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 75.500 người và gia hạn cho 11.450 lao động, cấp lại cho 8.878 người số còn lại 6.695 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 410/QĐ-LĐTBXH ngày 12/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Nâng cấp phần mềm cấp giấy phép lao động nước ngoài trên cổng dịch vụ công trực tuyến”. Thực hiện Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, trong đó có liên thông nhóm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp.Triển khai Đề án 06 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 tầm nhìn đến năm 2023, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ báo cáo tình hình phân cấp, uỷ quyền về cấp giấy phép lao động qua các giai đoạn bắt đầu từ năm 1996 đến nay. Triển khai hoạt động kiểm tra tình hình chấp hành các quy định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại một số địa phương.Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người; thu thập thông tin về người lao động làm cơ sở quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác th uộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên thị trường lao động Việt Nam vẫn tồn tại bất cập: Cung lớn hơn cầu lao động, chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn; số lượng người thất nghiệp còn lớn; tỷ lệ lao động có việc làm kém bền vững vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ thất nghiệp ở trong độ tuổi thanh niên cao, đáng lo ngại,…Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế: tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thông tin thị trường lao động thiếu và bị chia cắt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc hạn chế, nên nhiều văn bản không đảm bảo được tiến độ. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 còn chậm, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực hiện triển khai các hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra của Chương trình.Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ đôi khi chưa đáp ứng được tiến độ. Do đó công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn chặt với sự phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ và phù hợp với thông lệ quốc tế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước được quan tâm đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý lao động trong đó có lao động nước ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *