Không quá khó để ngồi lướt mạng rồi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, chỉ sau 2 đến 3 ngày sẽ nhận được một chiếc sổ đỏ giả theo ý muốn của người mua. Điều đáng nói, những người nhận làm giấy tờ giả này cam kết giống thật 99% và có thể an tâm lưu thông được thoải mái trên thị trường. Sử dụng giấy tờ giả với nhiều mục đích sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và gây hoang mang xã hội.
Lên mạng – dễ dàng có sổ giả
Chỉ với vài cú kích chuột trên mạng, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng chục trang web bán giấy tờ giả được quảng cáo ở phần đầu giao diện tìm kiếm Google. Các trang web này có một điểm chung đó là được quảng cáo rất công khai, bùi tai và cam kết các loại bằng cấp và giấy tờ đều làm 100% bằng phôi thật. Không những thế, các chữ ký, mộc giáp lai, tem phản quang chống hàng giả đều là ký tay, đóng mộc thật, dán tem thật chứ không phải hàng dùng máy in kém chất lượng…
Chúng tôi vào trang web lamcavetxe.xyz hay như lamgiayto247.xyz. Tại các trang này đặt cơ chế xem, mở công khai. Có số điện thoại và tên tuổi rõ ràng của người nhận làm các loại giấy tờ giả này. Cụ thể, các trang này nhận làm bất cứ các loại giấy tờ giả từ “Sổ hồng; sổ đỏ; chứng minh nhân dân; đăng ký kết hôn; giấy khai sinh; bằng lái xe; sổ hộ khẩu; hợp đồng lao động…”. Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch thông qua ứng dụng zalo, số điện thoại tìm kiếm được đăng tải công khai trên trang web.
Liên hệ với một số đối tượng nhận làm giấy tờ giả ghi trên trang web như: Tình, Dũng thì những người này cho biết, giá cả của các loại giấy tờ dao động từ 2 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng, tùy theo chủng loại, chất lượng và tỉnh thành muốn in trong giấy.
Để cụ thể hơn, tôi đã lưu số máy của Tình và gọi lại nhưng số máy đầu kia luôn ấn bận. Tôi kết bạn zalo và trao đổi công việc trực tiếp qua tin nhắn. Khi đặt vấn đề muốn làm một chiếc sổ đỏ, Tình cho biết: “Giá sổ đỏ 9 triệu đồng và cọc trước 500.000 đồng. Chỉ cần đặt cọc trước, khi nào xong thì thanh toán số còn lại, khoảng 2 ngày là có giấy tờ, sẽ có người giao tận nơi”. Tuy nhiên, sau một hồi chia sẻ chúng tôi yêu cầu giảm giá thì người này đã xuống giá còn 8 triệu.
Chúng tôi lăn tăn về chất lượng giấy tờ khi sử dụng thì không chỉ Tình mà những người làm giả các loại giấy tờ này đều cam kết 99% là giao dịch tốt. Thậm chí, sổ giả có đem đi cầm đồ, đặt cọc lấy tiền đều được.
Tiếp tục liên hệ một đối tượng khác tên Dũng, người này báo giá “chát” hơn so với đối tượng Tình khi yêu cầu 10 triệu đồng cho cuốn sổ đỏ, có cùng địa chỉ với sổ hộ khẩu. Người này cho biết, giấy tờ giả làm đúng tỉ lệ 1:1, từng chi tiết được làm tỉ mỉ nên rất khó phát hiện thật giả.
Một thực tế mà quá trình chúng tôi tìm hiểu thì tất cả đầu mối nhận làm giấy tờ giả này đều giống nhau đó là không bao giờ nghe bất cứ cuộc gọi trực tiếp nào kể cả điện thoại hay zalo. Ngoài ra, việc giao dịch đều chỉ trực tuyến chứ không hề có bất cứ một địa chỉ cụ thể nào. Khi đặt ra các nghi ngờ thì đều nhận được câu trả lời là “Làm ăn. Uy tín. Chất lượng”.
Thậm chí, trên các trang web công khai làm giấy tờ giả còn có cả bình luận chất lượng. Một bình luận có tên Trần Quang đã dùng ảnh đại diện của doanh nhân T.V.Q để đánh giá chất lượng với nội dung “Sản phẩm làm rất chuẩn, về sử dụng rất yên tâm. Sẽ ủng hộ dịch vụ nhiều lần nữa”.
Công chứng viên mách nước phân biệt giấy tờ thật- giả
Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Phạm Thị Minh Hảo – Phó Trưởng Văn phòng công chứng Hồng Hà (Đống Đa, Hà Nội) – cho biết, hiện nay, các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp làm trái quy định của pháp luật để làm giả nhiều giấy tờ trong đó có con dấu. Với mục đích sử dụng con dấu để xác nhận vào các hợp đồng, chứng từ, giao dịch nhằm hợp pháp hóa giấy tờ. Chính điều này càng khiến cho những công chứng viên gặp khó khăn hơn trong việc nhận biết con dấu, giấy tờ giả. Do đó, bà Hảo cho biết, hiện nay việc phân biệt giấy tờ, con dấu, chứng từ thật giả chỉ dựa vào kinh nghiệm cảm quan và máy móc.
Trong cách phân biệt con dấu, bà Hảo cho hay, con dấu giả có màu mực in không được rõ nét do mực in kém chất lượng dẫn đến việc khi đóng dấu giải sẽ có màu mực nhòe mờ… Các chi tiết in trên dấu giả thường không rõ nét, quốc huy, quốc hiệu đọng mực, nhạt, mờ nhòe, răng cưa mất chi tiết. Ngoài ra, các nét chữ khi in lên giấy thường hơi nhòe, không rõ ràng các nét trên con dấu giả sẽ không liền với nhau mà đứt quãng, kiểu chữ không đúng với quy chuẩn, bố cục của hình vẽ và các dòng không cân đối, chỗ nét đậm, chỗ nẹt nhạt, chỗ nét to, chỗ nét nhỏ không đều, thường bị mờ hoặc nhòe mực không rõ.
Theo kinh nghiệm của bà Hảo, chữ ký giả thường không tự nhiên, không lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn… Tuy nhiên, với bà đó là tất cả những cảm quan bên ngoài mà mắt thường có thể nhận thấy được. Còn để chính xác hơn, giảm thiểu tối đa sai sót thì bà Hảo cho biết, cần trang bị công cụ hỗ trợ cho các công chứng viên khi tiếp nhận hồ sơ.
Cụ thể, các cơ quan, văn phòng cần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao như sử dụng các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ, văn bản. Nếu dấu giả khi nhìn vào sẽ thấy chữ in trên mộc có những răng cưa còn dấu thật thì không; hình quốc huy nếu giả thì rất nhạt, mất một số chi tiết còn thật thì trông rất nét.
“Ngoài ra, khi phát hiện việc giả mạo giấy tờ, mạo danh người khác, về nguyên tắc phải lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Tuy vậy, tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo” – bà Hảo cho hay.
Cũng theo bà Hảo, trong trường hợp có nghi ngờ đối với các giấy tờ do Nhà nước cấp như Sổ đỏ, Đăng ký xe hoặc Chứng minh nhân dân, công chứng viên cũng không thể khẳng định 100% giấy tờ đó là thật hay giả mà chỉ có cơ quan giám định mới kết luận được.
“Văn phòng công chứng của tôi cũng nhiều lần phát hiện văn bằng, giấy tờ giả đến công chứng. Đã có trường hợp bị công chứng viên trình báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý” – bà Hảo cho hay.
Phải quản lý chặt chẽ phôi thật
Trao đổi với Lao Động, một cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (chi nhánh quận Nam Từ Liêm) cho biết, một số trường hợp được xác định là sổ đỏ giả nhưng lại làm từ phôi giấy chứng nhận thật, mặc dù phôi thật được phát hành và đánh số seri để quản lý.
“Nếu chỉ cần 1 phôi thật bị thất lạc và phôi đó rơi vào tay các đối tượng làm giả giấy tờ, thì toàn bộ số liệu sẽ bị scan cùng các loại chữ ký nháy được làm giả y như thật. Việc bị mất phôi thật là rất nguy hiểm và hy hữu vì toàn bộ thông tin là giả nhưng được làm trên 1 tờ phôi thật” – vị này giải thích.
Cũng theo vị cán bộ này, các đối tượng sử dụng nhiều cách để làm giả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến sổ đỏ. Có trường hợp đối tượng tự sản xuất ra phôi và mọi số liệu, chữ ký giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Hay làm giả tên người chủ sử dụng đất, số tờ, số thửa và diện tích đều khớp khi đối chiếu với hồ sơ lưu giữ. Tuy nhiên, sổ thật lại đang được thế chấp tại một ngân hàng nào đó nhưng bị sao chép như thật để lừa đảo, bán cho người dân. Phải đến khi mang sổ đi công chứng, nhiều người mới phát hiện mình bị lừa.
Nói về các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sổ bị làm giả, vị này thông tin, trong công tác chuyên môn, cán bộ tiếp nhận và kiểm định các loại giấy tờ này phải có kinh nghiệm mới phát hiện ra phôi giả.
Cụ thể, qua quan sát, phân biệt các mẫu chữ ký của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách mảng cấp giấy chứng nhận này. Sau đó, các cán bộ phải quan sát chữ ký nháy của cán bộ phụ trách về chuyên môn, rồi chữ ký của Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường. Bên cạnh đó, để phát hiện sổ có làm giả hay không còn có thể quan sát những trường hợp như số tờ, số thửa hoặc diện tích, nếu không có trên bản đồ quản lý thì sổ sẽ được xác định là giả.
“Việc quản lý phôi thật là rất quan trọng, điều này cũng góp phần phòng ngừa giấy tờ, văn bằng giả. Khi phát hiện hồ sơ, sổ đỏ và giấy tờ giả, cán bộ thẩm định sẽ trình lãnh đạo cấp trên để lập biên bản, xử lý các trường hợp này. Qua đó ngăn chặn, thu giữ hồ sơ giả không để phát tán ra bên ngoài” – vị cán bộ nói.