“Việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông do “Nồng độ cồn” là thái quá, có dấu hiệu vi phạm nhân quyền…” là phán xét mới đây trong bài viết của luật sư Hà Huy Sơn “CẦN HUỶ BỎ NGAY VIỆC XỬ PHẠT DO “NỒNG ĐỘ CỒN”” được fanpage Việt Tân tung hứng, trong đó ông này khăng khăng rằng, “quyền uống rượu” cao hơn cả quyền được an toàn, hay nói khái quát hơn, là quyền được sống.
Để thuyết phục người khác, ông Hà Huy Sơn viện chuyện người dân Mỹ được sở hữu súng đạn; dẫn chuyện “đàn ông (Mỹ) đều mang công cụ hiếp dâm”, từ đó chất vấn rằng: “để phòng ngừa tội phạm hiếp dâm thì đàn ông mang theo “công cụ” là bị xử phạt hay sao?”.
Trước lập luận trên cho thấy cách tư duy pháp lý kỳ quái, không chỉ tùy tiện, mà còn thoát ly hoàn cảnh, điều kiện văn hóa và chính trị của mỗi quốc gia, của ông Sơn.
Trước hết, không thể bê nguyên pháp luật nước này bỏ vào nước kia. Bạo lực súng đạn đang là vấn đề đáng báo động với liên tục những vụ xả súng giết người hàng loạt, Mỹ vẫn không thể cấm việc sở hữu hay mua bán vũ khí, bởi sở hữu súng đạn đã ăn sâu vào văn hóa và luật pháp “xứ cờ hoa”. Đó là chưa kể nó còn là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ nên nhiều tổ chức, cá nhân mới bảo vệ… Mới nhất, vụ xả súng tối 14/2/2024 khiến 1 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương, tại thành phố Kansas, vậy mà tổng thống Biden, dù coi đây “thực sự gây sốc và khiến chúng ta xấu hổ đến mức phải có hành động”, nhưng cái gọi là “hành động” của ông chủ Nhà trắng cũng chỉ là “kêu gọi người dân Mỹ hãy “kêu gọi Quốc hội để cuối cùng chúng ta có thể cấm súng trường tấn công, hạn chế băng đạn sức chứa lớn…”.
Sự bất lực của người đứng đầu Nhà trắng nói lên điều gì? Nói lên rằng, chính quyền của ông cũng như hệ thống chính trị Mỹ lâu nay đã và đang bị chi phối bởi một thứ “siêu nhân quyền” đáng mỉa mai của “thế giới tự do”. Một quốc gia nào đó, dù có nghèo hơn Mỹ nhiều lần, dù còn thiếu nhân quyền lắm lắm, nhưng cầm chắc, cái gọi là “siêu nhân quyền” gây chết chóc và máu me ấy, dẫu cho không cũng chẳng dám rước.
Thứ hai, về chuyện xử phạt “vi phạm nồng độ cồn” là “dấu hiệu vi phạm nhân quyền” ở một quốc gia cộng sản cho thấy kiến thức ông luật sư Hà Huy Sơn lỗ mỗ thật như lời đồn thật. Trước hết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Số: 44/2019/QH14, do Quốc hội ban hành ngày ngày 14 tháng 06 năm 2019). Theo đó, trong các hành vi bị cấm (quy định tại Điều 5) có Khoản 6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Mức phạt cụ thể quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ…Có Luật, có Nghị định hướng dẫn thi hành và có tuyên truyền cảnh báo rầm rộ. Trước Tết, 05/12/2023, Thủ tướng Chính phủ lại ra Công điện 1300/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, trong đó yêu cầu đầu tiên là tăng cường kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết.
Không chỉ Việt Nam, luật pháp các nước đều quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức độ khác nhau, trong đó Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Sing…đều là những quốc gia quy định khắt khe, trừng phạt nặng đối với vi phạm này(*). Vậy mà ông Sơn dám to tiếng rêu rao chính quyền “vi phạm nhân quyền” khi xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn, vậy thì đòi hỏi về một xã hội “thượng tôn pháp luật” mà ông Sơn hô hào bấy nay là gì? Phải chẳng nó chỉ là những lời bẻm mép ông sử dụng như một phương tiện nhằm những gì đó sâu xa hơn?
Thứ ba, bàn về cái gọi là “Hiện chưa có căn cứ khoa học chứng minh người sử dụng có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là nguyên nhân tất yếu gây ra tai nạn giao thông”. Thì đây, tháng 10/2023, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: mỗi năm có tới 34% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia và con số này tăng cao vào các ngày lễ, tết.
Còn chuyện 635 ca tai nạn giao thông vào Bệnh viện Chợ Rẫy dịp tết, chỉ 2 người uống rượu bia – chẳng có gì khó hiểu. Cảnh sát giao thông không quyết liệt kiểm tra nồng độ cồn, không chỉ có 2 người đâu, mà chắc chắn, nhiều hơn gấp bội. Cũng chẳng thể vì số vụ tai nạn giao thông dịp Tết vừa qua tăng so với năm ngoái để phủ nhận tác dụng của việc kiểm tra nồng độ cồn – cũng dễ hiểu thôi mà. Ma men gây tai nạn chỉ là một nguyên nhân. Tai nạn gia tăng có có nguyên nhân từ hạ tầng, từ số lượng người phương tiện gia tăng, và đặc biệt là ý thức kém của người tham gia giao thông…
Có lẽ sau khi tung bài này ra, thấy bị hố, lố bịch nên Hà Huy Sơn đã âm thầm gỡ bài viết, nhưng các trang kiểu như Việt tân đã tung hứng thì vẫn còn đó. Có lẽ trình độ mấy luật sư nhân quyền như hà Huy Sơn trình độ chỉ đến cỡ này nên bị dư luận đàm tiếu không có gì là lạ.
Tham khảo (*): (1) http://congan.nghean.gov.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202001/cac-nuoc-phat-ve-toi-lai-xe-sau-khi-uong-ruou-bia-the-nao-888873/
(2) https://nhandan.vn/kinh-nghiem-quoc-te-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-khi-lai-xe-post738146.html