Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
53617

Lạm bàn về kêu gọi “Không biết không bầu”!

Một trong những nội dung chống phá bầu cử mà các đối tượng hướng tới vừa qua là phát động phong trào “không biết không bầu”. Đây là chiêu thức cũ, vẫn lấy cảm hứng từ những câu chuyện “dân chủ phương Tây”, mà chính những xã hội đó đang phải gánh chịu hậu quả.

Như ngày 25-2-2021, trên Facebook xuất hiện một thông tin có nội dung dưới dạng tờ rơi hỏi và trả lời được chia sẻ với tốc độ cao. Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn? đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa…? Trả lời cho các câu hỏi trên là những từ “chưa từng thấy”, “chưa có” và đặc biệt là đi đến khẳng định nếu ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu. Các đối tượng này cho rằng: việc các cơ quan Trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của “Đảng cử, dân bầu”. Những đại biểu ứng cử có chương trình nhưng không thuyết trình và tổ chức vận động tranh cử để nhân dân địa phương biết thì sẽ không bầu. Việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm đàn áp, thống trị nhân dân… Qua những lời ngụy biện ở trên, các đối tượng này đã lợi dụng tính lan tỏa của mạng xã hội, kêu gọi cử tri thực hiện phong trào tự phát “không biết không bầu”.

Thực chất việc kêu gọi tẩy chay “không biết, không bầu” là chiêu trò rất thâm hiểm. Bởi nó là một hình thức cổ vũ cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ và thực hiện chiêu bài chủ nghĩa “dân túy”, mục đích nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của bọn chúng là tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử.

Chưa hết, bọn chúng còn xuyên tạc, bịa đặt một cách trắng trợn, bất chấp sự thật và cho rằng Quốc hội Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, là công cụ hữu hiệu để Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài lãnh đạo… Từ đó, chúng kêu gọi phải cải cách bầu cử để Quốc hội có thể thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài, là cách để giữ chế độ tốt nhất. Vì vậy, có bầu hay không bầu cử thì lá phiếu của người dân cũng không có giá trị. Nhiều website, một số trang báo nước ngoài, mạng xã hội, blog cá nhân đã đăng tải nội dung thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch về cuộc bầu cử ở Việt Nam như “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”, “Cần xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”. Đến đây thì cái đuôi cáo của bọn chúng đã lòi ra, đó là âm mưu đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cuộc bầu cử…

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định rõ: Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và HĐND. Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội, HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri…

…Và trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội, HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội, HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết. Vì vậy, đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, khi đã trúng cử, phải ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi đã có ý kiến với mình thì trước hết đại biểu phải truyền đạt, báo cáo lại Quốc hội, HĐND. Nếu xét thấy cần thiết thì phải kiên quyết lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Không làm được như vậy thì đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ, là đã vi phạm luật, điều này chắc chắn không một đại biểu nào mong muốn.

Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa nên sẽ rất khác các nước tư bản chủ nghĩa ở chỗ: Chúng ta không tổ chức chiến dịch truyền thông rầm rộ, tiêu tốn đến hàng chục triệu đô la cho các cuộc diễn thuyết, vận động bầu cử của các đại biểu, mà UBMTTQVN các cấp chỉ bố trí, sắp xếp các cuộc tiếp xúc với cử tri để đại biểu nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, còn nhân dân sẽ biết được về phẩm chất, năng lực và chương trình hành động trong nhiệm kỳ của người đại biểu sẽ đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND. Vì vậy, nói “bạn đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa?”, rồi tự trả lời “chưa từng thấy” là rất hấp tấp, vội vàng, là không hiểu gì về pháp luật Việt Nam.

Tóm lại, “không biết, không bầu” là luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm kích động, tẩy chay cuộc bầu cử lần này. Chúng ta cần nêu cao cảnh giác để không rơi vào cái bẫy thâm độc đã giăng sẵn của bọn chúng.

Hiếu Ngọc (th)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *