Từ năm 1986, nước ta thực hiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua hơn 30 năm – là một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ một nền kinh tế thời bao cấp, nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất – kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.
Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỉ XX, việc phân phối hàng hóa chủ yếu dựa vào hệ thống tem, phiếu. Những cô gái mậu dịch được xem như là những người có quyền lực. Dù có tem, phiếu trong tay thì cũng phải xếp hàng từ rất sớm để có thể có những món hàng mình cần như gạo, muối …
Từ năm 1986, nước ta thực hiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập với khu vực và quốc tế, nhờ đó sức sản xuất trong nước được giải phóng, các thành phần kinh tế phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Nhu cầu tiêu thụ, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế không ngừng mở rộng. Nếu năm 1986 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt 2.944 triệu USD, thì năm 2018 (tức là sau 32 năm)tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD.
Với mục tiêu định hướng XHCN, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, các vấn đề về an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi cho mọi người đều phát triển khá đồng bộ và ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường thương mại tự do với các nước trên thế giới về quy mô thương mại, GDP. Có được sự công nhân rộng rãi của trên 185 nước trên thế giới, hàng Việt Nam xuất khẩu đi trên 200 nước.
Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố mang tên Bác đã không ngừng vươn lên, nỗ lực “cùng cả nước, vì cả nước”, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với truyền thống sáng tạo, năng động, bản lĩnh, chủ động vốn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí nhiều tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” để giữ vững tay lái, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa thành phố phát triển xứng đáng với vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước.
Những năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã “xoay xở” với nhiều cách làm mang tính “xé rào”, “bung ra” để “chạy ăn từng bữa” cho trên 3,5 triệu dân; rồi vừa tìm cách để khôi phục sản xuất, tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.
Bước vào giai đoạn Đổi mới, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực đưa kinh tế thành phố từng bước vượt qua cơn khủng khoảng và bắt đầu tăng trưởng. Thành phố đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong cơ chế, chính sách kinh tế, góp phần hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách đổi mới kinh tế đất nước.
Đến hết năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%. Tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố so với quy mô kinh tế cả nước (5,55 triệu tỷ đồng) là 23,97%, cao hơn năm 2017 và năm 2016 (23,4%), cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài của thành phố lên hơn 47 tỷ USD với gần 9.200 dự án còn hiệu lực hoạt động.
Có thể nói, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%.