Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13001

Ký kết Hiệp định RCEP xuyên không gian-chuyện bây giờ mới kể

 

Bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần lượt ký kết hiệp định tại quốc gia của mình, dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo. Sau đó, dưới sự điều hành của người dẫn chương trình, các Bộ trưởng cùng giơ bản hiệp định đã ký để thể hiện sự đồng lòng trong việc thực thi RCEP.

Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan bế mạc, giới truyền thông quốc tế vẫn còn đưa tin về những ấn tượng trong khâu tổ chức hội nghị trực tuyến của Chủ tịch ASEAN 2020 – Việt Nam. Đáng chú ý nhất là tại hội nghị, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đi tới ký kết trực tuyến trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Khi đó, nhiều nhà phân tích khác đã đặt câu hỏi về việc lễ ký kết sẽ được diễn ra như thế nào trong bối cảnh đại diện các nước thành viên đều họp trực tuyến tại đầu cầu ở nước mình. Trước đó, các lễ ký kết truyền thống là các bên phải gặp mặt trực tiếp, cùng ngồi vào bàn ký kết rồi sau đó trao cho nhau văn bản, chụp ảnh lưu niệm… Thậm chí, nhiều tờ báo phương Tây còn viết rằng không rõ Việt Nam sẽ làm như thế nào để lễ ký kết được thực hiện đúng như những gì mà người ta mong đợi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đặt bút ký Hiệp định RCEP

Bản thân cánh nhà báo tham gia đưa tin sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan cũng thắc mắc và hỏi nhau khi gần đến lễ ký kết. Và đúng 11h30 ngày 15-11, họ đã có câu trả lời. Lễ ký kết được diễn ra một cách trang trọng, bài bản và đầy cảm hứng. Cụ thể, Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước sẽ đại diện đứng ra ký kết Hiệp định. Như ở Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký vào Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo giới thiệu của người dẫn chương trình, trong lúc Bộ trưởng các nước ký Hiệp định, lãnh đạo các nước đứng lên để chứng kiến. Ký xong, các Bộ trưởng phải đứng lên, cầm bản Hiệp định có chữ ký hướng về phía camera và giữ nguyên trong 5 đến 10 giây để chụp hình. Lần lượt các nước sẽ ký trong đó các nước đối tác ký trước theo thứ tự bảng chữ cái. Australia là quốc gia đầu tiên và Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham là người đầu tiên ký Hiệp định.

Hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định RCEP đã ký cho Tổng thư ký ASEAN khi được phát trực tuyến.

Tiếp đóm các nước thành viên ASEAN ký, đầu tiên là Brunei và kết thúc là Việt Nam. Để có một tấm hình kỷ niệm lễ ký kết ở 15 điểm cầu, các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng cùng đứng lên, hướng văn bản về phía camera và cùng mỉm cười theo hiệu lệnh từ người dẫn chương trình. Màn hình ở mỗi đầu cầu sẽ được chia nhỏ thành 16 hình ảnh khác nhau trong đó có 15 hình ảnh ở 15 điểm cầu các nước và 1 hình ảnh từ Ban thư ký ASEAN.

Điều đáng chú ý là sau lễ ký kết, có hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định đã ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. Lúc này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở Hà Nội còn Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi thì ở trụ sở Ban thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Vậy việc trao sẽ được thực hiện xuyên không gian như thế nào? Thực tế rất đơn giản, ở hai đầu cầu Hà Nội và Jakarta, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi cùng bước lên sân khấu và cầm theo bản Hiệp định đã ký. Đứng bên cạnh hai nhà lãnh đạo ở hai đầu cầu là nhân viên lễ tân. Máy quay ở hai nơi thì thu gọn khung hình vào hai nhà lãnh đạo. Sau đó, theo hiệu lệnh của người dẫn chương trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa văn bản về phía nhân viên lễ tân đứng bên cạnh còn nhân viên lễ tân ở Jakarta thì đưa văn bản về phía Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi. Với những người chứng kiến trực tiếp thì là vậy. Còn với hình ảnh được đưa lên màn hình ở những điểm cầu khác, người ta có cảm giác như đúng là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa tận tay văn bản ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi.

Hiệp định RCEP là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây. RCEP có sự tham gia của của 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP bao gồm 2,2 tỷ người và 29% sản lượng kinh tế toàn cầu.

S.Thương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *