Ðể hiểu biết thực chất đầy đủ về một sự kiện – vấn đề nào đó ở trong nước, cần tìm hiểu một cách khách quan, toàn diện và cụ thể, đó là thái độ nghiêm túc của mọi người Việt Nam ở nước ngoài khi hướng về Tổ quốc. Ðó cũng là nguyên tắc mà tác giả Hồ Ngọc Thắng hiện sống và làm việc tại CHLB Ðức, đã thể hiện qua bài Không thể kết luận quyền “tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề”. Dưới đây là quan điểm của ông Hồ Ngọc Thắng, Việt kiều Đức bàn về “tự do tôn giáo” ở Việt Nam.
Rất có thể tôi là người Việt ở hải ngoại, mỗi khi xách cặp đến công sở lại vắt óc với câu hỏi: “Tự do tôn giáo là gì? Ðó có phải là hành động vi phạm nhân quyền?”. Người chưa biết tôi sẽ cho đó là một suy đoán phóng đại, nhưng suy đoán này có cơ sở, vì đây là lĩnh vực công tác của tôi từ hơn hai thập niên qua tại một Cơ quan Liên bang thuộc Bộ Nội vụ CHLB Ðức. Là một quan chức chính phủ và là người gốc châu Á duy nhất trong cương vị này tại CHLB Ðức, tôi được giao nhiệm vụ quan trọng như các đồng nghiệp Ðức khác là phỏng vấn, điều tra, xem xét và quyết định cho phép người nước ngoài lưu vong vì lý do chính trị hay tôn giáo tại CHLB Ðức. Một phần công việc của tôi là đại diện cho cơ quan trong các thủ tục tranh cãi trước tòa án hành chính khi người nước ngoài nào đó không đồng ý với quyết định của Cơ quan Liên bang. Vì vậy hằng ngày tôi đọc và nghiên cứu một lượng lớn các bản tin thời sự của các hãng thông tấn, các phóng sự của các tạp chí, các điện tín của các Ðại sứ quán Ðức ở nhiều quốc gia gửi về cho Bộ Ngoại giao, các giám định của các viện nghiên cứu, lời kể trực tiếp của những người xin lưu vong chính trị, v.v. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi trình bày quan điểm của cá nhân tôi với cương vị là một kiều bào ở hải ngoại.
CHLB Ðức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của các cuộc khủng hoảng chính trị, nhân đạo, xung đột vì lý do tôn giáo hoặc lãnh thổ trên toàn cầu. Mỗi năm một khoản tiền hàng tỷ euro và hàng vạn quan chức từ trung ương đến địa phương đã và đang được huy động để giải quyết hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của các xung đột đó. Và CHLB Ðức cũng thu được nhiều thành tích trong thực thi đường lối đối ngoại và đối nội. Trong khi một số nước cố tình thể hiện mình là bạn và rất trung thành với Hoa Kỳ, thì CHLB Ðức kiên quyết thực hiện đường lối ôn hòa trên tinh thần độc lập, tự chủ. Nếu theo dõi thái độ bỏ phiếu của CHLB Ðức tại LHQ, vai trò của CHLB Ðức trong cuộc chiến tại Syria, Libya, Iraq, Serbia sẽ nhận thấy điều này. Tại một vài nước láng giềng của Ðức, trong mấy năm qua đã xảy ra các bạo loạn chống cảnh sát, đốt phá xe cộ do một số người nhập cư gây ra. Nhưng điều đó không xảy ra tại CHLB Ðức. Một trong các nguyên nhân đưa tới thành tích đó là sự theo dõi rất sát sao tình hình tại các điểm nóng, phân tích chính xác các nguồn tin để đưa ra biện pháp ứng xử kịp thời.
Tôi có thời gian và cơ hội để biết rõ, ban lãnh đạo của Cơ quan Liên bang nơi tôi làm việc liên tục hơn hai thập niên qua đã không ân hận vì tuyển chọn tôi, một người tốt nghiệp đại học luật tại một trường đại học tổng hợp lâu đời và nổi tiếng của nước Ðức, sử dụng thành thạo tiếng Ðức và tiếng Việt. Vì vậy tôi dám quả quyết, bài viết của tôi không phải là một bài viết “ếch ngồi dưới giếng”. Ðể trả lời câu hỏi trên, tôi xin kể một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu: Tất cả các phiên dịch viên làm việc trong cơ quan chúng tôi đều làm việc trên cơ sở hợp đồng, họ được gọi khi có nhu cầu, thù lao trả theo giờ. Nếu một phiên dịch lần đầu làm việc với tôi, tôi sẽ hỏi qua lý lịch người đó và tôi đều kể là đã sinh ra tại Việt Nam, nhận bằng tú tài ở miền bắc Việt Nam. Một hôm, anh phiên dịch là công dân một nước châu Á có đạo Hồi là quốc đạo, đến gặp tôi. Anh hỏi tôi theo đạo nào. Tôi trả lời, ba mẹ tôi không theo một đạo nào, và tôi cũng thế. Anh liền hỏi lại: Thế thì về mặt tâm linh ông sống thế nào. Tôi nói: Ông cha tôi từ bao đời nay thờ cúng ông bà tổ tiên. Anh hỏi tiếp: Thế gia đình ông tin ai? Tôi giải thích thế này: Nước Việt Nam DCCH khai sinh qua bản Tuyên ngôn Ðộc lập của Hồ Chí Minh ngày 2-9-1945. Từ ngày đó, cả họ hàng tôi chỉ tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam. Anh ta liền nói: Hóa ra ông là một người vô thần. Với nhiều người theo đạo Hồi thì cụm từ “người vô thần” là lời nguyền rủa. Ở một số nước theo đạo Hồi, tình trạng “vô thần” của một cá nhân là một trọng tội, có thể bị trừng phạt tới mức tử hình. Tôi giải thích cho anh ta nghe: Ðại gia đình tôi sống hàng trăm năm nay trong tình trạng vô thần. Chúng tôi không theo một tôn giáo nào, không phải vì chúng tôi bị cấm đoán hay bị cản trở tham gia tôn giáo. Ðó là truyền thống gia đình, cũng là lựa chọn hoàn toàn tự do và tự giác của chúng tôi.
Bảo vệ tự do tôn giáo, trước tiên là phải bảo vệ sự tự do tham gia hay không tham gia một tôn giáo nào. Sự tự do lựa chọn đó phải bảo vệ bằng văn bản pháp luật và sự thực thi quy định đó trong cuộc sống hằng ngày. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 thì 81,69% số dân Việt Nam không theo một tôn giáo nào. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các nhân quyền quan trọng nhất trong một quốc gia, một cộng đồng dân tộc. Nếu xét về phương diện này thì không thể kết luận quyền “tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề”. Có thể vì các động cơ khác nhau hay cách nhìn nhận khác nhau mà có nước, tổ chức và cá nhân trong thời gian gần đây đánh giá như vậy. Trong phần lớn các lập luận để phê bình Nhà nước Việt Nam về tự do tôn giáo, họ đã mập mờ trong việc phân biệt giữa tự do tham gia tôn giáo và tự do cho những người tham gia một tôn giáo. Khi xem xét sự tự do cho những người tham gia một tôn giáo ở Việt Nam, thì những người phê bình cũng rất mập mờ trong việc xem xét.
Các cơ quan nhà nước, các tòa án hành chính Ðức, khi xem xét việc vi phạm tự do tôn giáo nói riêng và vi phạm nhân quyền nói chung, trước hết họ đưa ra câu hỏi: Có thật sự vi phạm không? Câu hỏi tiếp theo phải là: Vi phạm có hệ thống hay vi phạm riêng lẻ? Sau khi đã kết luận không có sự vi phạm một cách hệ thống, họ sẽ đi sâu nghiên cứu vi phạm riêng lẻ. Câu hỏi đầu tiên là: Sự vi phạm là hành động tự quyết của một viên chức, hay là anh ta thi hành mệnh lệnh của một cơ quan, một tổ chức? Trong thời gian vừa qua có người phê phán Việt Nam chủ yếu vì một số vụ án. Bị can, bị cáo trong các vụ án đó lại là thành viên một tổ chức tôn giáo. Theo quan điểm của công an, viện kiểm sát, tòa án thì những người bị truy tố vì vi phạm một điều trong Bộ luật Hình sự, chứ không phải vì họ là thành viên một tổ chức tôn giáo. Song các bị cáo lại đưa ra lời bào chữa là thủ tục xét xử chỉ vì mục đích trừng trị chính trị. Rất tiếc là các quốc gia, tổ chức, cá nhân khi phê bình Việt Nam chủ yếu là dựa vào các lập luận này của bị cáo.
Bảo vệ tự do tôn giáo, trước tiên là phải bảo vệ sự tự do tham gia hay không tham gia một tôn giáo nào. Sự tự do lựa chọn đó phải bảo vệ bằng văn bản pháp luật và sự thực thi quy định đó trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta ai cũng biết, trên thế giới có nhiều tôn giáo khác nhau. Một trong các tôn giáo lâu đời và có số lượng người tham gia lớn nhất là Thiên chúa giáo. Ở Arập Saudi, việc thực hiện các hành động của Thiên chúa giáo nơi công cộng đều bị cấm đoán. Ở Cộng hòa Hồi giáo Iran, Thiên chúa giáo không bị cấm, nhưng việc truyền đạo lại bị nghiêm cấm và bị trừng phạt.
Ở nhiều nước mà đạo Hồi là quốc đạo, thì khi kết hôn, người không theo đạo Hồi bắt buộc phải theo đạo Hồi. Tại Cộng hòa Iraq, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành không bị nhà nước nghiêm cấm hay cản trở. Nhưng tình hình đất nước hỗn loạn, chính quyền không bảo vệ được nhà thờ và con chiên của hai dòng đạo này. Họ bị một số dòng đạo khác chế áp nghiêm trọng. Từ thực tế đó, cơ quan chuyên trách của CHLB Ðức, hiện nay công nhận và cho phép công dân Iraq được lưu vong vì lý do tôn giáo, nếu người đó chứng minh được rằng, mình có quốc tịch Iraq và theo Thiên chúa giáo hay Tin lành.
Còn tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Sau đây tôi trình bày những điều “mắt thấy tai nghe” của tôi: Trước đây, tôi về Việt Nam cứ hai hoặc ba năm một lần, nhưng từ 10 năm trở lại đây, năm nào cũng có mặt ở quê hương. Một thuận lợi lớn là tôi có bà con ở cả ba miền của đất nước. Nhờ có bà con họ hàng nên tôi dễ dàng tiếp xúc với cuộc sống của người dân địa phương. Tôi đã đi từ bắc vào nam, từ nam ra bắc, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa hẻo lánh… Các cơ quan nhà nước Ðức không giao cho tôi nhiệm vụ điều tra hay xem xét tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, tình hình nhân quyền của Việt Nam. Là một quan chức chính phủ được giao nhiệm vụ xét và quyết định về đơn xin tị nạn của người nước ngoài vì lý do chính trị hay tôn giáo, nên tôi quan tâm đến các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của mình. Khi tới thăm một thành phố hay một vùng nông thôn, tôi cố gắng đến các nhà thờ hay địa điểm sinh hoạt tôn giáo của người bản địa. Có lần tôi cùng vợ, con chứng kiến cảnh hoạt động tôn giáo của giáo dân ở hai xứ đạo Bùi Chu (Nam Ðịnh) và Phát Diệm (Ninh Bình). Một hình ảnh luôn đập vào mắt tôi là rất nhiều nhà thờ được tu bổ khang trang. Nhiều nhà thờ được xây mới. Tôi đã đến thăm Chùa Bái Ðính ở Ninh Bình trong hai năm 2010 và 2013. Ðến thăm chùa, liệu ai dám nói là tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề? Tôi thường tìm cách để bắt chuyện với giáo dân Thiên chúa giáo và Phật tử. Qua phong cách và quần áo, mọi người dễ nhận ra tôi là Việt kiều. Ðến hôm nay, tôi không phát hiện một dấu hiệu khả nghi nào về sự vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Ðánh giá thống nhất của các cơ quan nhà nước và tòa án của CHLB Ðức về tự do tôn giáo ở Việt Nam là: Không công dân nào bị Nhà nước hay xã hội gây khó dễ hay đàn áp vì tham gia tôn giáo, hay hoạt động tôn giáo. Ðánh giá này trước hết dựa vào văn bản pháp luật của Việt Nam. Trước tiên, Ðiều 70 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 bảo đảm quyền tự do tham gia và hoạt động tôn giáo của công dân. Ðể cụ thể hóa quyền Hiến pháp, Pháp lệnh 2004 về tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định thi hành 2005 được ban hành. Trong đời sống hằng ngày, quyền tự do này cũng được bảo đảm. Chỉ có ai vừa hoạt động tôn giáo vừa hoạt động chống đối mới gặp khó khăn với pháp luật. Ðể phục vụ cho hoạt động chuyên môn của các cơ quan và tòa án, Bộ Ngoại giao Ðức đều đặn đưa ra báo cáo về tình hình ở Việt Nam, lần gần đây nhất là năm 2013. Báo cáo này là tài liệu chỉ dùng trong cơ quan chuyên trách nên được xếp vào loại “giữ kín”.
Các quan chức được giao nhiệm vụ xét đơn tị nạn của người Việt Nam được cung cấp một loại hồ sơ mà người Việt hay gọi “cẩm nang” phục vụ quyết định. “Cẩm nang” này luôn được bổ sung đúng với tình hình thực tế ở Việt Nam. Trong “cẩm nang”, câu hỏi về tự do tôn giáo ở Việt Nam được trình bày khá chi tiết. Các quan chức phụ trách Việt Nam cũng được bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị Việt Nam. Ðể có khả năng nhận biết liệu một người xin tị nạn nói dối hay nói thật, các quan chức thường xuyên được nâng cao chuyên môn về tâm lý học. Rất có thể là các quan chức được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chu đáo, có trong tay các tài liệu chính xác về tình hình Việt Nam, cho nên các năm gần đây hầu như không có công dân nào của Việt Nam được lưu vong vì lý do tôn giáo. Có người tị nạn khai phải chạy trốn khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, hay tôn giáo nhưng quan chức Ðức lật lại các tờ báo mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mua được ra xem. Các bài báo kể tỉ mỉ việc người đó bị vỡ nợ, có người lại bị truy tố tội lừa đảo, nhận hối lộ hoặc môi giới hối lộ, nhưng lại khai là hoạt động chính trị. Hằng tháng, hằng quý, hằng năm, Bộ Nội vụ CHLB Ðức ra thông báo báo chí thống kê số người nộp đơn xin tị nạn và kết quả quyết định. Nhiều năm trước, Việt Nam luôn ở “top 10” trong danh sách các nước có người xin tị nạn tại Ðức. Nếu xem chi tiết thống kê đã công khai trong các năm gần đây, thì số lượng đơn xin tị nạn của người Việt rất ít, số người Việt Nam được ở lại Ðức chủ yếu không phải vì bị đàn áp về chính trị hay tôn giáo, mà vì lý do nhân đạo. Ðại đa số người được ở lại phần lớn vì bệnh tật hiểm nghèo hay hoàn cảnh gia đình éo le rất đặc biệt. Từ những con số này, có thể nói không ai dám quả quyết “tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề”.
Nhân đây tôi cũng xin nhắc tới chi tiết thú vị: Một số chính trị gia ở phương Tây vẫn khen tấm tắc, một số nước ở Ðông Nam châu Á có “nền dân chủ theo đúng nghĩa của nó”! Sự thay đổi tích cực và liên tục của tình hình nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng ở Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Bằng chứng cụ thể là việc năm 2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Trong bảy năm vừa qua, có một số cá nhân và tổ chức muốn làm đảo lộn thực tế này, nhưng họ đã bất thành vì sự thật không thuộc về họ, và Chính phủ Hoa Kỳ cũng không chiều theo ý họ.