Nhân việc EU công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023. Đây là đánh giá mang tính phiến diện, thiếu khách quan, về tình hình đất nước, con người Việt Nam như khẳng định của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, mà còn là cái cớ để các thế lực xấu như VOA giật tít, vin vào chống phá.
Về vấn đề này, cần khẳng định 3 nội dung sau:
Thứ nhất, cần hiểu đúng bản chất xã hội dân sự
Khái niệm “xã hội dân sự” được hiểu là không gian xã hội công cộng nằm ngoài nhà nước, bao gồm tổng thể các định chế xã hội độc lập tương đối với Nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội…Về bản chất, “xã hội dân sự” có một số điểm tích cực. Đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý vì mục tiêu khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước…Ở Việt Nam các tổ chức “xã hội dân sự” tồn tại dưới nhiều hình thức như: Tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do Nhà nước lập ra… Các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật. Ở góc độ này, Việt Nam có hàng vạn tổ chức xã hội dân sự, hoạt động tự do, không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, ngoại trừ tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, mưu đồ đen tối của thế lực lợi dụng, bóp méo bản chất xã hội dân sự
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang biến tướng vấn đề về “xã hội dân sự”, coi việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” để tập hợp lực lượng, hình thành ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng Việt Nam; với danh nghĩa núp bóng “xã hội dân sự” do các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước thành lập, điều hành, như: “Hội anh em dân chủ”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Tổ chức xã hội dân sự”, “Nhà xuất bản tự do”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”…Với luận điệu tuyên truyền các tổ chức “xã hội dân sự” hoạt động ưu việt và hiệu quả hơn nhiều so với các cơ quan công quyền. Thông qua hình thức “xã hội dân sự”, lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do đóng góp ý kiến, các đối tượng thúc đẩy tư tưởng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, hướng lái người dân hình thành tâm lý chống đối, phản kháng với chính quyền. Dưới danh nghĩa phản biện xã hội, đóng góp ý kiến, một số đối tượng đã biến nó thành một diễn đàn để công kích, chống phá chính quyền, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ đó, các đối tượng kích động sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào Đảng trong một bộ phận quần chúng. Dưới chiêu bài núp bóng “xã hội dân sự” chúng câu kết, móc nối với các cá nhân, tổ chức phản động ngoài nước tài trợ về vật chất, ủng hộ về tinh thần nhằm thực hiện hoạt động chống phá.
Thực tế, nhiều nơi trên thế giới đã từng có những bài học đắt giá về vấn đề này, thực tiễn biến động chính trị ở Ukraine, Trung Đông, Bắc Phi gần đây qua các cuộc “cách mạng màu”, “mùa xuân Arab” đã cho thấy, các thế lực bên ngoài bất chấp pháp lý và đạo lý của các quốc gia, đặc biệt chú trọng thúc đẩy, hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” nhằm từng bước tạo ra tổ chức đối lập, hình thành xã hội đa nguyên, đa đảng; áp đặt các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa theo kiểu của họ và coi đó là phương thức hoạt động chủ yếu nhằm chuyển hóa chế độ xã hội ở các quốc gia được cho là không cùng ý thức hệ.
Thứ ba, đảm bảo không gian xã hội dân sự cũng như dân chủ và quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nỗ lực và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trên phương diện chính trị, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất quán quan điểm về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của đảng “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Dưới góc độ pháp lý, những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú… Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thể chế về quyền con người là minh chứng mạnh mẽ bảo đảm quyền con người.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Trang liberationnews.org (Mỹ) kết luận: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là “kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”. Đó là mô hình “để không ai bị bỏ lại phía sau”. Việt Nam với chế độ chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, con người thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, đã vinh dự lọt vào tốp là những quốc gia đáng sống. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người, có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”. Gần đây nhất Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, trong phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam, ngày 24-11-2023 bày tỏ: “Tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cả ở trong nước và ở cấp độ toàn cầu”.
Từ những phân tích ở trên cho thấy, quan điểm cho rằng Việt Nam cần mở rộng không gian xã hội dân sự, nhất là xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây phát triển là chưa đúng đắn và phù hợp. Chúng ta không ngăn cản việc người dân lập hội, tham gia các tổ chức “xã hội dân sự”. Điều 25, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng cổ súy, thúc đẩy chiêu bài “xã hội dân sự” theo mô hình phương Tây, hòng thực hiện âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, vì vậy chúng ta cần nêu cao cảnh giác nhận diện, đấu tranh và loại bỏ.