Trước Tết Nguyên đán, cả nước có hàng nghìn công nhân, người lao động bị mất việc làm, cắt giảm việc, để giúp người lao động có một cái Tết đầm ấm, các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đến thời điểm này, có khoảng 670.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là gần 45.000 người. Trong số hàng chục nghìn lao động bị mất việc có nhiều lao động vẫn chưa tìm được việc làm.
Số lao động bị mất việc làm nhiều nhất ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số doanh nghiệp điện tử. Thực tế ảm đạm này đang diễn ra và được dự báo sẽ tiếp diễn đến giữa năm 2023.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nay, người lao động lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về việc làm, thu nhập, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Với phương châm “ai cũng có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau”, Liên đoàn lao động TP.HCM đã lên kế hoạch chăm cho đoàn viên và chú trọng đến việc hỗ trợ người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Trần Đoàn Trung – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM cho hay, trải qua 2 năm rất khó khăn do dịch bệnh, năm 2022, bộ mặt kinh tế của TP.HCM thay đổi rất nhiều. Dự báo trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, chính trường thế giới nên LĐLĐ thành phố đã xây dựng sớm kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.
Hiện nay, Liên đoàn lao động thành phố đã có chỉ đạo, định hướng đối với công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Trong trường hợp, nếu có biến động lớn hơn thì LĐLĐ thành phố sẽ báo cáo với Tổng LĐLĐVN và thành ủy xin chủ trương để tiếp tục điều chỉnh, vận dụng tối đa nguồn lực công đoàn để hỗ trợ cho người lao động.
“Những thông tin chúng tôi tiếp nhận từ một số đơn vị sử dụng lao động nhiều của thành phố như khu chế xuất, khu công nghiệp, mọi tín hiệu rất lạc quan. Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn với người lao động trong thời điểm này. Các đơn vị cho biết, sẽ cố gắng duy trì mức thưởng ngang bằng với năm 2019, thời điểm chưa phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi mong các doanh nghiệp vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, người lao động, sẽ tích cực chia sẻ, hỗ trợ người lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Trần Đoàn Trung nói.
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban chính sách pháp luật Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, từ nhiều năm nay, hoạt động chăm lo Tết cho người lao động luôn được LĐLĐ thành phố quan tâm và chú trọng. Năm nay, thành phố có một số hoạt động lớn, sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy vào ngày 19/1 tới tại Cung văn hóa lao động Việt Xô. Tại đây sẽ mời khoảng 1.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích trong lao động sản xuất tham gia.
Mỗi đoàn viên tham dự sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng kèm theo 1 phần quà và các voucher để mua hàng tại phiên chợ Tết công đoàn. Ngoài ra còn có chương trình bốc thăm trúng thưởng với gần 200 giải thưởng có giá trị. Chương trình là hoạt động để tri ân người lao động và động viên người lao động khó khăn cũng như huy động các cơ quan, tổ chức cùng với các tổ chức công đoàn chăm lo cho người lao động.
Thứ 2 là tổ chức chương trình “Chợ tết công đoàn” với 70 gian hàng để kêu gọi các doanh nghiệp bán hàng giảm giá cho công nhân với các sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết. Chương trình sẽ mời khoảng 5.000 người lao động tham gia phiên chợ, mỗi người lao động sẽ được LĐLĐ thành phố tặng voucher mua hàng trị giá 300.000-500.000 đồng và được tặng 1 suất quà trị giá 150.000 đồng.
Theo ông Dưỡng, đây là hoạt động rất thiết thực, trong thời điểm người lao động gặp nhiều khó khăn thì việc kêu gọi doanh nghiệp đưa các sản phẩm hàng hóa đến bán cho công nhân với giá ưu đãi, giảm từ 10-50% sản phẩm thiết yếu là việc làm hết sức cần thiết. Cùng với đó, LĐLĐ thành phố sẽ chỉ đạo và trực tiếp tổ chức phương tiện đưa đón công nhân ở các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về quê ăn Tết.
Số công nhân lao động mà LĐLĐ hỗ trợ tại khu chế xuất là 1.200 trường hợp. Một số trường hợp khác hỗ trợ bằng tiền, LĐLĐ thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp, liên đoàn lao động quận, huyện quan tâm hỗ trợ phương tiện, kinh phí đưa người lao động về quê, đảm bảo an toàn và quay trở lại làm việc đúng thời hạn. Thông qua hoạt động này của liên đoàn thì rất nhiều doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đã có kế hoạch bố trí phương tiện để đưa công nhân về quê ăn Tết. Đến ngày mùng 5-6 Tết lại cho xe về tận quê để đón công nhân ra làm việc.
“Trước tình hình lao động ở các doanh nghiêp bị cắt giảm đơn hàng do chiến sự ở Ukraine, lạm phát diễn ra ở một số nước trên thế giới, các đơn hàng giảm, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể, rất kịp thời, đưa ra 4 đối tượng cần hỗ trợ, đó là những người bị giảm việc, nghỉ việc không lương, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nếu doanh nghiệp và công đoàn cơ sở, do khó khăn không bố trí được lương, thưởng Tết cho công nhân, dự kiến sẽ dành khoảng 30 tỷ từ ngân sách của Liên đoàn lao động TP hỗ trợ cho các đối tượng này với mức tiền khác nhau từ 500.000-1 triệu đồng, trước ngày 25 Tết, tất cả các khoản hỗ trợ này sẽ đến tay người lao động. Kinh phí hỗ trợ riêng của LĐLĐ thành phố Hà Nội là trên 40 tỷ đồng”, ông Tạ Văn Dưỡng chia sẻ.
Cũng trong chuỗi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng có kế hoạch thăm, tặng quà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn, các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương.
Tổng Liên đoàn sẽ chuẩn bị các suất quà bao gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng quy đổi ra hiện vật là nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu Tết.
Ngoài ra, người lao động sẽ được tổ chức công đoàn tổ chức phương tiện đưa đón để về quê đón Tết và trở lại làm việc. Trường hợp không tổ chức được xe đưa đón, người lao động sẽ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để quê đón cũng như trở lại làm việc sau Tết.
Cùng với việc hỗ trợ tiền và hiện vật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng và gian hàng 0 đồng. Người lao động trên khắp cả nước sẽ có cơ hội mua sắm với giá ưu đãi (giảm từ 10% trở lên) hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như đồ dùng học tập, giấy, bóng đèn, phích nước, da giày, bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo./.