Cổ súy cho dân tự do vô chính phủ, tự do tung tin giả, tự do công kích, đả phá các giá trị xã hội truyền thống…là mục tiêu của thành phần phá hoại núp danh tự do ngôn luận. Mới đây, lợi dụng vụ em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành ở tỉnh Yên Bái viết bài có nội dung chưa phù hợp lên mạng xã hội, VOA và RFA nhanh chóng tâng bốc một cậu học sinh thành “nhà bất đồng chính kiến”, “bị đấu tố trên MXH”. Thậm chí Việt Tân dành hàng loạt status, đưa ra những luận điệu phi lý như “Một chính quyền tử tế, dân chủ và văn minh sẽ để mặc dân chúng được nói trái ý mình”.
Nên nhớ rằng, tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, trong đó có trách nhiệm không được xâm hại đến an ninh tư tưởng – văn hóa và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ở trường hợp này, nam sinh do hiểu biết còn hạn chế dẫn đến có những phát ngôn chưa chuẩn mực, gây bức xúc gây dư luận. Sau đó, nam sinh chủ động xóa bài viết và lên tiếng xin lỗi. Rõ ràng các trang mạng phản động, chống phá Nhà nước nói trên đã lộ rõ sự xảo trá, ngụy biện, tự “nhận vơ”, cổ súy những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.
Ngay ở Mỹ, Pháp, Anh và nhiều nước Châu Âu đang ngày càng xiết chặt ngôn luận trên mạng xã hội bằng các đạo luật như chống tin giả, tuyên truyền kích động, phát ngôn thù ghét.
Ở Mỹ, Toà án Tối cao cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn, mà không bị xem là vi hiến. Ở Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù. Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng Internet cũng chịu sự điều chỉnh của “Luật Tự do báo chí” ở Pháp. Ở đó, điểm chung dễ nhận thấy ở các quốc gia trên thế giới là chế tài xử lý rất nghiêm minh đối với các hành vi đưa thông tin thất thiệt, làm lộ bí mật nhà nước và gây tâm lý kích động, hận thù… Và tất cả đã được luật hóa.
Nói ra những điều trên để thấy không phải tự do ngôn luận trên mạng xã hội tại Việt Nam được thắt chặt và hay “bịt miệng người dân”. Quyền tự do ngôn luận trong pháp luật Việt Nam luôn phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Nói cách khác, Việt Nam đang thực hiện tương tự những điều thế giới đã và đang thực hiện. Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật. Pháp luật quy định rõ mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ công dân; “không được xâm phạm lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Hiện nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam không những được bảo đảm tốt mà còn là nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn, hành vi vi phạm pháp luật được báo chí, mạng xã hội phanh phui, trước khi cơ quan chức năng phát hiện. Người dân được đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư nguyện vọng để các cơ quan chức năng làm căn cứ, phục vụ cho công việc chuyên môn, nhiệm vụ của mình.
Quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật là nhân tố quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Những thông tin đưa lên mạng xã hội cần có những chuẩn mực để tạo môi trường thông tin lành mạnh và đa chiều, đồng thời giúp ngăn chặn việc lợi dụng tự do ngôn luận để gây rối, phá hoại an ninh, trật tự an toàn xã hội.