Mỗi bận có thay đổi về nhân sự trong Đảng, Nhà nước ta là y như rằng, những kẻ đội lốt, khoác áo “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam” lại nhanh chóng gán ghép kịch bản cung đấu cho nó là “thanh trừng phe nhóm”, “đấu đá nội bộ” nhằm bôi đen tính tổ chức và tính dân chủ trong bộ máy. Chẳng hạn như liên quan đến việc 2 Phó Thủ tướng từ nhiệm, lập tức hàng loạt bài viết xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ việc kiểu như “Chung quanh vụ thanh trừng Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam” hay “Chuyện thanh trừng nội bộ” trên trang Việt tân và Chân trời mới cùng ngày 1/1/2023.
Có hay không chuyện thanh trừng nội bộ?
Trước hết, cần phải khẳng định ngày, không có chuyện thanh trừng, đấu đá nội bộ hay việc thực hiện công tác cán bộ phải tuân theo ý kiến chỉ đạo của “một nước ngoài” nào đó.
Thực tế cho thấy rằng, năm 2022 Ban chấp hành Trung ương đã cho thôi tham gia Ban Chấp hành đối với 3 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đương nhiệm (do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút), mà không chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Gần đây nhất, ngày 30/12/2022 vừa qua, tại kỳ họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là sự quyết liệt của Đảng trong công tác cán bộ đã được quán triệt quyết liệt từ Đại hội XIII của Đảng, không riêng gì với hai ông Phó Thủ tướng vừa qua. Đúng như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: Việc cho thôi chức đối với các cán bộ cấp cao như vừa rồi là bước tiến rất lớn trong công tác cán bộ; không chỉ đảm bảo đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ, mà còn cho thấy đó là một xu hướng tốt trong quá trình xây kết hợp với chống, vừa xây vừa chống nhuần nhuyễn để làm cho Đảng mạnh hơn. Và đó cũng chính là hiện thực hóa Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, để “từ chức” dần trở thành một lựa chọn trong sự nghiệp của mỗi cá nhân khi đã có những hạn chế, khuyết điểm (thậm chí là cả đối với những người thấy mình không còn phù hợp với vị trí công tác được đảm nhiệm…).
Chiêu trò mượn cớ để quy chụp, kích động?
Việc cho rằng “chống tham nhũng, đốt lò chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch, những chiêu bài để triệt hạ lẫn nhau mà vụ thanh trừng Minh và Đam là trường hợp mới nhất” là sự xuyên tạc của các phần tử cơ hội, phản động, thù địch. Đảng là một khối thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động, nên ở đó không có sự “triệt hạ lẫn nhau”, cũng không có “sự thanh trừng nội bộ”, mà là mọi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, tuân thủ Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, Hiến pháp, pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những luận điệu bôi đen chế độ, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng và công tác xây dựng Đảng, “thực chất là hai ông đã bị Bộ Chính trị thanh trừng”; hay chụp mũ rằng “môi trường độc tài độc đảng của Việt Nam có tác dụng làm biến chất, tha hóa con người rất kinh khủng, người thiện lương không tồn tại được trong thể chế độc hại đó”. Rồi vu khống rằng “trong 18 ông bà ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 của đảng CSVN hiện nay, người nào không tham nhũng, không lợi dụng chức quyền để trục lợi?” và cho rằng “vô số vụ tham nhũng lớn khác” vẫn được Đảng “bao che cho nhau, thỏa hiệp với nhau để duy trì ách thống trị trên đầu trên cổ gần một trăm triệu dân” là sự bịa đặt, bôi xấu công tác cán bộ của Đảng.
Bản chất phơi bày, ý đồ lợi dụng vụ việc để kích động, chia rẽ thấy rõ khi chúng bịa đặt “sau Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam hẳn sẽ có thêm nhiều cán bộ cao cấp khác của đảng CSVN biến thành “củi” hay “tương lai đất nước này vẫn sẽ “tối đen như mực, đen như cái tiền đồ” của chị Dậu”.
Chiếu theo thứ tư duy này, nhìn vào việc nội bộ Đảng Cộng hòa qua nhiều phiên bầu cử vẫn không thống nhất được đại diện của mình làm Chủ tịch Hạ viện những ngày qua có phải là do Trung Quốc thao túng, do nội bộ đánh phá nhau, triệt hạ nhau đến nỗi không thống nhất được đại diện cho mình, bất chấp cựu tổng thống Trump hết lời vận động, thuyết phục? Khôi hài ở chỗ, những kẻ điều hành trang tin trên đều có trụ sở ở Mỹ chỉ chăm chăm dán nhãn, xuyên tạc công tác nhân sự Việt Nam nhưng tiệt nhiên không dám hó hé câu từ bất bình trước chia rẽ nội bộ, tranh đấu đảng phái mà báo chí, dân chúng Mỹ bất bình đến phẫn nộ?