Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13838

Khát vọng phát triển Kỳ 3: Đổi mới sáng tạo

Ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng) được nêu lần đầu tiên tại Đại hội XI của Đảng (2011). Hiện nay trong văn kiện Đại hội XIII, nội hàm của chúng được phát triển so với nội dung trong văn kiện các Đại hội XI và XII. Chẳng hạn trước đây xác định chỉ là phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, lần này được xác định là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, tức thể chế phát triển cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trước đây chỉ xác định nguồn nhân lực chung, hiện nay  xác định rõ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt; Cũng như thế trong đột phá chiến lược về hạ tầng, Văn kiện đại hội lần này xác định cụ thể ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

        Khát vọng nuôi dưỡng, thúc đẩy nhu cầu, năng lực đổi mới sáng tạo; Và đây cũng là một trong những phương châm được xác định trong văn kiện Đại hội XIII. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển nhanh – bền vững. Trong công cuộc  đổi mới từ năm 1986 đến nay, đổi mới gắn với sáng tạo và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển là một thuộc tính và chính là kết quả vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ” nên “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển” . Đổi mới sáng tạo phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện cả cách nghĩ và cách làm theo phương châm: Đổi mới sáng tạo trong  tư duy, trước hết trong tư duy  kinh tế, trong thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng),  trong công tác tổ chức và cán bộ, trong phong cách hoạt động, sinh hoạt,… trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.  Trong đó ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ số và trong khởi nghiệp. 

         Trước hết, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ số nhằm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất, không theo kiểu phong trào trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị,…. để từng bước hình thành kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.  Muốn vậy, trọng tâm là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo slogan (khẩu hiệu tiếp thị) hay kiểu “Make in Vietnam” đã được Bộ Thông tin & Truyền thông đề ra. Nếu “Made in Vietnam” để chỉ nơi xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, thuế quan, xuất nhập khẩu thì với “Make in Vietnam”, đổi mới sáng tạo có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang tự chủ sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để sản xuất các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.  Thông qua đó sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Nếu đổi mới sáng tạo chỉ ở tầm “Made in Vietnam”, thì chỉ bằng lòng với tiêu chí một nước đang phát triển. Còn nếu đổi mới sáng tạo theo kiểu “Make in Vietnam”, nước ta có thể trở thành một nước phát triển. Đây là khát vọng có tính tham vọng không phải là không tỉnh táo, nhất là khi Việt Nam đã phát triển được mạng 5G nội địa.

       Tiếp đó, là đổi mới sáng tạo hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cũng phải thực hiện theo kiểu  “Make in Vietnam” để kiến tạo lại hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nhanh chóng chuyển dịch mạnh mẽ doanh nghiệp từ kiểu thủ công “hàng xén” sang tổ chức, vận hành kiểu cộng nghệ 4.0 mang thuộc tính  “Make in Vietnam”. Qua đó buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn với giá trị gia tăng tại Việt Nam cũng cao hơn so với việc chỉ đơn thuần buôn bán lòng vòng, gia công, lắp ráp theo kiểu “Made in Vietnam”; Đồng thời thực hiện được chiến lược xây tổ, “ấp trứng” cho “đại bàng” quốc tịch Việt Nam. 

     Yếu tố cơ bản thúc đẩy đổi mới sáng tạo là thể chế có khả năng trao quyền, bảo đảm quyền, thúc đẩy dân chủ trong đời sống kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa phản biện, kích thích bày tỏ ý kiến và chính kiến cá nhân. Đổi mới sáng tạo là biểu hiện và kết quả của niềm tin và khát vọng, của “sĩ khí quốc dân”, vì thế là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung, đội ngũ trí thức, doanh nhân  đóng vai trò nòng cốt trong lao động sáng tạo;…. 

Tài liệu tham khảo: 

Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, tr.55 và t.10, tr. 377, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *