Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
199578

Khái niệm và đặc điểm của các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa

 

Theo tài liệu chuyên đề (Fact Sheet) số 33 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là những quyền con người liên quan đến nơi làm việc, an sinh xã hội, cuộc sống gia đình, tham gia đời sống văn hóa và được tiếp cận nhà ở, thực phẩm, nước uống, y tế và giáo dục. Cụ thể hơn, những quyền cơ bản trong nhóm này bao gồm: các quyền lao động, quyền an sinh và bảo trợ xã hội, bảo vệ và trợ giúp gia đình, quyền có mức sống thích đáng, quyền về y tế, quyền được giáo dục, các quyền văn hóa.[1] Nhìn chung, có thể thấy, những quyền này liên quan đến những điều kiện kinh tế-xã hội-văn hóa cơ bản cần thiết để mỗi cá nhân có được một cuộc sống trong nhân phẩm và tự do. Ngày nay, những quyền này [đều] được ghi nhận một cách phổ biến và rộng rãi trong hiến pháp và hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia,[2] và trong nhiều văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực như: Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (UDHR, 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966),…

Theo cách chia của luật gia người Séc Karel Vasak, các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa (nhóm II) thuộc thế hệ nhân quyền thứ hai, trong khi các quyền dân sự-chính trị (nhóm I) thuộc thế hệ nhân quyền thứ nhất. Một số đặc điểm khác biệt giữa hai nhóm quyền này được nêu ra như sau:

Thứ nhất, nhóm I chủ yếu đòi hỏi nghĩa vụ thụ động (negative) của nhà nước, cụ thể là kiềm chế can thiệp vào việc hưởng thụ quyền của người dân; nhóm II đòi hỏi nghĩa vụ chủ động (positive) của nhà nước, cụ thể là phải [chủ động] thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân có thể hưởng thụ quyền.

Thứ hai, việc đảm bảo các quyền thuộc nhóm I không tiêu tốn nhiều nguồn lực (cost-free), nên quốc gia nào cũng có thể làm được, và có thể thực hiện được ngay (immediate); trong khi việc đảm bảo các quyền trong nhóm II tiêu tốn nhiều nguồn lực (resource-intensive), do đó quốc gia có thể thực hiện từng bước, dần dần (progressive), tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của quốc gia.

Thứ ba, các quyền thuộc nhóm I có nội hàm rõ ràng (precise), và có thể phân định đúng sai (justiciable); trong khi các quyền thuộc nhóm II có nội hàm mơ hồ, không rõ ràng (vague), khó có thể phân định đúng sai (non-justiciable).

Thứ tư, các quyền thuộc nhóm I mang dấu án của khối tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và không có mâu thuẫn lớn về quan điểm giữa các quốc gia; trong khi các quyền thuộc nhóm II mang dấu án của khối xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hiện vẫn chưa có sự thống nhất quan điểm giữa các quốc gia về tính hiện thực và hợp lý của quyền.[3]

Tuy nhiên, các đặc điểm khác biệt ở trên chỉ mang tính tương đối và có nhiều nhận định không còn phù hợp.[4] Nhận định cho rằng các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa quá mơ hồ, không rõ nghĩa và khó có thể phân định đúng sai hiện đã được chứng minh là không chính xác. Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều quyền thuộc nhóm này đã được phán xử bởi các cơ quan tư pháp của quốc gia và khu vực.[5] Đây chính là minh chứng cho khả năng tài phán (phân định đúng sai) của nhóm quyền này. Một trong những chức năng quan trọng của ngành tư pháp của một quốc gia là xác định “điều gì cấu thành” sự vi phạm quyền và lấp đầy khoảng trống của pháp luật (giải thích hiến pháp, pháp luật), và xem xét sự phù hợp của các chính sách [quốc gia] với những nguyên tắc hiến pháp và nghĩa vụ nhân quyền của quốc gia.[6] Đồng thời, những định nghĩa về sự vi phạm các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa và việc áp dụng chúng trong quá trình giám sát thực thi cũng xác lập những căn cứ cho khả năng tài phán của nhóm quyền này (như: Bình luận chung, Hướng dẫn chung của các cơ quan giám sát thực thi Công ước, Các nguyên tắc Limburg (1986), Hướng dẫn Maastricht (1997),…).[7]

PGS.TS Vũ Công Giao

[1] Xem: Frequently Asked Questions on Economic, Social and Cultural Rights (Fact Sheet No. 33), tại: https://www.ohchr.org/Documents/Issues/ESCR/FAQ%20on%20ESCR-en.pdf, [truy cập: 10/6/2019].

[2] Xem: Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân (2012a), Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.44.

[3] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên) (2009), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.58-65. Cũng xem: Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân (2012a), tài liệu đã dẫn, tr.20-23, 42-49; Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân (2012b), Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.28-32.

[4] Xem: Fact Sheet No. 33 (mục 5), tài liệu đã dẫn. Cũng xem: Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân (2012b), tài liệu đã dẫn, tr.31-32.

[5] Xem: Fact Sheet No. 33 (mục 18), tài liệu đã dẫn.

[6] Xem: Bình luận chung số 9 (General Comment) “Thực hiện Công ước ở các quốc gia” của Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR). Cũng xem: Fact Sheet No. 33 (mục 18), tài liệu đã dẫn.

[7] Xem: Fact Sheet No. 33 (mục 19, 20), tài liệu đã dẫn. Cũng xem: Nguyễn Đăng Dung… [và nh.ng. khác] (đồng chủ biên) (2009), tài liệu đã dẫn, tr.63-65; Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân (2012a), tài liệu đã dẫn, tr.21-22.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *