Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
475

Hội nghị sơ kết công tác nhân quyền 6 tháng đầu năm 2024 và tập huấn công tác nhân quyền năm 2024

Ngày 23/7, Văn phòng Thường trực về nhân quyền phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác nhân quyền 6 tháng đầu năm 2024 và tập huấn công tác nhân quyền năm 2024.
 Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác nhân quyền 6 tháng đầu năm 2024 và tập huấn công tác nhân quyền năm 2024 tỉnh Bình Dương

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thừa ủy quyền của Trưởng ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Dương, cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tốt trong phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến mới, phức tạp, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh mặc dù được giữ vững ổn định nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là liên quan đến doanh nghiệp, công nhân, các khiếu kiện liên quan đến dự án bất động sản, vấn đề an ninh mạng, tội phạm về trật tự xã hội…

Trong bối cảnh đó, Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp nhằm ổn định tình hình, quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế-xã hội đạt những kết quả tích cực.

Có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh, Bình Dương hiện là một trong những tỉnh top đầu trong xây dựng, phát triển các khu công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/người/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 5,97%.

Với việc phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và từng bước được nâng cao. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách đối với người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các thương binh, liệt sĩ và nhóm người dễ bị tổn thương, yếu thế, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót. Đơn cử như công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền đã được quan tâm đẩy mạnh song chưa mang tính chiều sâu; công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo và giữa Ban chỉ đạo với các sở, ban ngành không là thành viên và các địa phương còn chưa thường xuyên, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn.

Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương phát biểu về tình hình công tác nhân quyền trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về nhân quyền, khẳng định, nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở, do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ đề nghị Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh thời gian tới cần chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người…

Đồng thời, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về nhân quyền cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền của người dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị của công nhân, người lao động, không để các thế lực thù địch kích động gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an  toàn xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về nhân quyền, khẳng định, nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên trình bày hai chuyên đề: “Quyền của người lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cam kết của Việt Nam” và “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”.

Các chuyên đề được đại biểu đánh giá cao vì đã cung cấp thông tin, kiến thức thiết thực về công tác bảo đảm nhân quyền, qua đó giúp cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu và thực thi bảo đảm quyền con người thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và công tác chuyên môn.

Hội nghị đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc thực trạng tình hình, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2024, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đặc biệt là công tác tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác nhân quyền của các báo cáo viên, là tiền đề, cơ sở quan trọng để đề ra các chủ trương, biện pháp khắc phục, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc, Đại tá Ngô Xuân Phú khẳng định, trên cơ sở định hướng của Hội nghị, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng cam kết sẽ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về những thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá.

Để đạt được mục tiêu đó, Đại tá Ngô Xuân Phú đề nghị các sở, ban, ngành nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh, tham mưu kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bảo đảm quyền con người.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *