Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo sức khỏe đời sống) |
Mới đây, một số phương tiện thông tin truyền thông đưa tin một bé gái sinh năm 2010 (13 tuổi) ở Bắc Giang mang thai, sinh con trong nhà vệ sinh. Khi sự việc xảy ra, nữ sinh này cho biết, từng có bạn trai và thường xuyên đi chơi đêm… Và khi thông tin này đang làm xôn xao dư luận thì một số báo lại đồng loạt đưa tin một bé gái khác ở Phú Thọ cũng sinh con vào cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi. Trước đó, năm 2011, cũng có một bé gái học sinh lớp 7 tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sinh con tại nhà và tự cắt dây rốn cho con… Đọc những tin như thế này khiến chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng, đau lòng, xót xa.
Ở Việt Nam nói riêng và một số nước Phương Đông nói chung, giáo dục giới tính được coi là chủ đề nhạy cảm, chưa thật sự được thực hiện rộng rãi và phổ biến, thậm chí nhiều phụ huynh còn cảm thấy “ngại ngùng” khi nói chuyện với con cái về vấn đề này. Do đó, nhiều cha mẹ vẫn né tránh khi con trẻ hỏi “chuyện người lớn” và giữ quan niệm dạy cho trẻ hiểu về tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”.
Trong khi đó, điều đáng lưu tâm là những năm trở lại đây, tình trạng quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Vấn đề này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khoẻ và cuộc sống, tương lai của các em mà còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số.
Một cuộc khảo sát về hành vi sức khoẻ học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với hơn 7.700 học sinh tham gia đều từ lớp 8-12 cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019).
Trong khi đó, khảo sát vào năm 2021 của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% phụ nữ từ 15-19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố ở Việt Nam, có đến 60-70% các ca nạo phá thai là phụ nữ ở độ tuổi 15-19 tuổi. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cứ 2 bà bầu đến bệnh viện thì có một người phá thai. Đặc biệt tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thanh niên đáng báo động. Nhiều em ở độ tuổi 13-18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi, khiến việc xử lý thai gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.
Theo các chuyên gia, việc sinh con ở tuổi còn qúa nhỏ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của trẻ. Đó là ngoài việc trẻ phải vào đời quá sớm, cơ thể chưa phát triển một cách hoàn thiện, chưa có sự chuẩn bị về thể chất, tâm lý, kiến thức sinh sản và giới tính nên quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ngoài việc mang thai ngoài ý muốn thì ở tuổi này có thể dẫn đến sinh non, nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ và con rồi dễ dễ mắc các bệnh lây qua đường tình dục…
Mặt khác, khi sinh con trách nhiệm của các em lại quá nặng nề khi phải nuôi, dạy con khi bản thân mình đang ở lứa tuổi “vô lo vô nghĩ”. Bản thân đứa trẻ cũng chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề, căng thẳng, thậm chí bị bạn bè dị nghị, cười cợt, trêu chọc… nên thường sợ hãi, căng thẳng có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cảnh báo, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe. Điều này còn làm mất đi nhiều tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, tước bỏ và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống.
Từ thực tiễn và những nguy cơ nêu trên, nhiều chuyên gia về lĩnh vực giáo dục cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. TS Vũ Thu Hương – một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam (nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: Câu chuyện ở Bắc Giang, Phú Thọ… chính là hậu quả của việc không giáo dục giới tính từ bé. Thậm chí, nhiều khi chính người lớn không chịu hiểu trẻ con khi đã dậy thì là đã có nhu cầu tình dục như người lớn, chứ không phải chờ đến khi lớn, hiểu biết mới có. Đó là nhu cầu sinh học bình thường.
PGS.TS Trần Thành Nam – Chuyên gia tâm lý học lâm sàng trẻ em (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, hiện nay lứa tuổi “chín muồi” về mặt sinh học của trẻ đã khác so với trước đây, nhiều trẻ 10 tuổi đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan đến quan hệ tình dục trên các website “đen”. Thậm chí, phim ảnh tại Việt Nam cũng không dán nhãn lứa tuổi, đây cũng là một kênh để trẻ tiếp xúc với những vấn đề quan hệ tình dục sớm…
Mặt khác, một số chuyên gia nhận định, chúng ta đang giáo dục giới tính muộn. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, mới 12-13 tuổi thì chưa cần giáo dục giới tính, chưa cần nói đến quan hệ tình dục. Cũng bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải… Nhưng những câu chuyện và con số nêu trên đã nói lên việc trẻ cần phải được giáo dục giới tính sớm hơn.
Từ phân tích này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cùng với nhà trường, xã hội thì các bậc cha mẹ là những người đầu tiên cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khoẻ sinh sản… cho con. Thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khoẻ sinh sản. Phải dạy trẻ các kiến thức về giới tính, quan hệ tình dục sớm thì hậu quả như thế nào; làm thế nào để an toàn nếu xảy ra “chuyện người lớn”…
Đặc biệt, các bậc cha mẹ không thể giữ quan niệm dạy cho trẻ hiểu về tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi vấn đề giới tính và sức khoẻ sinh sản là nhu cầu tự nhiên của con người giống như một cái cây hàng ngày vẫn phải phát triển. Vì thế trong vấn đề giáo dục giới tính, đừng lo ngại sẽ “vẽ đường cho hươu chạy” bởi thà “vẽ đường cho hươu chạy” đúng còn hơn để nó chạy sai, chạy tán loạn, rồi để lạc mất hươu.
Có thể nói, giáo dục giới tính cho trẻ là việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để trẻ biết tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ có thể gặp phải bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mà giáo dục giới tính có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Dạy trẻ nhận biết giới tính và cách bảo vệ cơ thể tránh được các nguy cơ không bao giờ là quá sớm. Vì vậy, cha mẹ không nên cấm đoán các em mà nên thẳng thắn, cởi mở với con. Cha mẹ nên dạy con những biện pháp an toàn tình dục, kỹ năng cụ thể… để con có kiến thức hiểu biết từ đó có lựa chọn và có trách nhiệm với chính mình./.