Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
38692

Hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người

“Không gian mạng là môi trường tác chiến mới, tích cực xây dựng lực lượng, đầu tư trang bị, vũ khí cho các hoạt động tác chiến trên không gian mạng” để đạt được mục đích chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Thực trạng pháp luật về hoạt động giáo dục nâng cao nhận thực xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người

Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, nhận thức tầm quan trọng của công tác PBGDPL, ngày 09/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân”. Sự ra đời của Chỉ thị số 32-CT/TW đã đặt nền móng quan trọng để xây dựng, ban hành thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới theo chỉ đạo của Đảng ta. Chỉ thị đã khẳng định PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan Đảng, chính quyền, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đồng thời công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Ngày 20/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật PBGDPL. Đây là một dấu son quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, khẳng định cụ thể hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác này đối với sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, để Luật Phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai thi hành, 03 Nghị định của Chính phủ, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính – Tư pháp, 09 Thông tư và 02 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được ban hành. Đây là hành lang pháp lý vững chắc, có tính thống nhất, đồng bộ của công tác PBGDPL trong suốt thời gian qua và hiện nay.

Trong công tác phổ biến giáo dục bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người, trong công tác Đảng, Ban tuyên giáo trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương đã thông qua Kế hoạch công tác tuyên truyền góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trong thời gian tới ngày 16 tháng 6 năm 2018 có nội dung chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương chỉ đạo nhiệm vụ này xuống các cấp cơ sở với mục đích giáo dục tuyên truyền nhằm giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người. Trong công tác ban hành văn bản pháp luật, Luật an ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu thực kể từ ngày 01/01/2019, gồm 7 chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, kế hoạch triển khai phổ biến giáo dục Luật an ninh mạng được triển khai ở các sở, ban, ngành và quần chúng nhân dân được thực hiện thông qua Ủy ban nhân dân các tỉnh và Sở thông tin truyền thông, các đài phát thanh, các cơ quan thông tấn báo chí cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan có nhiệm vụ triển khai công tác giáo dục pháp luật liên quan đến Luật an ninh mạng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và địa phương cũng đã ứng dụng được mặt tích cực, tiến bộ của công nghệ thông tin cũng như mạng xã hội, cũng đã triển khai văn bản pháp luật liên quan đến nội dung này ban hành bằng hình thức trực tuyến đến các đối tượng trên địa bàn.

Tuy nhiên, một nhận định về các quy định của pháp luật liên quan đến  hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người còn chung chung, chưa đi sâu vào từng đối tượng, mới chỉ dừng lại ở những bước đầu tiên trong công tác tuyên truyền và hiệu quả cũng mới chỉ đạt được ở bước đầu. Trong công tác Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực này đã được tuyên truyền đến từng Đảng viên thông qua các buổi họp, sinh hoạt Đảng ở chi bộ. Tuy nhiên, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người của học sinh, sinh viên (gọi tắt là thanh thiếu niên), bảo vệ sự xâm phạm quyền riêng tư của nghệ sỹ, người nổi tiếng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên trong lực lượng vũ trang (nhóm đối tượng được xem là cần được giáo dục nhiều nhất trước tác động của mạng xã hội), tuy nhiên, về văn bản pháp luật, hiện tại Trung ương Đoàn mới đang xây dựng Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên trên không gian mạng, giai đoạn 2020 – 2030. Trong khi đó, các văn bản về giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người liên quan đến nhóm nghệ sỹ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm này gần vẫn còn nhiều khoảng trống nhất định.

Thực tiễn thực thi về hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người

Cơ sở pháp lý về hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người, các văn bản mới được Quốc hội thông qua trong giai đoạn gần đây. Vì thế, thực tiễn thực thi về hoạt động này mới ở trong giai đoạn khởi đầu, chưa có nhiều những bước tiến vượt bậc. Mặt khác, hoạt động này chỉ dừng lại ở chỗ, tuyên truyền thông qua việc tải các văn bản liên quan đến vấn đề này lên các cổng thông tin của các bộ, ban, ngành. Trong cơ quan Đảng, hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với lĩnh vực này thông qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được chuyển tới các chi bộ cơ sở tại các buổi sinh hoạt Đảng và được thực hiện khá tốt, khá thường xuyên thông qua chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; và một nội dung quan trọng được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Trong công tác nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cũng được tiếp cận những nội dung này thông qua các hội thảo, thực hiện nghiên cứu các đề tài. Đó cũng là một cách thức tuyên truyền nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này.Tuy nhiên, hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với lĩnh vực này chưa phổ biến, đông đảo ở nhiều đối tượng. Mặt khác, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú, chưa thực hiện một cách chuyên sâu, triệt để để phát huy tác dụng công tác tuyên truyền. Một điểm khác đó là, hiện nay, các bộ, ban, ngành và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ giáo dục nâng cao nhận thức xã hội trong lĩnh vực này chỉ quan tâm đến nội dung tuyên truyền và một số cách thức tuyên truyền. Tuy nhiên, hoạt động kỹ thuật ngăn chặn các luồng thông tin trái chiều, không chính thống còn rất nhiều hạn chế. Do đó, khi người dân tự tiếp cận các thông tin trên mạng để tự giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người sẽ khó phân định được đâu là nội dung tuyên truyền chính thống, đúng đắn.

Nâng cao hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người

Thứ nhất, xây dựng Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho người dân, trong đó, đặc biệt chú ý một số đối tượng dễ bị tổn thương, gồm: thanh thiếu niên, trẻ em, nghệ sỹ trên không gian mạng, giai đoạn 2020 – 2030 và các văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp về vấn đề này.

Hiện nay, việc xây dựng đề án này là rất cần thiết vì thực tế tồn tại khá nhiều bất cập trong định hướng hành vi đối với quần chúng nhân dân nói chung và một số đối tượng đặc thù nói riêng trên không gian mạng. Lấy ví dụ điển hình, có thể thấy thanh thiếu niên ngày nay được tiếp cận với nhiều loại thông tin từ nhiều nguồn thông tin, do đó, đội ngũ này cần được giáo dục trở thành người Ncó tri thức với sự trợ giúp của gia đình và nhà trường, trên cơ sở đó, xây dựng cho họ bộ lọc thông tin để loại bỏ những sự tiêu cực mà mạng xã hội mang lại. Thực tế từ những vụ việc không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, trong đó, gồm một số đối tượng đặc thù trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết với mục đích  xây dựng văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin nhằm nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người gắn với tính chính thống.

Đầu tiên, cần thiết phải xây dựng trang web, trang fanpage, trang facebook chính thống (hiện nay chỉ xây dựng phổ biến là trang web chính thống, trong khi, tỷ lệ lớn thanh thiếu niên có sử dụng trang facbook hay fanpage) đăng tải thông tin pháp luật, nội dung, phương thức giáo dục cho từng đối tượng như người dân, trí thức, Đảng viên, thanh thiếu niên, nghệ sỹ để giáo dục nâng cao nhận thức xã hội và những biện pháp nhằm tác động đến hành vi ứng xử tích cực nhằm bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người. Hay nói cách khác, cần thiết phải tận dụng tối đa mặt tích cực của không gian mạng để giáo dục nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người. Cách làm này đã được một số tỉnh thành áp dụng và đạt được một số thành tựu như Đà Nẵng mở trang Facebook “Cảnh sát giao thông Thành phố Đà Nẵng” để người dân và khách du lịch có thể tương tác, cung cấp thông tin, gửi kiến nghị, hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn;  Sở Tư pháp một số tỉnh đã xây dựng, duy trì Trang Facebook về pháp luật (An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Bạc Liêu…); Fanpage của Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam và 13 đơn vị cấp xã của thành phố đã được xây dựng, duy trì từ tháng 01/2018. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về PBGDPL trên mạng xã hội Facebook, trong đó một số Ủy ban nhân dân quận đã có Trang Fanpage đăng tải thông tin pháp luật mới, PBGDPL cho người dân; tổ chức hội thi pháp luật trực tuyến; trả lời vướng mắc của người dân[1]

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và quần chúng nhân dân, thanh thiếu niên, nghệ sỹ về nhiều tác động xấu từ không gian mạng và đưa ra những kỹ thuật, cách thức để phòng ngừa.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, vì sự lệch lạc trong nhận thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến ngộ nhận, sai lầm trong hành vi và làm cho an ninh, trật tự có thể chứa đựng mối nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, cần chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người nhận thức được tác động tiêu cực từ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không vô tình tiếp tay cho hoạt động chống phá, và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ những tác động tích cực và tiêu cực của internet và mạng xã hội; nâng cao khả năng nhận diện và “miễn dịch” với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội. Đồng thời, chủ động phát hiện, kịp thời tố giác với cơ quan chức năng các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam; xây dựng quy chuẩn và phong cách văn hóa khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; có ý thức cảnh giác, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia, Quân đội.

Thứ tư, thường xuyên kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về xây dựng pháp luật và tuyên truyền pháp luật.

Khâu xây dựng pháp luật là tiền đề của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Vì thế, để làm tốt công tác giáo dục pháp luật chống lợi dụng internet, mạng xã hội vi phạm quyền con người cần quan tâm bồi dưỡng lực lượng làm công tác này có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sắc bén, tinh nhuệ trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm quyền con người. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin và an ninh mạng để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ mới và hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng chuyên sâu, chuyên trách làm công tác phòng ngừa, đấu tranh.

 

[1] http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/pages/hoat-dong-pgbdpltw.aspx?ItemID=872

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *