Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18416

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý trong tình hình mới

Trong 20 năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý được Quốc hội thông qua ngày 09/12/2000 và sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (gọi  chung là Luật Phòng, chống ma túy) đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, pháp luật về phòng, chống ma tuý còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý, đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý trong tình hình mới.

Xã hội chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy

Tồn tại hạn chế

Trong giai đoạn từ năm 2009 – 2018, trên phạm vi cả nước có 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người vi phạm pháp luật, phạm tội chiếm tỷ lệ 15,36%, có 5.337 người gây bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,46%, có 27.655 người đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chiếm tỷ lệ 7,57%. Tội phạm ma túy có nhiều thay đổi về phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới; người sử dụng ma túy có nhiều thay đổi đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp đang gia tăng. Trong khi đó, hiện nay, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý không bị được coi là tội phạm và không bị xử lý bằng pháp luật hình sự mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Chưa có quy định pháp luật về quản lý số đối tượng này, dẫn đến nhiều trường hợp người sử dụng ma tuý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, có hai biện pháp cai nghiện bao gồm: cai nghiện tự nguyện (tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện) và cai nghiện bắt buộc (tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng). Tuy nhiên, nguồn lực cần cho công tác cai nghiện là rất lớn, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Theo ước tính, ngân sách nhà nước dành cho công tác cai nghiện bắt buộc là khoảng 550 tỷ đồng/năm, cho cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng khoảng gần 390 tỷ đồng/năm; chi phí đầu tư, nâng cấp các cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 1.100 tỷ đồng, trong khi việc thiếu hỗ trợ về kinh phí, chính sách đã không khuyến khích được người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện và thu hút nguồn lực xã hội hoá công tác cai nghiện từ các nhà đầu tư tư nhân. Tính đến nay cả nước có 23 cơ sở cai nghiện tự nguyện được cấp phép do tổ chức, cá nhân thành lập, trong đó 07 cơ sở đã ngừng hoạt động trên thực tế, bình quân hàng năm tiếp nhận khoảng 4.000 lượt người điều trị nghiện ma tuý.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma tuý đã được dần hoàn thiện với việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới nhiều văn bản luật liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015… Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma tuý có nhiều quy định chưa thống nhất, đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với Hiến pháp 2013, các bộ luật và luật mới ban hành, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma tuý trên thực tế.

Trong đó, một số quy định của Luật Phòng, chống ma tuý chưa thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý của các lực lượng khác nhau, nhất là Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng; chưa có quy định về xử lý tang vật trong các vụ xử lý hành chính về ma tuý, quy định về các loại hình ma tuý mới được thâm nhập và sử dụng tại Việt Nam, gây khó khăn, lúng túng trong, thậm chí dẫn đến cách vận dụng và xử lý khác nhau giữa các cơ quan chức năng và các địa phương.

Luật Phòng, chống ma tuý quy định nhóm đối tượng điều chỉnh bao gồm “cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài nên việc áp dụng các biện pháp xử lý người nước ngoài sử dụng trái phép chất ma tuý còn lúng túng, dẫn đến tình trạng người nước ngoài nghiện ma tuý nhưng không bị xử lý, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma tuý

Nhằm giải quyết những bất cập còn tồn tại, ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg xác định “tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma tuý theo hướng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc.”

Tiếp đó, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống ma tuý, trong đó xác định nhiệm vụ “tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống ma tuý ở Việt Nam, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, làm giảm số lượng người nghiện ma tuý mới, quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình hình phức tạp, tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, việc kiện toàn hệ thống pháp luật về phòng, chống ma tuý cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật có liên quan, bổ sung các nội dung nhằm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá công tác cai nghiện tự nguyên và nâng cao hiệu quả cai nghiện bắt buộc.

Hiện nay, Bộ Công an đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật phòng, chống ma túy vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV. Đây là bước đi quan trọng mà theo đánh giá của ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, “vấn đề hoàn thiện thể chế phòng chống ma túy rất quan trọng, khi hoàn thiện rồi thì mới có nguồn lực cho các giải pháp giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại là 3 trụ cột chính trong phòng, chống ma túy”.

Đăng Minh

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *