Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27353

Hòa bình là gốc của nhạc

Người xưa mỗi khi chơi đàn đều coi đó là một nghi lễ. Gặp đám tang không dùng đàn, lòng nhiễu loạn không dùng đàn, người bận rộn không dùng đàn, không sạch sẽ không dùng đàn, quần áo không tề chỉnh cũng không dùng đàn. Trước khi chơi đàn còn phải đốt một lư trầm khiến hương thơm bao phủ, khiến người và đàn dường như bước sang một cảnh giới khác.

Người xưa chơi đàn theo tôi có ba lẽ: thứ nhất là thể hiện kỹ thuật, tài năng (cái này phù hợp nhất với người nữ); thứ hai là thể hiện, gửi gắm nỗi lòng – tâm sự hoặc ý chí – hoài bão qua tiếng đàn (những tiếng đàn này nhiều khi không cần thính giả, người nghệ sĩ có thể chơi đàn một mình ở nơi hoang vắng); thứ ba là chơi đàn để kiếm tìm tri âm tri kỷ. Nói đến tiếng đàn tìm tri âm tri kỷ phải nhắc trước tiên đến chuyện Bá Nha – Tử Kỳ. Cây đàn Bá Nha sử dụng là cây Cổ cầm (còn gọi là Dao cầm). Việc làm ra Dao Cầm, theo truyền thuyết của người Trung Hoa ghi lại, đáng gọi là kỳ công. Gỗ của Dao cầm nhất định phải làm từ đoạn giữa của cây ngô đồng, bởi đoạn trên tiếng trong mà nhẹ, đoạn dưới tiếng đục mà nặng, duy có đoạn giữa đầy đủ và phân minh các âm sắc vừa trong vừa đục mới đem ra dùng được. Vua Phục Hy đem khúc ngô đồng ấy ngâm trong nước 72 ngày đêm rồi giao cho người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ mà làm ra cây Dao cầm. Truyện cũ kể rằng, khi Bá Nha chơi bản Khổng Tử khóc Nhan Hồi réo rắt nơi cửa sông Hán Dương thì bỗng bản nhạc chưa hết mà dây đàn đứt, hóa ra là vì có người nghe đàn mà không lộ mặt. Để thử tài nhau, Bá Nha chơi liền hai khúc nữa. Khúc thứ nhất cao siêu khoáng đạt vừa dứt, Tử Kỳ đã nói ngay: Nga nga hề chí tại sơn (Ý người vời vợi nơi non cao). Khúc thứ hai mênh mang dào dạt vừa ngừng, Tử Kỳ lại nói ngay: Dương dương hề chí tại lưu thủy (Ý người cuồn cuộn dòng nước chảy). Hai người từ đó kết thành tri âm tri kỷ. Đến mùa Thu năm sau, Bá Nha quay lại thăm thì Tử Kỳ đã qua đời. Trước mộ tri âm, Bá Nha chơi khúc đàn “Thiên thu trường hận” khiến gió rừng rít mạnh, mây đen kéo tới u ám bầu trời, chim chóc dường cũng cất tiếng ai oán. Khúc nhạc dứt, cây đàn bị đập mạnh vào tảng đá nát tung từng mảnh, trụ ngọc phím vàng rơi lả tả. Có bốn câu thơ để lại làm chứng rằng: Đập nát đàn Dao đuôi phượng lạnh/ Tử Kỳ đã mất gảy ai nghe/ Gió xuân đầy mặt đều bè bạn/ Song kiếm tri âm khó vạn bề.

Một tiếng đàn dị thường khác trong sử sách của người Trung Hoa là tiếng đàn của Sư Khoáng được miêu tả trong hồi 68 Đông Chu liệt quốc. Trước sự yêu cầu của vua Tấn Bình Công, Sư Khoáng dù không muốn nhưng cũng buộc lòng phải gảy hai khúc Thanh Chủy và Thanh Dốc. Khúc Thanh Chủy vừa ngân lên thì có một đàn chim hạc từ phương Nam bay đến, tám đôi đậu liền kề trước cung môn. Nhạc tiếp tục thì chim hạc bay xuống mà sắp hàng ở dưới thềm. Nhạc tiếp nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo điệu cung thương thấu đến tận trời. Thế nhưng khúc Thanh Chủy đã lạ kỳ mà khúc Thanh Dốc mới khiến người ta phải kinh hãi khiếp sợ. Và vì cố xin nghe khúc Thanh Dốc mà Tấn Bình Công đã phải đổi lấy chính tính mạng của mình. Sách viết: “Mới gảy một khúc, có đám mây đen ở phương Tây hiện lên; gảy một khúc nữa thì bỗng nổi một cơn dông, bao nhiêu ngói ở trên nóc điện bay tung lên và cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời rồi mưa to như trút nước. Dưới đài ngập mấy thước, trong đài chỗ nào cũng ướt cả. Tấn Bình Công sợ hãi, cùng với Vệ Linh Công nằm phục vào một nơi…”. Một tháng sau, Tấn Bình Công ốm nặng rồi chết, âu cũng bởi đức chưa kịp với nhạc vậy. Thế mới biết, cả người chơi nhạc và người nghe nhạc phải luôn đặt chữ Đức lên hàng đầu.

Ở nước ta, Nguyễn Trãi cũng từng có lời khuyên chí tình khi vua Lê Thái Tổ ban Chiếu làm nhạc: “Kể ra, thời loạn dụng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ rủ lòng thương yêu muôn dân, khiến cho khắp nơi làng mạc, từ thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu, đó mới là cái gốc của nhạc vậy”.

Đỗ Anh Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *