Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21793

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

    Ở nhiều quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi, phụ nữ không có quyền nộp đơn xin li dị, mà quyền ấy thuộc về đàn ông. Ngay cả khi bị chồng ngược đãi, hành hạ thân thể, thì nhân chứng hay giấy chứng thương của bác sĩ cũng chỉ xếp trong ngăn bàn của vị quan Tòa. Hiện nay tại một số nơi, người vợ có thể đâm đơn li dị, nhưng để thoát được người chồng cũ, họ phải từ bỏ các quyền tài chính và nhiều quyền lợi khác, không khác gì việc phải bỏ một khoản tiền lớn để thoát cảnh sống chung nhà mà không có tình yêu.

                 “Ngày hạnh phúc” là ngày có thể mất mạng vì hủ tục

Trung Đông – Bắc Phi là vùng rộng lớn đầy nắng nóng, khô cằn, là nơi nước ngọt hiếm hơn dầu mỏ, kéo dài từ phần chóp của Tây Nam Á, từ Iran, quét hết Vùng Vịnh với Kuweit, Qatar, Bahrain sang Bán đảo Arab (Oman, Yemen, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến Saudi Arabia, chạy sang Iraq và một số nước ở bờ Đông Địa Trung Hải (Libăng, Jordan, Syria, Israel, Palestine,…) đến các nước ở Bắc Phi, kéo dài từ Ai Cập đến tận Maroc, là điểm cuối cùng của Địa Trung Hải tiếp giáp với Đại Tây Dương. Vùng đất rộng lớn, vựa dầu mỏ của thế giới ấy là điểm nóng xung đột kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua và cũng là vùng đất mang trong mình nhiều hủ tục đè nén lên thân phận người phụ nữ.

Phụ nữ Hồi giáo mang mạng che mặt

          Hầu hết các quốc gia ở khu vực này đều lấy đạo Hồi là quốc đạo, nhất là tại 22 nước Arab và Iran (không phải là nước Arab) có tới 90-98% dân số theo đạo Hồi. Thánh Allah là Đấng tối cao!”, hay “Nhân danh Thánh Allah!” là những câu cửa miệng của mọi người, được viết trang trọng trên đầu mỗi văn bản Nhà nước hay đơn từ của người dân, hoặc được viết dưới dạng thư pháp rất đa dạng, đẹp mắt ở những nơi công cộng, trên xe hơi… Điều này thể hiện rằng, người Hồi giáo ở khu vực này cũng như ở khắp nơi trên thế giới luôn có niềm tin tuyệt đối vào các giáo lý của đạo Hồi, trung thành, sùng bái tuyệt đối với Thánh Allah, Nhà Tiên tri Mohammed, cũng như các Giáo chủ cai quản các nhà thờ, nơi hành lễ… Điều này giải thích vì sao người dân vùng này thường thụ động, chấp nhận tất cả, không có ý chí phấn đấu vươn lên. Bởi với họ, giàu – nghèo, sang – hèn, bình yên hay bạo lực…, tất cả đều phụ thuộc vào “ý của Thánh”.

                 Với các bé gái ở xứ này, ngày “hạnh phúc” nhất trong cuộc đời không phải là ngày lên xe hoa, mà là ngày được cắt phần nhạy cảm nhất trong bộ phận sinh dục, cho dù nhiều trường hợp đã bị mất mạng do nhiễm trùng nặng từ hủ tục này. Và cũng vì thế, các cô gái ở vùng này sau khi được bố mẹ sắp đặt việc lấy chồng sẽ chỉ được cấp “chứng chỉ” ở lại nhà chồng ngay trong buổi lên xe hoa, sau khi chú rể kiểm tra người vợ đã trải qua hủ tục kia chưa và có còn trinh tiết hay không?. Nếu không qua được vòng kiểm tra, ngay lập tức bên nhà gái phải đưa cô dâu về trong nỗi ê chề, tủi nhục và sự dè bỉu của dân làng. Và nếu may mắn không bị bố mẹ và dòng họ đào hố chôn sống ngay sau “lễ cưới”, “cô dâu một ngày” ấy sẽ phải ở vậy suốt đời vì theo quan niệm của tín đồ đạo Hồi, đó là tội lớn nhất trước “bề trên”.

Việc cắt âm đạo ở các nước châu Phi thường được thực hiện bằng lưỡi dao lam

          Cách đây chưa lâu, phụ nữ Saudi Arabia và một số vùng riêng biệt của không ít quốc gia thuộc khu vực này không cho phép phụ nữ lái xe, thậm chí còn không được đi xe đạp, và đàn ông không được phép chở hay xách đồ giúp những phụ nữ không quen biết. Và đương nhiên, phụ nữ ở đây không được tới bể bơi công cộng, nếu tắm biển, dứt khoát phải đi cùng ít nhất một nam giới trong nhà và phải mặc kín mít từ đầu đến chân. Họ càng không được ngồi trên các khán đài xem những nam cầu thủ thi đấu các môn thể thao mà quần áo không “kín đáo”. 

          Về trang phục phụ nữ ở Trung Đông – Bắc Phi, theo giáo lý cổ điển của đạo Hồi, phụ nữ cần phải ăn mặc khiêm nhường, giản dị, kín đáo, nên tất cả phụ nữ, từ trẻ em đến người già, khi ra đường, thậm chí đứng trên ban công nhà mình cũng phải mặc “burqa” là áo choàng phủ kín từ đầu đến chân cùng với mạng che kín đầu tóc, mắt mũi. Hiện nay, cách ăn mặc như vậy đã thay đổi, phụ nữ được chọn “niqab”, chỉ che kín phần đầu tóc, mặt mũi. Tại các công sở hay những điểm giao dịch, dịch vụ ở vùng Trung Đông – Bắc Phi luôn có những chiếc bàn đặt những tấm khăn che mặt dành cho du khách nữ và họ chỉ được phục vụ khi đã trùm khăn. 

                 Luật pháp mặc định nằm trong tay đàn ông

                Tất cả phụ nữ ở vùng này đều phải chịu sự giám sát, bảo hộ của ít nhất một người đàn ông trong nhà hay trong dòng tộc, nhất cử, nhất động của họ đều bị theo dõi. Chính vì vậy, tại một số nước như Ai Cập và Bahrain, người chồng hay bố đẻ, anh em trai có quyền nộp đơn, yêu cầu giới chức an ninh sân bay, bến cảng cấm người phụ nữ được xuất cảnh đi du lịch nước ngoài với bất cứ ai, kể cả các bạn cùng giới. Tương tự, tại một loạt nước khác như: Iraq, Libya, Jordan, Morocco, Oman và Yemen, phụ nữ đã kết hôn phải có sự cho phép bằng giấy của chồng mới được đi du lịch nước ngoài, cho dù đã có đàn ông như bố đẻ, anh hay em trai giám hộ. Nói thế để thấy rằng quyền được đi du lịch cũng là một thứ vô cùng xa xỉ đối với phụ nữ ở Trung Đông – Bắc Phi, nhất là những người đã có chồng.

         Thực tế lịch sử phát triển của khu vực này cho thấy sự bất bình đẳng giới dai dẳng đã làm suy yếu sự phát triển của phụ nữ, sự bình đẳng tham gia xã hội và đặt phụ nữ vào nguy cơ cao trước bạo lực gia đình. Nhiều quốc gia ở đây có những điều luật riêng, coi phụ nữ, bất kể già hay trẻ, như là trẻ vị thành niên, luôn chịu sự giám hộ vĩnh viễn của các thành viên là nam giới trong gia đình hay dòng tộc. Và đương nhiên, họ không có quyền gì trong mọi quyết định về đời sống, lao động sản xuất, học hành của con cái, hay xây dựng, phát triển của gia đình, bởi tất cả những điều này được luật pháp mặc định nằm trong tay đàn ông.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

              Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang có những biến đổi nhanh như vũ bão ở tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và cả tôn giáo, kéo theo những thay đổi đáng kể trong lối sống, tập tục của nhiều cộng đồng dân cư, sắc tộc và tôn giáo, trong đó có những dân tộc, sắc tộc, bộ tộc và dòng tôn giáo đang sinh sống ở vùng Trung Đông – Bắc Phi.

Phụ nữ Saudi Arabia học lái xe

              Trung Đông và Bắc Phi vốn được xem là có nhiều rào rản, nhất là vấn đề văn hóa đối với việc thực hiện các quyền phụ nữ, bảo đảm cho họ sự phát triển bình đẳng với nam giới. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều quốc gia ở khu vực này đã có những thay đổi trong đề cao quyền của phụ nữ. Tháng 6/2018, Ả-rập Xê-út chính thức gỡ lệnh cấm phụ nữ lái xe sau hơn một thập kỷ. Ả-rập Xê-út là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép phụ nữ lái xe. Cả luật Hồi giáo và luật giao thông Ả-rập Xê-út đều không đề cập cụ thể về việc phụ nữ nước này không được phép lái xe, nhưng trên thực tế, họ không được cấp bằng lái và nếu cố tình điều khiển phương tiện sẽ bị bắt giữ. Việc bỏ lệnh cấm này được coi là  “một bước tiến vĩ đại mang đến tự do cho phụ nữ”.

Ả-rập Xê-út đã thay đổi luật cho phụ nữ tự do đi lại và tiếp cận tài chính, Bahrain đưa ra luật chống phân biệt đối xử nơi công sở, còn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, 70% sinh viên tốt nghiệp đại học là phụ nữ và đi làm năm 2019, số phụ nữ tốt nghiệp ngành kỹ thuật là 50%. Tại Dubai, phụ nữ chiếm tỷ 50% trong Quốc hội hiện nay. Hiện mới chỉ có 10% thu nhập tại Trung Đông đến từ nữ giới nhưng kỳ vọng vào sự thay đổi đang ngày càng lớn dần lên tại nơi đây. Theo một ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới, nếu phụ nữ khu vực vùng Vịnh phát huy được đầy đủ tiềm năng, họ có thể đóng góp thêm 600 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế. Cho dù những thay đổi tích cực ấy mới chỉ là bước đầu và còn khá nhỏ nhoi, nhỏ lẻ,  nhưng như cổ nhân từng nói: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân!”. 

                          Thế giới văn minh, nhất là những người trong cuộc cùng chờ và hi vọng!

       PHẠM PHÚ PHÚC*

Nguyên đại diện phân xã Việt Nam tại Trung Đông

        

 T

* N

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *