Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30319

Hành trình tuần tra của nữ quân nhân Việt Nam tại Nam Sudan Kỳ 1: Khó khăn rồi cũng sẽ qua

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh (SN 1972) là nữ quan sát viên quân sự thứ 2 của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên Hơp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS). Sang quốc gia châu Phi này từ tháng 9, chỉ trong vòng 4 tháng, Trung tá Vũ Thị Kim Oanh đã được thực hiện hàng loạt chuyến tuần tra ngắn ngày hoặc dài ngày dọc biên giới. Với chị, mỗi chuyến đi đều mang lại những điều thú vị. Chị đã ghi lại nhật ký hành trình của mình về chuyến tuần tra 2 ngày cuối năm từ Yei đến LujuloUdabi.

Khởi hành

Theo quy định, tất cả các quan sát viên quân sự (QSVQS) đang công tác tại Phòng QSVQS phân khu Juba (Trung tâm Xích Đạo), thủ đô của Nam Sudan nhiệm kỳ 12 tháng đều được triển khai tới Yei trong khoảng thời gian là 6 tuần. Yei là một tỉnh biên giới nằm ở phía Tây Nam của Nam Sudan, cách thủ đô Juba chừng 200 km, có biên giới với nước CH Congo và Uganda. Thời tiết và khí hậu ở đây so với thủ đô Juba là khá lý tưởng. Nhiệt độ ban ngày thường từ 33-37 độ, ban đêm chỉ từ 22 độ trở xuống, dân cư thưa nên không khí khá trong lành, ít bụi. Tuy nhiên, do địa hình khu vực biên giới nên gần như tất cả các tuyến đường đều xấu và rất khó di chuyển, đặc biệt với các đội tuần tra (chỉ có thể đi được vào mùa khô, còn mùa mưa sẽ là một thách thức không nhỏ và nhiều chuyến tuần tra thường bị hủy bỏ do điều kiện đường sá không cho phép).

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chuẩn bị lên máy bay trực thăng, chuyển quân tới Yei

Sau gần 2 tháng tới quốc gia châu Phi này, đến luân phiên tôi thực hiện nhiệm vụ tại Yei. Quãng đường từ thủ đô Juba tới Yei chỉ khoảng gần 200km nhưng nếu đi bằng đường bộ sẽ mấy từ 2 đến 3 ngày vì đường rất xấu, không may gặp mưa thì chỉ có dừng giữa đường vì thế trực thăng là phương tiện chủ yếu của tuyến này. Cùng đi hôm đó với tôi là Đại tá Nick Bolton người Australia-Trưởng phòng QSVQS phân khu Juba và Đại úy Diana người Đức. Chúng tôi ra sân bay từ 8h sáng để làm các thủ tục. Cảm giác lần đầu tiên đi máy bay trực thăng cũng thật thú vị. Vali, hàng kiện của hành khách được trùm bằng tấm lưới chắc chắn ở giữa máy bay, cao tầm ngang mặt người ngồi, đủ để hai bên có thể nhìn thấy nhau, hai bên là hai hàng ghế áp lưng vào thành máy bay đủ cho mỗi bên 10 người và một nhân viên điều hành. Sau khi ổn định chỗ ngồi, nhân viên điều hành có màn chào đón hành khách và phát cho mỗi người một tai nghe chống ồn. Tuy nhiên, với tôi là lần đầu nên không cần dùng đến vì muốn cảm nhận sự khác biệt của máy bay trực thăng. Và chỉ sau 45 phút, chiếc trực thăng đã an toàn đáp xuống sân bay Yei, hoàn thành một chuyến đổi quân luân phiên. Tôi xuống máy bay, chào tạm biệt Trưởng phòng và cô đồng nghiệp người Đức, chuyển tư trang cá nhân sang xe chống đạn và bắt đầu chuyến tuần tra dài ngày cùng một đồng nghiệp người Guinea là Đại úy Sekou.

Khó khăn rồi cũng sẽ qua

3 tuần sau khi tới Yei, tôi được tham gia một chuyến tuần tra dài 2 ngày. Đoàn tôi đi có 10 xe gồm 1 lực lượng bảo vệ 50 quân nhân, hai QSVQS và một trợ lý ngôn ngữ. Quan sát viên quân sự đi cùng tôi hôm đó là Thiếu tá Oliver Lynn người New Zealand. Tất cả mọi người trong đoàn đều phải chuẩn bị hàng loạt trang thiết bị cần thiết như: giấy thông hành qua các chốt kiểm soát (SOI), xe bọc thép, áo giáp, mũ sắt, máy bộ đàm, điện thoại vệ tinh, giường, túi ngủ… và các vật dụng cá nhân khác. Đặc biệt, trước khi đi, việc không kém phần quan trọng là nghiên cứu tài liệu (dựa vào các báo cáo sau tuần tra-APR) về tuyến đường và các vị trí sẽ tiến hành tuần tra. Thật không may, tuyến đi ngày hôm đó là Yei-Lujulo-Udabi lại chưa có đội nào đi trước nên không có APR. Tôi đã chủ động tìm và đi hỏi thông tin về các điểm đến nhưng tất cả đều chưa có khái niệm về nơi này, thậm chí cả lực lượng bảo vệ. Điều này thực sự đã làm tôi lo lắng. Lo vì không biết điều kiện đường đi như thế nào, an ninh an toàn có đảm bảo không, liệu có bị mai phục bởi các nhóm phiến quân hay không… Thiếu tá Oliver Lynn thì lại cho rằng tuần tra tới các vùng, khu vực mới sẽ có nhiều thông tin mới, bổ ích và lý thú cho chuyến đi.

Việc tuần tra trên những tuyến đường xấu là chuyện cơm bữa ở Nam Sudan. Lần này, đoàn của tôi xuất phát từ Yei, phải đi mất 5 tiếng (từ 10h30 đến 15h30) mới tới thị trấn Mugwo. Ra khỏi xe trông mặt ai cũng phờ phạc vì quãng đường đi rất xấu, có những chỗ bánh xe còn không chạm xuống mặt đường, chỉ có thể tự nhắc nhở nhau là cẩn trọng và bình tĩnh. Tối đó, đoàn phải dựng trại qua đêm tại một trạm radio cũ của thị trấn. Hai QSVQS chúng tôi được trang bị túi ngủ tự mang. Chuyện ngủ như thế coi như tạm ổn nhưng khoản vệ sinh cá nhân mới thật sự khó. Cả đoàn chỉ có một cái bồn nước đem theo, vì thế chỉ đủ để nấu ăn và đánh răng, rửa mặt. Mỗi người một vỏ chai lavie 1,5 lít đem đến lấy nước để dùng. Khi không nhìn được mặt người nữa, đội hộ tống bắt đầu cho chạy máy phát điện, cũng chỉ được một vài bóng điện chính để lấy ánh sáng, còn lại ai cũng có một đèn pin đem theo. Trời tối đen như mực. Điều tệ hại nhất với tôi là cả đoàn 55 người, mỗi mình là nữ, thực sự trăm bề bất tiện, nhưng rồi cũng qua.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *