Ngày 22/8/2024 vừa qua, Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga – một công dân Pháp gốc Việt, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin – chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đòi các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đối với hàng triệu nạn nhân Việt Nam với lý do Tòa không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác. Như vậy, kết quả phiên tòa phúc thẩm này cũng giống kết quả phiên tòa do Tòa án Évry ở ngoại ô Paris xét xử vào năm 2021 khi cho rằng: các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng “quyền miễn trừ,” do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ.
Trước đó, ngày 10/3/2005, Tòa án liên bang tại quận Brooklyn, Mỹ xét xử đơn kiện của nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đòi 37 công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này với lý do những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật; chất độc da cam đã không được xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Mỹ dùng nó; Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền…Tới ngày 22/2/2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam, và giữ y án sơ thẩm. Ngày 2/3/2009 Tòa án Tối cao Mỹ tiếp tục bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn.
Bình luận về hiện thực tàn khốc này, blogger An Bình cho rằng, sự thống nhất trong phán quyết của 3 cấp tòa tại Mỹ, và mới đây, tại Pháp, hoàn toàn không có nghĩa rằng, kết quả các phiên tòa trên là khách quan, thuyết phục. Ngược lại, nhiều người cho rằng, đó là sự bất công, sự nhạo báng đối với công lý. Dư luận quốc tế đã dấy lên các làn sóng bất bình. Tại Mỹ, ngày 18/3/2008, Đoàn Luật sư Hoa Kỳ và Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân Việt Nam theo đuổi các vụ kiện tiếp theo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ… Ngày 18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan góp thêm một tiếng nói đúng đắn, khi công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trước đó, từ cuối những năm 1970, các cựu binh Mỹ ở Việt Nam đã chính thức khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Tới năm 1984, các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Dow Chemical, Monsanto, và một số công ty khác, đã chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng chất độc này. Việc chấp nhận đó có nghĩa rằng, sau quá trình quanh co né tránh, các công ty hóa chất Mỹ đã buộc phải thừa nhận trách nhiệm với các nạn nhân da cam/dioxin Mỹ.Tới ngày 9/6/2003, thêm một sự kiện: Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép các cựu binh Mỹ bị phát hiện nhiễm các căn bệnh có liên quan đến chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN có thể khởi kiện các nhà sản xuất chất độc da cam. Như vậy, việc bồi thường cũng như quyền được kiện chỉ thực hiện với các nạn nhân cựu binh Mỹ. Còn với các nạn nhân Việt Nam, các tòa án Mỹ, Pháp và các công ty hóa chất Mỹ vẫn chối bỏ trách nhiệm liên quan việc sản xuất và cung cấp tới 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg điôxin cho Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, đã gây nên một thảm hoạ da cam chưa từng có trong lịch sử loài người với các con số thiệt hại ghê rợn và khủng khiếp: 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề; khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hoá học; khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3; hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với cái chết; hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Nhiều người đã và đang kêu lên thảm thiết rằng: “Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ…”
Như vậy, chỉ cần nhìn vào cách ứng xử, người có lương tri và cảm xúc đều nhận thấy: những nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã và đang bị đối xử một cách bất công. Và dư luận có quyền đặt câu hỏi: phải chẳng, các tòa án ở Mỹ và Pháp cũng như các công ty hóa chất Mỹ coi tính mạng người các cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng chất da cam/dioxin cao hơn tính mạng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam?
Nếu điều đó là thực, thì các tòa án Mỹ, Pháp sẽ trả lời thế nào khi dư luận chỉ cho họ thấy nội dung ghi phần đầu bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (năm 1776): “mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”?
Liên quan quan điểm của các tòa án Mỹ, Pháp, cho rằng “những công ty sản xuất chất không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền” khiến nhiều người nhớ lại phiên tòa xét xử Adolf Eichmann tại tòa án Jerusalem năm 1961. Với nhân loại, Eichmann là một cái tên ghê sợ – kẻ đã giết hàng triệu người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2. Vậy mà tại tòa, Eichmann chối tội bằng luận điệu “tôi chỉ nghe theo và tuân lệnh cấp trên; chưa bao giờ tôi có làm điều gì mà không do lệnh từ cấp trên (Hitler hay Himmler) bảo tôi làm”.
Dĩ nhiên, không ai ủng hộ quan điểm Eichamnn gây tội ác chỉ vì nghe mệnh lệnh. Và tất nhiên, lời tự bào chữa vụng về đã không thể giúp tên đao phủ Eichamnn thoát khỏi một bản án nghiêm khắc nhất ngay sau đó.
Những luật sư của các tòa án của nước Mỹ, nước Pháp từng thụ lý vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam: Lý trị các vị có vấn đề chăng, nên đã quên mất lời chối tội của tên đao phủ Eichamnn? Hay các vị là những người không còn cảm xúc?
Dòng chia sẻ của blogger An Bình cho chúng ta thấy, công lý cũng mang “tiêu chuẩn kép” và xa vời vợi!