Đầu năm nay, Hàn Quốc được xem như một hình mẫu về ứng phó đại dịch Covid-19. Phương pháp xét nghiệm diện rộng cùng với truy vết và cách ly đã giúp Hàn Quốc ngăn chặn làn sóng Covid-19 mặc dù ở rất gần Trung Quốc – nơi khởi phát đại dịch và cũng không cần phong tỏa.Tuy nhiên, 8 tháng sau, những thành tựu ban đầu đó đã biến mất, Hàn Quốc hiện giờ đứng trước nguy cơ đại dịch Covid-19 lây lan không thể kiểm soát do các cụm dịch liên tiếp xuất hiện và các biện pháp ứng phó trước kia không còn phát huy hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ca ngợi nỗ lực của Hàn Quốc và chính phủ nước này cũng nhanh chóng thúc đẩy chiến dịch “ngoại giao Covid-19” – hỗ trợ các nước đối phó đại dịch và công bố chi tiết các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch theo kiểu Hàn Quốc.
Tuy nhiên, 8 tháng sau, những thành tựu ban đầu đó đã biến mất, Hàn Quốc hiện giờ đứng trước nguy cơ đại dịch Covid-19 lây lan không thể kiểm soát do các cụm dịch liên tiếp xuất hiện và các biện pháp ứng phó trước kia không còn phát huy hiệu quả.
Hôm 13/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ghi nhận kỷ lục 1.030 ca mắc mới trong ngày. Giới chức y tế cảnh báo, với tốc độ lây lan hiện tại, số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc có thể lên 1.200 ca/ngày. Người dân ở khu vực đại đô thị Seoul đang phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trong khi giới chức năng nỗ lực xác định nguồn lây khiến số ca Covid-19 ở Seoul và các khu vực lân cận tăng đột biến.
Park Young-joo, cụ bà 78 tuổi ở tỉnh Gyeonggi gần Seoul, chia sẻ bà cảm thấy rất lo. “Tôi cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể nhưng tôi sống cùng với gia đình cháu trai, nên tôi lo sợ rằng tôi vẫn có thể bị lây bệnh. Tất cả mọi người trong gia đình đều lo sợ tôi nghĩ là bởi tôi cao tuổi rồi và nguy cơ mắc bệnh cao hơn”, bà nói.
Theo số liệu của KDCA, đến nay Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 44.000 ca mắc Covid-19, trong đó chỉ 600 trường hợp tử vong. Con số này quá nhỏ so với hơn 56.000 tử vong vì Covid-19 ở Anh – quốc gia có dân số tương đương Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cảnh báo, thất bại trong việc ngăn đại dịch tái bùng phát có thể buộc họ phải nâng các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch lên mức 3, mức cao nhất. Biện pháp này sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á bị phong tỏa lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Giới chức Seoul đã yêu cầu các trường học trong khu vực đóng cửa từ ngày 15/12 và tăng quy mô xét nghiệm lên 22.000 người/ngày so với mức 16.000 người/ngày hồi tháng 9. Các tiệc tất niên cũng bị cấm.
Cảnh báo mức 3 vẫn cho phép các lao động thiết yếu làm việc, nhưng cấm các hoạt động tập trung hơn 10 người, các phương tiện giao thông công cộng chỉ phục vụ tối đa 50% sức chứa.
Sau gần một năm tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân Hàn Quốc bắt đầu có tâm lý chủ quan, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cảnh báo hôm 15/12.
“Trong khi hầu hết người dân không quản những bất tiện và tuân thủ nghiêm ngặt quy định, một số người lại đang khiến vi rút lây lan chóng mặt do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của mình”, ông Chung phát biểu tại một cuộc họp chính phủ hôm qua. Ông nhấn mạnh, các biện pháp hạn chế mức 3 chỉ là phương án cuối cùng bởi nó có thể gây ra tổn thương không thể hồi phục cho nền kinh tế nước nhà.
Giới chức Hàn Quốc phát hiện nhiều trường hợp vi phạm giãn cách xã hội như tại các nhà thờ hay các cơ sở kinh doanh giải trí ban đêm. Ngoài ra, các buổi tụ họp gia đình, bạn bè cũng là nguyên nhân của hơn 20% ổ dịch mới phát hiện ở Hàn Quốc gần đây.
Một số chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay là do chính phủ Hàn Quốc quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm.
“Chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách từ tháng 10 và hiện giờ họ lại phải tăng cường các biện pháp ứng phó khi đại dịch bùng phát mạnh hơn”, Eom Joong-sik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gachon, nhận định. Ông cho rằng, nới lỏng biện pháp phòng dịch quá sớm khiến Covid-19 lây lan trở lại trong các cộng đồng và làm dấy lên nguy cơ dịch còn lan rộng hơn nữa. Ông Eom cảnh báo, khu vực đại đô thị Seoul có thể nhanh chóng không còn đủ giường cho bệnh nhân.