Việc hạn chế quyền được quy định rõ trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 việc hạn chế một số quyền con người là hoàn toàn phù hợp, nhằm bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho cộng đồng.
Theo pháp luật quốc tế về quyền con người (QCN), thực hiện QCN là nghĩa vụ quan trọng của mỗi quốc gia, nghĩa vụ này phải được thực hiện liên tục và lâu dài. Khi các quốc gia tham gia các điều ước quốc tế, thì phải thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các QCN. Công ước Viên và Chương trình hành động 1993 đã nêu rõ: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các QCN trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, với cùng một nền tảng và coi trọng như nhau.”
Mặc dù vậy, pháp luật quốc tế về QCN cũng có quy định trường hợp đặc biệt có thể áp dụng biện pháp “hạn chế thực hiện QCN” (hoặc còn có thể dịch là “tạm đình chỉ thực hiện QCN”) trong những bối cảnh khẩn cấp đe dọa sự sống còn của đất nước, nêu trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị 1966 (ICCPR) tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 4. Theo đó, để tránh sự lạm dụng việc hạn chế QCN trong tình trạng khẩn cấp đe doạ sự sống còn của quốc gia, Công ước ICCPR nêu rõ những biện pháp thực hiện hạn chế quyền không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội đối với các quyền như trong tình huống khẩn cấp. ICCPR cũng yêu cầu các quốc gia không được hạn chế việc thực hiện các quyền quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 11, Điều 15, Điều 16, Điều 18; đồng thờikhi áp dụng các biện pháp này, phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác của ICCPR thông qua Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.
Sự truyền nhiễm của COVID-19 từ người sang người một cách nhanh chóng. Tính đến 7h ngày 02/5/2020, trên thế giới có 3.398.072 người nhiễm bệnh, 239.399 người tử vong. Hiện vẫn không có vaccin và thuốc chữa đặc hiệu đã đặt ra thách thức trong việc bảo đảm QCN cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh dịch COVID-19đang diễn biến hết sức phức tạp, chính phủ nhiều quốc gia bên cạnh các biện pháp phòng dịch, đã có những chế tài nghiêm khắc đối với những bệnh nhân không khai báo trung thực về lịch sử đi lại hay trốn cách ly như Mỹ, Pháp, Italy, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… và những người loan tải thông tin giả mạo.
Khu vực cách ly những người có nguy cớ lây nhiễm Covid – 19
Những quyền ưu tiên thực hiện
Việt Nam là một trong những quốc gia lựa chọn ưu tiên thực hiện quyền chăm sóc sức khoẻ và áp dụng một số biện pháp hạn chế thực hiện một số QCN theo cách thức phù hợp, vì vậy hoàn toàn chiếm được sự đồng tình của người dân. Chính phủ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ chuyên môn đến quản lý nhà nước nhằm phòng chống đại dịch nguy hiểm này. Trong quá trình thực hiện các giải pháp chống dịch, hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ được áp dụng: cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại, xử lý vi phạm…Đến nay các giải pháp đó đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trên thực tế. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Quyền được chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam lúc này được thực hiện cụ thể: người dân được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, được cung cấp số điện thoại liên lạc để thông báo về sức khoẻ của mình, được xét nghiệm miễn phí từ thời điểm rất sớm, được ăn ở miễn phí trong khu cách ly người dân, được bảo hiểm xã hội chi trả toàn bộ quá trình điều trị. Chính vì vậy, việc Nhà nước áp dụng các biện pháp hạn chế thực hiện các quyền như tự do đi lại, quyền riêng tư, quyền tự do hội họp với những yêu cầu cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại nhà, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, “giãn cách xã hội” với cá nhân, với nhóm người và toàn bộ người dân trong cả nước trong các chỉ thị: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020đã được người dân thực hiện một cách khá tự nguyện và nghiêm túc.
Việc ưu tiên thực hiện quyền chăm sóc sức khoẻ yêu cầu thực hiện các QCN khác cũng phải được bảo đảm, trước tiên là quyền về lương thực, thực phẩm. Con người có quyền được bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm đồng thời phải lương thực, thực phẩm đó phải sạch và đủ dinh dưỡng. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) từng nêu “thuật ngữ an ninh thực phẩm và dinh dưỡng phản ánh tốt nhất mối liên hệ giữa khái niệm an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, đồng thời thể hiện một mục tiêu phát triển tích hợp duy nhất để giúp định hướng chính sách và hành động có hiệu quả”. Đây là một quyền thuộc nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, việc thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế của quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn, song các biện pháp đồng bộ đã được chính phủ Việt Nam thực hiện: bảo đảm nguồn lương thực dự trữ, cân đối lương thực xuất khẩu, cung ứng hàng hoá đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng với phương châm an ninh lương thực đặt lên hàng đầu, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân… cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đến quyền về lương thực, thực phẩm của người dân. Việt Nam dành quan tâm đặc biệt tới nhóm xã hội dễ bị tổn thương với việc ban hành Nghị quyết 42/NĐ-CP ngày 9/4/2020của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Quyền tiếp cận thông tin cũng là một quyền quan trọng trong bối cảnh COVID-19. Việc tiếp cận được các thông tin chính xác có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ quyền về sức khoẻ và quyền sống của người dân. Yêu cầu của việc phòng chống dịch bệnh đòi hỏi việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mọi người, trong đó có những thông tin về dịch bệnh cần được Chính phủ cung cấp thường xuyên, liên tục và minh bạch, bên cạnh đó những người có thể là bệnh nhân hoặc người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19phải cung cấp thông tin cá nhân và lịch trình di chuyển của bản thân. Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, Nhà nước đã liên tục cập nhật thông tin, minh bạch, công khai về dịch bệnh dưới các hình thức khác nhau, qua truyền thông của nhà nước, qua mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại như NCOVI, Hà Nội Smart City…một cách kịp thời, hiệu quả.
Khi quyền tiếp cận thông tin được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh thì quyền riêng tư của mỗi người bệnh có thể bị hạn chế thực hiện. Rất nhiều người trong cộng đồng đã lên án những cá nhân khai báo gian dối, không trung thực về lịch trình đi lại của người đã biết mình nhiễm bệnh. Tình trạng các thông tin sai lệch trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận diễn ra phổ biến với hơn 654 người đã bị xử lý. Việc xử phạt nghiêm minh trong thời điểm này là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Điều đó không hề mâu thuẫn với việc bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận trong bối cảnh đại dịch cấp độ toàn cầu thì đây là những quyền có thể bị hạn chế, và được quy định rõ trong pháp luật.
Quyền kinh doanh, quyền về việc làm của người dân cũng là những quyền bị hạn chế trong thời gian đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Các biện pháp như đóng cửa các cơ sở kinh doanh, nhà máy, công ty không liên quan đến những mặt hàng thiết yếu cũng tác động không nhỏ tới đời sống người dân. Trước những khó khăn đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID -19 khẳng định tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh,biện pháp hạn chế tụ tập đông người cũng tác động đến quyền tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã tuyên truyền, vận động tín đồ tạm dừng việc hành lễ đông người và được người dân đồng lòng ủng hộ. Những lễ hội lớn như lễ đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, lễ phục sinh đều được người dân đồng tình hạn chế đông người.
Như vậy, QCN là bẩm sinh vốn có, song để bảo vệ QCN không thể không gắn liền với trách nhiệm công dân, trách nhiệm cộng đồng.
Những vấn đề đặt ra trong thực thi quyền con người
Một là,thời điểm gỡ bỏ hạn chế thực hiện quyền.Khi quốc gia không còn trong tình trạng khẩn cấp, mà cụ thể trong đại dịch COVID-19 là khi dịch bệnh được khống chế, sức khoẻ cộng đồng được bảo đảm an toàn thì cần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế thực hiện quyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam cũng đã nhận định “chung sống an toàn với COVID-19”. Điều đó đòi hỏi nhà nước phải có những bước đi phù hợp trong việc gỡ bỏ các hạn chế quyền. Việt Nam đã trải qua 3 tuần “giãn cách xã hội” hiệu quả, vì vậy, từ ngày 23/4/2020 việc giãn cách đã được thực hiện theo cấp độ nguy cơ phù hợp đối với mỗi địa phương.
Hai là, khắc phục hậu quả từ việc hạn chế thực hiệnquyền làm việc, quyền kinh doanh của người dân cần được bảo đảm bằng những chính sách cụ thể. Trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTgvới những biện pháp cụ thể là: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; dẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động.
Bên cạnh đó, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin song vẫn phải đảm bảo những yếu tố cơ bản của quyền riêng tư, đó là hai mặt của một vấn đề và cần được tác giả giải quyêt trên cơ sở lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội. Tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận là quyền cơ bản song không thể lạm dụng để mổ xẻ thông tin cá nhân của người khác làm ảnh hưởng tới tự do và các giá trị nhân quyền khác của con người. Đó chính là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền riêng tư với một trong những thông tin nhạy cảm nhất là tình trạng bệnh tật.
Ba là, chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người liên quan đến dịch bệnh. Hiện nay nguồn gốc của COVID-19chưa được xác minh, song xuất phát từ nỗi sợ hãi với căn bệnh này mà sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với con người được cho là “người Châu Á”, “người đến từ Trung Quốc” như bôi nhọ, bạo lực… đã gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm- giá trị quan trọng nhất của QCN. Bên cạnh đó, đặc thù của căn bệnh này đã tác động đến cách thức biểu hiện tình cảm, cách thức trong quan hệ xã hội vốn quen thuộc trong xã hội… cũng có thể tạo nên sự kỳ thị trong cộng đồng. Biện pháp tốt nhất để chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử có thể xảy ra ở Việt Nam chính tiếp tục là thông qua giáo dục, truyền thông đúng đắn về dịch bệnh.■