Học sinh Trường tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ) tìm hiểu di tích đình Xuân La. |
Đến Trường trung học cơ sở (THCS) Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), ai cũng ấn tượng trước thái độ lễ phép, lịch sự của các em học sinh. Các em học sinh biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ với nụ cười thân thiện; biết tự giác nhặt rác bỏ vào nơi quy định.
- Đặt con người là trung tâm trong chiến lược phát triển
- Nhân quyền ở Việt Nam: Những dấu ấn trên hành trình vì con người
- Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ
- Khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình
Gieo mầm từ học đường
Để có được nền nếp này, ngoài dạy các em học sinh về văn hóa ứng xử trong các tiết học Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, nhà trường còn lồng ghép trong nhiều tiết học khác; tổ chức các buổi trao đổi về “Nói lời hay, làm việc tốt; tổ chức thi vẽ tranh về đề tài nét đẹp thanh lịch văn minh của người Hoàn Kiếm… Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết: “Nhà trường phát động phong trào “Lời chào người Tràng An” nhằm giáo dục học sinh văn hóa chào hỏi. Phong trào nhận được sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ. Nhà trường còn tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, phòng chống bạo lực học đường. Để duy trì nếp quen này, đồng thời làm gương cho học sinh, hằng ngày vào đầu và cuối buổi học, các thầy, cô trong Ban Giám hiệu nhà trường đều đứng ở cổng trường để đón, chào học sinh”. Cách tiếp cận đa chiều này giúp cho học sinh “ngấm” dần văn hóa ứng xử thanh lịch. Các em có thái độ lễ phép chào hỏi thầy, cô giáo, người lớn tuổi, tự giác giữ gìn vệ sinh vì các em thấy đó là đúng chứ không phải làm theo phong trào.
Ứng xử thanh lịch, văn minh là “tài sản” quý của người Hà Nội. Nhưng những biến động của cuộc sống, biến động bởi thành phần dân cư khiến không ít nét đẹp phai nhạt. Thành ủy Hà Nội đã triển khai một chương trình riêng để xây dựng văn hóa người Hà Nội qua nhiều nhiệm kỳ. Ở nhiệm kỳ 2020-2025, đó là Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, với mục đích “xây nhà từ móng”, từ năm học 2011-2012, thành phố Hà Nội đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Từ nền tảng chung này, mỗi địa phương, mỗi trường học lại có những sáng tạo riêng. Trường tiểu học Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) giáo dục các em thông qua các chủ đề của mỗi tiết học hay qua tranh, ảnh, phim, kịch; Trường tiểu học Vạn Phúc (quận Hà Đông) tổ chức ký cam kết giữa nhà trường và cha mẹ học sinh thực hiện xây dựng nếp sống văn minh; nhiều trường học của các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về văn hóa ứng xử trong trường học.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 19/2/2024, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sau khi Chỉ thị được ban hành, khắp địa bàn thành phố xuất hiện thêm nhiều hình thức triển khai phong phú, đa dạng. Ở Trường THCS Chương Dương, phong trào “Lời chào người Tràng An” là nòng cốt trong giáo dục nếp sống thanh lịch. Trường THCS Long Biên (quận Long Biên) lại chú trọng đến phong trào “Lịch sự từ những điều nhỏ nhất”. Học sinh được hướng dẫn, rèn giũa trong những hoạt động tưởng như đơn giản hằng ngày: Xin lỗi nếu mình sai sót, cảm ơn khi được người khác giúp đỡ, lịch sự khi giao tiếp với bạn bè, giúp đỡ người gặp khó khăn, biết lắng nghe người khác… Hiệu trưởng Trường THCS Long Biên Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết: “Việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn diện học sinh. Chúng tôi chú trọng giáo dục học sinh văn hóa ứng xử cả trong và ngoài nhà trường. Khi chúng ta giáo dục một cách hệ thống thì những nét đẹp sẽ được lan tỏa, những hành vi lệch chuẩn sẽ bị lên án”.
Ở cấp học tiểu học, các hình thức giáo dục được các trường học triển khai một cách sinh động để các em học sinh dễ nhớ, dễ tiếp cận. Trường tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông) không chỉ thu hút bởi không gian sạch đẹp, nhiều cây xanh, mà còn bởi những pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu được treo ở khắp nơi. Những khẩu hiệu không khô cứng mà rất dễ thuộc như những lời nhắc nhở nhẹ nhàng: Đi học đúng giờ; lễ phép với thầy cô giáo; vệ sinh sạch sẽ, trang phục gọn gàng… Với những Quy tắc ứng xử vốn khó nhớ với trẻ nhỏ, nhà trường cũng có biện pháp để các em dễ tiếp cận. Thí dụ như trong thư viện nhà trường, quy tắc về những điều nên làm và không nên làm được thiết kế như một cuốn sách đang mở ra, tạo sự thân thiện với học sinh.
Bắt đầu từ năm học 2024-2025, việc giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh được triển khai tới các em học cuối cấp của bậc học mầm non cũng đem lại kết quả bước đầu.
Các bạn trẻ trải nghiệm bản đồ số các địa chỉ đỏ trên địa bàn quận Cầu Giấy. |
Bồi đắp niềm tự hào cho thế hệ trẻ
Để nét thanh lịch, văn minh thật sự bền vững, trở thành một phần nhân cách, các em cần phải hiểu sâu hơn về chính những nét đẹp quê hương mình, hiểu thanh lịch, văn minh là truyền thống lâu đời của Thăng Long-Hà Nội. 100% các trường học đều tổ chức cho học sinh tham quan thực tế những di tích trên địa bàn để nghe nói chuyện về lịch sử, văn hóa quê hương; đồng thời, các em học sinh cũng được tham quan, tìm hiểu những di sản văn hóa tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa… Điển hình như Trường tiểu học Trưng Trắc (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng), mỗi năm học đều tổ chức ít nhất ba dịp cho học sinh được tham quan thực tế, tìm hiểu tại Cụm di tích Đình-đền-chùa Hai Bà Trưng trên địa bàn phường. Đó là dịp Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và đầu năm học mới. Với cách làm này, ngay từ khi mới bước vào lớp 1, các em đã được tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất mình sinh sống. Cùng một di tích, nhưng với mỗi lớp học, các thầy cô lại lựa chọn những nội dung, khối lượng kiến thức khác nhau để phù hợp nhận thức, tâm, sinh lý lứa tuổi. Ngoài tham quan di tích, nhà trường xây dựng riêng một kế hoạch học tập lồng ghép, tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về những con phố mang tên danh nhân, trước hết tại phường, sau đó trên địa bàn quận và Thủ đô. Từ chỗ chưa biết, đến khi được nghiên cứu, giảng bài, học sinh đều rất xúc động, tự hào. Những địa bàn có nhiều sáng tạo trong giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh là các quận: Tây Hồ, Long Biên, huyện Đông Anh, thị xã Sơn Tây…
Những hoạt động này vẫn được tiếp nối khi các em học sinh bước vào lứa tuổi thanh niên. Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và Chỉ thị 30-CT/TU, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch hành động của thanh niên Thủ đô với ba nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Thanh niên tham gia phát triển văn hóa; thanh niên tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô và thanh niên tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, Đoàn Thanh niên thành phố đã tăng cường công tác giáo dục về ý thức trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc, tổ chức để thanh niên Thủ đô tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương, chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang. Đáng chú ý, thanh niên Thủ đô đã xây dựng bản đồ số các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố. Đoàn Thanh niên thành phố đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ đó đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các địa chỉ đỏ và hệ sinh thái trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử. Các điểm di tích được đưa lên không gian số dưới dạng ảnh 360 độ và có mẫu thực thuyết minh, giới thiệu. Hệ thống bản đồ số thể hiện sự phân bố các điểm di tích ở Hà Nội, có chức năng tìm kiếm cũng như lọc theo quận, huyện. Các địa điểm di tích được đính trên bản đồ theo tọa độ chính xác của địa điểm đó. Người dùng bấm vào điểm trên bản đồ để tham quan di tích tương ứng.
Bản đồ số còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ trao đổi, hỏi đáp thông tin về các di tích, cung cấp mọi thông tin đã được xác minh một cách thuận tiện và nhanh chóng đến với khách tham quan. Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy Lê Thị Thu Trang chia sẻ công trình bản đồ số “địa chỉ đỏ” góp phần tuyên truyền, giới thiệu và giúp nhân dân, du khách trong nước cũng như quốc tế dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh thực tế 360 độ của di tích. Hệ thống này góp phần tăng cường giáo dục truyền thống; nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, nhân dân về văn hóa-lịch sử Thủ đô. Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội còn đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới giai đoạn 2023-2027, Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh trên không gian mạng, Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp.
Xác định xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, cần sự bền bỉ, kiên trì, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa “từ nhà, từ trường ra phố”. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào thế hệ trẻ-thế hệ “công dân số”. Điều đó giúp nét đẹp văn hóa của Thủ đô được kế thừa, tiếp nối khi bước vào thời đại số, với những “công dân toàn cầu” nhưng mang trong mình nét đẹp truyền thống văn hóa quê hương