Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “tội ác do thù hận” là tội phạm có động cơ thành kiến hoặc tội phạm do thành kiến xảy ra khi thủ phạm nhắm vào nạn nhân là thành viên của một nhóm xã hội hoặc thuộc một chủng tộc nhất định. Nói cách khác, “tội ác do thù hận” có nguyên nhân xuất phát từ thành kiến, kỳ thị về màu da, phân biệt chủng tộc… dẫn đến thù hận và có hành vi hành hung thân thể, giết người, gây thiệt hại tài sản, bắt nạt, quấy rối, lạm dụng bằng lời nói tục tĩu hoặc lăng mạ, xúc phạm đối với người khác. Đạo luật mới này của nước Mỹ còn được đặt theo tên của Emmett Till, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi 14 tuổi bị giết hại tàn bạo vào năm 1955. Cụ thể là vào tháng 8-1955, Emmett Till bị bắt cóc và sát hại khi đi thăm họ hàng ở bang Mississippi, miền Nam nước Mỹ. Sau 3 ngày, thi thể cậu được tìm thấy bên một con sông ở địa phương. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi một phụ nữ da trắng tên Carolyn Bryant cáo buộc Till động chạm vào người bà tại một cửa hàng. Sau đó, 2 người đàn ông da trắng có mối quan hệ thân thiết với bà Carolyn Bryant thừa nhận đã sát hại và ném xác Till xuống sông Mississippi.
Điều đáng nói trong vụ án là những người gây ra tội ác dã man đối với Emmett Till lại được một bồi thẩm đoàn da trắng tha bổng. Thế nhưng, không chỉ trong những năm gần đây mà từ nhiều thập niên qua, nước Mỹ vẫn luôn vỗ ngực tự cho mình là “thước đo về dân chủ, nhân quyền”, nhưng thực tế tình hình nhân quyền ở Mỹ lại hoàn toàn không như những gì mà quốc gia này từng rao giảng. Bằng chứng là ở nước Mỹ liên tục xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Nói tóm lại, vấn đề cốt lõi của nhân quyền hay điều tối thượng của nhân quyền là quyền được sống. Thế nhưng ở nước Mỹ, sinh mạng con người, nhất là những người gốc châu Phi, châu Á, thậm chí cả những người bản địa nhưng không phải là người da trắng… quyền được sống của họ có thể bị tước bất cứ lúc nào và ở đâu.
Tối 21-1-2023, có 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Monterey Park, thuộc bang California. Sau đó 2 ngày, ở Half Moon Bay, cũng thuộc bang California đã xảy ra vụ xả súng cướp đi sinh mạng của 7 người và 1 người bị thương nặng. Gần đây nhất là vào ngày 27-3, vụ xả súng xảy ra tại Trường Covenant ở thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, Mỹ làm 6 người chết, trong đó có 3 học sinh đều mới 9 tuổi. Thủ phạm là một cựu học sinh của trường và đã bị cảnh sát bắn hạ tại hiện trường. Theo dữ liệu do Tổ chức phi lợi nhuận The Gun Violence Archive – GVA, chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ, từ đầu năm 2023 đến nay, tại Mỹ đã xảy ra 102 vụ xả súng hàng loạt, với 149 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Bạo lực súng đạn đã giết chết ít nhất 40.000 người ở nước Mỹ trong năm 2022.
Xem ra văn hóa súng đạn ở nước Mỹ là một ngoại lệ trên toàn cầu, vì tình trạng xả súng giết người hàng loạt vẫn diễn ra hằng ngày và nó tỷ lệ thuận số người Mỹ được trang bị vũ khí ở nước này. Trước thực trạng nêu trên, phát biểu sau khi ký ban hành đạo luật này, Tổng thống Joe Biden đã phải thừa nhận: “Thù hận chủng tộc không phải là vấn đề cũ mà là vấn đề dai dẳng của nước Mỹ”. Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris thì cảnh báo: “Thù hận chủng tộc không phải tàn tích của quá khứ vì nó vẫn xảy ra ở nước Mỹ”. Trong khi đó, bản Hiến pháp của Mỹ ghi rõ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây được xem là quyền tối thượng của mỗi con người mà tạo hóa ban cho họ, nhưng với thực trạng nêu trên thì người Mỹ, nhất là người gốc châu Á hoặc châu Phi hay da màu đều không hề có quyền này.
Chính vì thế, nếu ai đó cho rằng nước Mỹ là đất nước của dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội thì họ đã nhầm to. Dù mang “vết nhơ” về dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội không thể chối cãi như nêu trên, song chính quyền Mỹ vẫn luôn rao giảng “bài học đạo đức” và lớn tiếng chỉ trích mạnh mẽ vấn đề nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới. Nực cười thay, hằng năm Mỹ vẫn tự cho mình cái quyền được phán xét về tình hình dân chủ, nhân quyền, công bằng trên thế giới, nhất là đối với các quốc gia không phải là đồng minh của họ. Và từ lâu nay Mỹ đã dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền hay quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền nhưng không tuân theo ý đồ của Mỹ. Nói tóm lại, dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ là “nền dân chủ và nhân quyền trên đầu mũi súng”.