Toàn cảnh buổi làm việc. |
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Riềng, dự án được triển khai trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ tháng 4/2022 với các hoạt động như: thẩm định hộ dân, giải ngân, tập huấn, hỗ trợ xây dựng công trình cộng đồng, sửa chữa nhà vệ sinh trường học, truyền thông cộng đồng… tại 3 xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phú và Hòa Lợi, với tổng giá trị viện trợ trên 3 tỷ đồng. Dự án đã hỗ trợ 87 hộ gia đình về nhà ở, nhà vệ sinh (trong đó có 25 hộ nghèo, 62 hộ cận nghèo khó khăn); hỗ trợ xây dựng công trình cộng đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà vệ sinh trường học…
Đại diện các đơn vị trao đổi các thông tin về dự án. |
Tại buổi làm việc, ông Võ Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng khẳng định, dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sự bình đẳng và dễ tổn thương của nhóm yếu thế ở các cộng đồng khu vực duyên hải, vùng núi miền Nam, miền Trung và miền Bắc” giai đoạn 2022- 2024 đã mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đại diện lãnh đạo UBND các xã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án cũng cho rằng dự án được triển khai mang lại hiệu quả cao, góp phần cùng địa phương xóa dần nhà ở tạm bợ, nhà xiêu vẹo, nhà tiêu trên sông. Thông qua dự án, người dân có dụng cụ chứa nước sạch, nâng cấp nhà vệ sinh cho trường học, hỗ trợ kịp thời cho nhiều phụ nữ nghèo, cận nghèo vay vốn… Lãnh đạo UBND các xã kiến nghị ban quản lý dự án nên xét thêm tiêu chí gia hạn nguồn vốn vay, có chính sách tái nợ, xóa nợ cho những hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nâng thêm nguồn vốn, tạo nguồn vốn xoay vòng.
Từ lợi ích, ý nghĩa trên, UBND huyện Giồng Riềng kiến nghị Đoàn công tác, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang và các đơn vị có liên quan hỗ trợ làm việc với tổ chức Habitat để nhân rộng mô hình; lan tỏa chương trình đến các xã còn lại, giúp nhiều người dân có thêm cơ hội được thụ hưởng từ dự án.
Bà Đỗ Thị Kim Dung phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó Trưởng ban, Ban điều phối viện trợ nhân dân đề nghị, Ban quản lý dự án, đặc biệt là các xã hưởng lợi trực tiếp từ dự án tiếp tục quan tâm, có đề xuất, kiến nghị về việc vận động, triển khai các chương trình dự án PCPNN phù hợp với đặc thù của địa phương. Quá trình triển khai, thực hiện dự án cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến đông đảo người dân trên địa bàn về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của dự án, giúp người dân hiểu đúng những lợi ích mà dự án mang lại.
Bà Đỗ Thị Kim Dung cũng lưu ý các địa phương cần chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong việc vận động, triển khai thực hiện và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ. Thông qua các lớp tập huấn, địa phương nên chia sẻ kinh nghiệm đến các đơn vị và đối tác; khi đề xuất dự án cần có mục tiêu dự án dài hạn, đảm bảo tính lâu dài…