Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11239

Giới thiệu về Công ước chống tra tấn – Bài 9

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã quy định cụ thể về chế độ tạm giữ, tạm giam; chế độ ăn, mặc, ở cũng như các quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có:

– Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam thì trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam phải xem xét quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh truy nã và các tài liệu, thủ tục cần thiết khác để bảo đảm giam giữ đúng người, đúng pháp luật; lập biên bản giao nhận hồ sơ và giao nhận người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời xác định tình trạng sức khoẻ của họ; lập danh chỉ bản, chụp ảnh và vào sổ theo dõi danh sách người bị tạm giữ, tạm giam; phổ biến nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam cho người bị tạm giữ, tạm giam, kiểm tra thân thể và đồ vật mang theo của họ trước khi đưa họ vào buồng giam, giữ. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, là nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở phòng kín (Điều 16).

– Việc giam, giữ bố trí theo khu vực và phân loại như sau: phụ nữ; người chưa thành niên; người nước ngoài; người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam có thể được giam, giữ ở buồng riêng trong nhà tạm giữ, trại tạm giam (Điều 15).

– Chế độ ăn, ở, chăm sóc y tế, sinh hoạt, thăm gặp… của người bị tạm giữ, tạm giam cũng được quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có một số quy định về tạm giữ, tạm giam tiến bộ hơn trước đây như:

– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau: (i) Người bị tạm giữ; người bị tạm giam; người dưới 18 tuổi; phụ nữ; người nước ngoài; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người đang chờ chấp hành án phạt tù; người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ; (ii) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

– Luật đã dành một chương (Chương V) quy định về chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

  1. d) Các biện pháp khác

Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan trên quy mô toàn quốc (Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn).[1] Các ngành, các cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước.

Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng và triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.[2] Theo đó, các nội dung về quyền con người, trong đó có các nội dung về quyền không bị tra tấn, sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy của tất cả các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc gia, kể cả các cơ sở đào tạo của ngành công an, quốc phòng, kiểm sát, toà án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *