Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10299

Giới thiệu về Công ước chống tra tấn – Bài 8

c)Các biện pháp tư pháp hoặc những biện pháp khác

Căn cứ vào đối tượng bị áp dụng và ý nghĩa thay thế hình phạt, các biện pháp tư pháp được chia thành hai nhóm:

(i) Các biện pháp chung áp dụng đối với mọi người phạm tội và chỉ nhằm hỗ trợ hình phạt được quy định tại các điều 47, 48, 48 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 20179, gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; và bắt buộc chữa bệnh.

(ii) Các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng.

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh… Bên cạnh đó, Chương XXXVI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ (Điều 502).

Để đảm bảo ngăn ngừa hành vi tra tấn, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra nhận người bị bắt giữ thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.

Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày, trong trường hợp cần thiết có thể được gia hạn nhưng không quá 03 ngày và trong trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát phê chuẩn. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam (Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn tạm giam được thực hiện theo quy định của pháp luật (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Điểm tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là số lần gia hạn tạm giam giảm từ 2 lần xuống còn 1 lần đối với tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, giảm từ 3 lần xuống còn 2 lần đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, làm giảm tổng số thời gian mà bị can có thể bị tạm giam. Đây là một bước tiến trong bảo đảm quyền con người của bị can của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *