2.4. Hiệu lực, rút khỏi; giải quyết tranh chấp và sửa đổi, bổ sung Công ước
- a)Hiệu lực và rút khỏi Công ước
Theo Điều 27 Công ước, Công ước sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi khi có đủ 20 quốc gia thành viên gia nhập. Đối với các quốc gia gia nhập sau thời điểm Công ước có hiệu lực, Công ước có hiệu lực đối với quốc gia đó sau 30 ngày kể từ khi quốc gia gửi văn kiện phê chuẩn Công ước tới Liên hợp quốc.
Các quốc gia có thể rút khỏi Công ước này bất kỳ lúc nào bằng hình thức gửi văn bản đến Tổng thư ký Liên hợp quốc. Hiệu lực của Công ước sẽ chấm dứt với quốc gia gửi văn kiện sau 01 năm kể từ ngày Tổng thư ký nhận được văn kiện thông báo.
- b)Giải quyết tranh chấp
Theo Điều 30 Công ước, các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên trong việc giải thích hoặc áp dụng Công ước sẽ được giải quyết thông qua thương lượng. Trong trường hợp không thể giải quyết bằng thương lượng, một trong các bên tranh chấp có thể yêu cầu giải quyết bằng trọng tài. Nếu các bên tranh chấp không thể thống nhất về cách tổ chức trọng tài thì tranh chấp có thể được chuyển đến Tòa án Công lý quốc tế để giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án Công lý quốc tế không mang tính bắt buộc, các quốc gia có thể lựa chọn không bị ràng buộc bởi cách thức giải quyết này theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Công ước.
- c)Bảo lưu
Theo Điều 28 và khoản 2 Điều 30 Công ước, các quốc gia được phép bảo lưu đối với Điều 20 và khoản 1 Điều 30 Công ước Chống tra tấn. Trong đó, Điều 20 quy định về việc công nhận thẩm quyền của Ủy ban Chống tra tấn trong việc xem xét, điều tra tình trạng tra tấn diễn ra có hệ thống, trên diện rộng ở lãnh thổ quốc gia thành viên; Điều 30 quy định về việc lựa chọn Tòa án Công lý quốc tế là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên trong việc thực hiện Công ước Chống tra tấn.
- d)Sửa đổi, bổ sung Công ước
Nội dung của Công ước có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở ý kiến của các quốc gia thành viên Công ước theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 29 Công ước.
Cụ thể là, bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước cũng có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Công ước. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Công ước của quốc gia thành viên phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc và được thông báo cho các quốc gia khác để biểu quyết việc có nên tổ chức một cuộc họp xem xét về đề nghị đó hay không. Trong vòng 4 tháng kể từ ngày có thông báo, nếu có ít nhất 1/3 số quốc gia thành viên tán thành việc tổ chức họp thì Tổng thư ký Liên hợp quốc phải triệu tập cuộc họp. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua nếu đa số các quốc gia tham dự họp nhất trí. Nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ được gửi tới tất cả các quốc gia thành viên để lấy ý kiến và sẽ có hiệu lực nếu có 2/3 số quốc gia thành viên chấp thuận. Nội dung sửa đổi chỉ có hiệu lực với những quốc gia chấp nhận.