Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
8484

Giới thiệu về Công ước chống tra tấn – Bài 10

2.3. Các biện pháp phục hồi quyền cho nạn nhân của hành vi tra tấn
Nạn nhân của hành vi tra tấn có được đảm bảo các quyền: quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được nhận sự hỗ trợ khác (về y tế, nơi ở tạm…).

a) Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện

Nạn nhân của hành vi tra tấn có thể thực hiện quyền khiếu nại theo Luật khiếu nại năm 2011; Chương IX Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Chương XIII Luật thi hành án hình sự.
Luật tố cáo năm 2011 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo (các điều 1, 4, 5, 8). Cụ thể là, theo quy định tại Điều 18 Luật tố cáo năm 2011, việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây: (i) Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (ii) Xác minh nội dung tố cáo; (iii) Kết luận nội dung tố cáo; (iv) Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; (v) Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.

b) Quyền được bồi thường thiệt hại

Về quyền được bồi thường, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 30). Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật (khoản 5 Điều 31).Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tính chất của thiệt hại và trường hợp cụ thể, nạn nhân của hành vi tra tấn còn có thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 584, Điều 361), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 31); Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (Điều 4); Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 76, khoản 8 Điều 89); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Điều 59); Luật công an nhân dân (Điều 42); Luật thi hành án hình sự (Điều 154)….

c) Quyền được nhận sự hỗ trợ khác

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều chương trình tái hoà nhập cho nạn nhân của các hành vi phạm tội, gồm cả nạn nhân tra tấn, nạn nhân của mua bán người (Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 về ban hành quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về) thông qua hàng trăm chương trình tái hòa nhập của cả trung ương và địa phương như các mô hình Trung tâm tiếp nhận nạn nhân (Ngôi nhà nhân ái tại Lào Cai, Nhà tình thương tại An Giang), Nhóm tự lực (Thanh Hóa, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế)….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *