Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21848

EVFTA: Cơ hội và thách thức

Ngày 08/6/2020, Quốc hội nước Việt Nam phê chuẩn HIệp định thương mại tự do với Cộng đồng châu Âu (EVFTA) và dự kiến sẽ đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020. Cùng với đó, hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU cũng được phê chuẩn. Sau gần 10 năm hai bên đồng ý khởi động đàm phán, đến nay, EVFTA mới chính thức được thông qua và đi vào thực hiện. Hiệp định hy vọng mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam phục hồi kinh tế, cho người dân và người lao động.

EVFTA và vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới

Trong tình hình kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, văn hóa xã hội. Kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng âm (-2,3%) năm 2020. Việt Nam cũng được đánh giá là ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp bởi đại dịch và mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh giảm, còn 5% so với mức 6,8% như kế hoạch trước đó.

Cơ hội vàng từ EVFTA

Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (viết tắt là ICCPR), Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền vì con người. Các báo cáo quốc gia năm 2017, 2018 về thực thi Công ước ICCPR và Báo cáo trả lời danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền LHQ, cho thấy Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khu vực và quốc tế. Năm 2020, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA. Cùng với việc phê chuẩn và trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập WTO và nhiều cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành nước có độ mở và mức độ gắn kết về kinh tế với thế giới và khu vực. Việc ký kết hiệp định thương mại tự do với EU một lần nữa góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Là hiệp định toàn diện, có mức độ và phạm vi cam kết theo tiêu chuẩn cao, EVFTA được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn và cân bằng cho cả Việt Nam và EU.

Cơ hội để Việt Nam để nâng cao phúc lợi cho người dân

Việc phê chuẩn 2 hiệp định sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đa dạng hóa thị trường tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.

Trước hết, EVFTA có thể đưa đến những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu và tạo việc làm cho người lao động dựa trên thương mại tự do, công bằng và dựa trên các luật lệ.

Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ có quyền tham gia vào thị trường tiêu dùng có quy mô và sức mua khổng lồ với khoảng 500 triệu dân, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu. Do đó, theo dự báo, hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). Hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Trong trao đổi thương mại, hai nền kinh tế của Việt Nam và EU được đánh giá là mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Đồng thời, Hiệp định này có mức cam kết cao nhất một đối tác lớn dành cho Việt Nam, do đó sẽ đem lại nhiều lợi ích trong thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm… Những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu.  Ngân hàng Thế giới dự kiến EVFTA có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 12%, và có khoảng 800 ngàn người được thoát nghèo nhờ hiệp định này. Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, hiệp định sẽ giảm ngay 0% thuế với 71% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu. Các ngành hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích từ Hiệp định là ngành hàng nông sản, ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác). Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường.

Doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm từ EU như máy móc thiết bị hiện đại với tiêu chuẩn cao, giá cả phải chăng từ đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ, sản xuất hàng hóa có chất lượng để xuất khẩu; tiêu chuẩn về lao động, người lao động, bảo vệ môi trường cũng được nâng lên.

Trong đầu tư và lao động, EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ. EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Triển khai EVFTA cũng tạo những lợi thế cạnh tranh cao hơn cho Việt Nam trong tận dụng các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất trong giai đoạn hiện nay, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sử dụng và đào tạo người lao động bảo vệ môi trường sẽ có tác động lan tỏa đến Việt Nam, cho phép Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao mức sống cho người lao động.

Cuối cùng, việc thực thi EVFTA với các tiêu chuẩn cao là động lực tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nhất là gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng hóa xuất khẩu. Thực tiễn từ năm 2011-2018, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 16%. Nếu đặt giá trị thương mại trong tỉ trọng thương mại toàn cầu thì tỷ trọng này đang nhỏ dần. Với EVFTA, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để cải thiện đặc biệt về lâu dài hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và sáng tạo hơn.

          Những thách thức đến từ EVFTA

EU là một thị trường có mức thu nhập cao, đồng thời cũng có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, EVFTA yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, đầu tư, quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững.

Hiệp định EVFTA cũng có thể gây ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam và sức ép về cải cách chính sách cho người lao động. Các cam kết về lao động trong hiệp định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi Hiệp định.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam cần tập trung lợi ích mang tính động để nâng cao môi trường đầu tư để thu hút đầu tư từ EU. Khi Việt Nam có tiêu chuẩn đầu tư chất lượng cao thì doanh nghiệp Việt cũng sẽ được hưởng lợi tốt hơn.

Một thách thức khác đặt ra cho Chính phủ Việt Nam, đó là việc số hoá để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Việt Nam cần số hoá trong các quy trình, thủ tục để đơn giản hoá thủ tục hành chính. Yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.

Để tận dụng hiệu quả cơ hội, ứng phó với những thách thức đi kèm với EVFTA và EVIPA, Việt Nam cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý để đáp ứng những điều kiện về môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhất là liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu; Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, thủy sản, lâm sản. Xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng để tiến vào thị trường EU. Phát triển công nghiệp phụ trợ, các ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt, may, da, giày, lắp ráp (như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử), nông, lâm, thuỷ sản. Xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam. Đẩy mạnh các giải pháp về tiếp cận thị trường và đánh giá các tác động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam khi thực thi Hiệp định, đồng thời đưa ra định hướng về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EVFTA; Tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những quy định, cam kết trong các Hiệp định. Nâng cao ý thức, trách nhiệm về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp định hướng sử dụng công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý môi trường và ý thức trong việc sử dụng đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện tốt những nhiệm vụ trong cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển, cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại nền kinh tế, tham gia chuỗi cung ứng mới vượt qua đại dịch và phát triển kinh tế./.

 

Ngân hàng Thế giới dự kiến EVFTA có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 12%, và có khoảng 800 ngàn người được thoát nghèo,tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm nhờ hiệp định này. Các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sử dụng và đào tạo người lao động bảo vệ môi trường sẽ có tác động lan tỏa đến Việt Nam, cho phép Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao mức sống cho người lao động.

 

Tác giả: TS.TRẦN QUANG PHÚ[1]- TS. NGUYỄN THỊ PHONG LAN

[1] Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế, Học viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *