Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
7342

Dùng phim hoạt hình và truyện tranh để tuyên truyền phòng chống tảo hôn, mua bán người

Ngày 22/5 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) phối hợp với đối tác Plan International tại Việt Nam đã tổ chức chương trình “Giới thiệu các sản phẩm của Dự án Em Vui”. Sự kiện nhằm giới thiệu các sản phẩm giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống tảo hôn, phòng chồng mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Chương trình được diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua ứng dụng zoom tại 4 điểm cầu: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo thông tin từ chương trình, qua 3 năm hoạt động (từ tháng 6/2020-6/2023) Dự án Em Vui đã xây dựng được rất nhiều sản phẩm giáo dục, truyền thông. Đầu tiên phải kể đến là 12 tập phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ”. Đây là những tập phim được xây dựng từ những tư liệu thực tế, gần gũi với các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là sản xuất những tập truyện tranh ví dụ như “Đừng mắc bẫy”, “Đừng vội lấy chồng sớm”.

Đã có 6 câu chuyện đề cập trong cuốn truyện tranh “Đừng mắc bẫy” là những câu chuyện phản ánh thực tế và thời sự trước vấn nạn mua bán người. Bao gồm các chuyện về: việc làm, việc nhẹ lương cao, mang thai hộ, lấy chồng nước ngoài, cho nhận con nuôi, yêu qua mạng. Tập truyện tranh “Đừng vội lấy chồng sớm” bao gồm 4 câu chuyện phản ánh thực tế về tình trạng tảo hôn tại các vùng dự án: mang thai ngoài ý muốn, yêu qua mạng, bắt ép lấy chồng – yếu tố bất bình đẳng giới, tư tưởng sợ “ế”.

Những sản phẩm truyện tranh truyền tải thông điệp, giúp thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người.

Ngoài ra, dự án còn có các video minh họa hướng dẫn sử dụng internet an toàn; thư viện với gần 150 bài học theo 6 chủ đề; phóng sự; tiểu phẩm sân khấu hóa; các cuộc đối thoại và tọa đàm giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và đại diện của các cơ quan hữu quan tại địa phương về các vấn đề liên quan đến tảo hôn, mua bán người, sức khoẻ sinh sản, học tập và việc làm… cùng rất nhiều sản phẩm khác đều đã được đăng tải trên website emvui.vn và ứng dụng Em Vui.

Tính đến ngày 20/5, Em Vui đã có gần 200 video và tài liệu học về các kiến thức liên quan đến an toàn trên mạng, sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và mua bán người, kiến thức pháp luật…

Chia sẻ tại điểm cầu Hà Giang, cô giáo Nguyễn Thị Hồng – Giáo viên trường THCS Chiến Phố, Hoàng Su Phì cho biết: “Bản thân tôi cũng như các thầy cô khác thường sử dụng các tài liệu trên nền tảng Em Vui trong các giờ học ngoại khóa, các video, câu hỏi dùng trong các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn và mua bán người. Ngoài ra các giờ học kỹ năng sống hay ngoại khóa chúng tôi cũng sử dụng các nguồn tài liệu đa dạng trên “Thư viện” của Em Vui. Đó là một kho tài liệu rất bổ ích, lý thú cho cả thầy và trò trong việc tìm hiểu kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau. Chúng tôi nhận thấy bộ phim “Hành trình của Mỉ” là các em thích nhất, ngoài ra các em cũng rất hào hứng với các truyện tranh khác”.

Hoạt động “Giới thiệu các sản phẩm của Dự án Em Vui” nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR/ Em Vui). Dự án được triển khai từ tháng 6/2020 đến 30/6/2023 tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Mục tiêu tổng quát của dự án là các trẻ em gái, em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách.

Dự án đã xây dựng nền tảng website emvui.vn, ứng dụng điện thoại Em Vui trên iOS, Android và 06 kênh mạng xã hội cùng tên #DuAnEmVui là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter) với thiết kế gọn gàng, thân thiện, tiện lợi cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, nội dung phong phú, hấp dẫn.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *