Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27723

Đừng lợi dụng  “hiện tượng” Thích Minh Tuệ cho mưu đồ đen tối

 

Từ một người vô danh tự nhận đang “tập học” theo lời Phật dạy, chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh), đầu trần, chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi… Thích Minh Tuệ được các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng”. Đằng sau câu chuyện này và những câu chuyện đằng sau câu chuyện này là gì?

Phải chăng các chuyến “chân trần xuyên Việt” của ông trước đây không gây ra sự ồn ào nào vì thiếu vắng các youtuber, tiktoker, facebooker?. Lần này, chính ông cũng nói rằng bản thân không chủ động lôi kéo sự chú ý của dân chúng. Khi có người xin đi theo về Hà Giang, ông đáp: “Nếu thấy an lạc, hạnh phúc thì cứ đi, con không mời cũng không xua đuổi ai cả”. Trong giáo pháp của Đức Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu. Thích Minh Tuệ chọn cách hạnh đầu đà là quyền lựa chọn riêng của ông, những người khác chọn pháp tu khác cũng là quyền của họ. Không có sự đúng – sai, hơn – kém ở đây. Để lôi kéo người dùng mạng vì mục đích bán hàng, muốn được chú ý hay do bị chi phối bởi động cơ nào đó, một số youtuber, tiktoker, facebooker đã làm quá lên về Thích Minh Tuệ, kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ. Hùa theo đám đông, chạy theo trào lưu, nhiều người đón lõng “sư thầy đi bộ”, rồng rắn đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim… Cảnh tượng lộn xộn đó gây phản cảm và phản tác dụng đối với mong muốn của chính Thích Minh Tuệ.

Vấn đề chủ yếu ở đây là, những thế lực thù địch, các con buôn chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền đã lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, kích động người dân chống lại chính quyền trên mạng xã hội.

Mục đích đầu tiên mà thành phần chống phá Nhà nước nhắm tới là chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn, tranh chấp để khẳng định rằng tôn giáo và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không thể song hành; đánh tráo khái niệm bằng cách tuyệt đối hóa quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào; bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương “phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo”. Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, nếu đám đông quây quanh “sư thầy đi bộ” gây lộn xộn và cơ quan chức năng phải can thiệp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thì các thế lực thù địch sẽ rêu rao: “Công an cản trở nhà sư hành đạo!”.

Mục đích thứ hai của thành phần chống phá Nhà nước là chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong từng tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta. Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, trên mạng xã hội đã xuất hiện những luận điệu gây mâu thuẫn giữa Phật giáo và Công giáo, bài xích Giáo hội Phật giáo Việt Nam, so sánh thiếu thiện chí giữa “nhà sư đi bộ” với hàng chục nghìn tăng, ni “đang hưởng lạc trong chùa to, cổng kín”, coi khổ hạnh là chánh pháp, là pháp tu duy nhất đúng.

Mục đích thứ ba của thành phần chống phá Nhà nước là cổ xúy, “anh hùng hóa” các hiện tượng mạng xã hội theo hướng đối lập với những giá trị truyền thống.

Một ví dụ điển hình là bài viết “Chuyện ông Minh Tuệ, quyền lực cho người này, tiền bạc cho người kia”, xuyên tạc: “tu sĩ Minh Tuệ vẫn đặt ra cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam một mối “quan ngại” không hề nhỏ”. Và: “Có hai lý do: Thứ nhất, người ta đi theo ông Minh Tuệ đông quá. Hễ bất cứ đám đông nào mà đảng cộng sản không kiểm soát được là họ lo ngại. Thứ hai là niềm tin tôn giáo. Tuy rằng Phật giáo có khi được xem như một cách sống, nhưng phần tôn giáo cũng rất mạnh mẽ”. Trên thực tế, không có mối “quan ngại” nào đang diễn ra, có chăng việc tụ tập đông người đôi khi gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông và tạo nên những hình ảnh không đẹp, khiến công an, chính quyền lo lắng phải chủ động đi theo để đảm bảo giao thông và an ninh trật tự.

Sự thâm độc và đều cáng nhất trong bài viết nói trên lồng vào “hiện tượng” Thích Minh Tuệ bằng cách khơi lại “Chế độ Hà Nội từng vất vả đàn áp vụ “Quỳnh Lưu khởi nghĩa” năm 1955 và vụ Formosa. Trong khi bản chất vụ “Quỳnh Lưu khởi nghĩa” là kế hoạch của chính quyền VNCH và CIA chỉ đạo  những cha xứ tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã huy động hàng chục nghìn giáo dân Thiên Chúa giáo từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa kéo vào tụ tập ở nhà thờ Quỳnh Yên, tấn công quân đội, bắt giữ tổ công tác của trung đoàn 269 Quân khu 4, giam họ trong nhà thờ Quỳnh Yên khiến Quân đội phải tập kích giải thoát tổ công tác, bắt giữ một số kẻ cầm đầu, chủ mưu và vận động giáo dân về quê. Còn vụ Formosa cho thấy rõ là dưới sự đạo diễn của linh mục Nguyễn Đình Thục ở giáo xứ Song Ngọc, Đặng Hữu Nam ở giáo xứ Phú Yên lợi dụng sự cố Formosa, luật Đặc khu, luật An ninh mạng… để kích động một trào lưu chống đối, dẫn dắt con chiên của mình giẫm lên những vết chân lịch sử đẫm máu. Những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng chưa bao giờ quên để mắt đến những vị linh mục cực đoan thích làm loạn này.

Còn “hiện tượng Thích Minh Tuệ” – một người đã lựa chọn cho mình hình thức buông xả, nỗ lực để đi tìm những giá trị tốt đẹp cốt lõi bên trong thì không mưu cầu những sự nổi tiếng, ồn ào như những gì đám đông đang dành cho họ. Và như chính vị tu hành này nói – chỉ mong mọi người cùng học tập và thực hành theo lời Phật dạy. Đáng lý, nếu vì sự ngưỡng mộ một người tu hành như Thích Minh Tuệ, nên tôn trọng sự riêng tư, an tịnh của họ, tránh quấy rầy và làm ảnh hưởng xấu đến sự thực hành giáo lý. Còn mỗi người nếu vì lòng kính trọng đối với một người đang thực hành theo giá trị tốt đẹp của đạo Phật thì điều ý nghĩa nhất là sửa đổi bản thân trong mỗi lời nói, hành động và ý nghĩ, hướng tới những điều tốt đẹp cho xã hội, tùy theo khả năng của mình để làm – dù là những điều nhỏ nhất.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *