Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
36923

Dự thảo Nghị định về quy định dữ liệu cá nhân Kỳ 2: Quy định chặt chẽ bảo vệ quyền của người dân

Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia (như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu…) hết sức coi trọng. Hiện có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo các nước, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ; bảo vệ dữ liệu cá nhân được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như: bảo đảm quyền tự chủ, quyền riêng tư và bảo toàn được danh dự, uy tín của mỗi cá nhân, giúp cá nhân kiểm soát tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống, tăng cường niềm tin trong xã hội và là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do ngôn luận.

Quy định chặt chẽ bảo vệ quyền của người dân

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với số người sử dụng Internet xếp thứ 13 trên thế giới (hơn 64 triệu, chiếm 66% dân số, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google). Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra bài toán phải quản lý hiệu quả, bảo đảm phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt 50 – 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự của người bị tiết lộ. Mức phạt này cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xóa dữ liệu cá nhân trái phép… Mức phạt 80 – 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Dự thảo Nghị định cho phép bên thứ ba (tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia; công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… Trường hợp cơ quan, tổ chức vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật. Ngoài mức phạt được quy định, trường hợp Bên xử lý dữ liệu cá nhân vi phạm nhiều lần, với hậu quả lớn có thể bị phạt tối đa 5% tổng doanh thu của Bên xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Cùng với đó là quy định tám nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm: (i) Nguyên tắc hợp pháp: Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; (ii) Nguyên tắc mục đích: Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã đăng ký, tuyên bố về xử lý thông tin cá nhân; (iii) Nguyên tắc tối giản: Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định; (iv) Nguyên tắc sử dụng hạn chế: Dữ liệu cá nhân chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (v) Nguyên tắc về chất lượng dữ liệu: Dữ liệu cá nhân phải được cập nhật, đầy đủ để bảo đảm mục đích xử lý dữ liệu; (vi) Nguyên tắc an ninh: Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; (vii) Nguyên tắc cá nhân: Chủ thể dữ liệu được biết và nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình; (viii) Nguyên tắc bảo mật: Dữ liệu cá nhân phải được bảo mật trong quá trình xử lý dữ liệu.

Mỗi cá nhân được hưởng quyền được tôn trọng và bảo vệ bí mật đời tư một cách tốt nhất

Dự thảo Nghị định đưa ra những yêu cầu để mỗi cá nhân được hưởng quyền được tôn trọng và bảo vệ bí mật đời tư một cách tốt nhất có thể. Chẳng hạn, dữ liệu cá nhân chỉ được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; chỉ được xử lý đúng với mục đích đã đăng ký, tuyên bố; chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.
Ngoài mức phạt được quy định, trường hợp Bên xử lý dữ liệu cá nhân vi phạm nhiều lần, với hậu quả lớn có thể bị phạt tối đa 5% tổng doanh thu của Bên xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Dù sẽ còn phải bổ sung, chỉnh sửa sau khi xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân để bổ sung, hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ, trong đó có một số vấn đề cần làm rõ hơn về dữ liệu nhạy cảm hay những giới hạn, nghĩa vụ mà cơ quan, tổ chức được phép thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân…, việc đề xuất xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Công an là một bước tiến mới trong bối cảnh còn thiếu hành lang pháp lý bảo vệ người dân khỏi những hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân vẫn đang diễn ra phổ biến trên môi trường mạng, cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.■

Box: Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia (như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu…) hết sức coi trọng. Hiện có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo các nước, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ; bảo vệ dữ liệu cá nhân được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như: bảo đảm quyền tự chủ, quyền riêng tư và bảo toàn được danh dự, uy tín của mỗi cá nhân, giúp cá nhân kiểm soát tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống, tăng cường niềm tin trong xã hội và là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do ngôn luận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *