Ông Nguyễn Văn Huệ (Thái Nguyên) làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước theo HĐLĐ đã hơn 30 năm. Hiện tại do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân nên ông không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Vậy, nếu ông đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty thì có được trợ cấp thôi việc không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Nguyễn Văn Huệ như sau:
Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020), hướng dẫn tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Khoản 5, 6, 7 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH thì, khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trong đó có trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).
Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:
– Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo HĐLĐ;
– Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH;
– Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
– Thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động;
– Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
– Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật Lao động.
Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
– Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
Tiền lương tính trợ cấp thôi việc
Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, gồm:
– Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận ghi trong HĐLĐ.
– Các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận (nếu có), cụ thể: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
– Các khoản bổ sung được xác định mức tiền cụ thể (nếu có) cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sắp tới, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 thay thế Bộ luật Lao động 2012. Tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục quy định: Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 (trong đó có trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo Điều 35 của Bộ luật này) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động thôi việc.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Huệ, nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông kể từ khi ông được nhận vào làm việc tại công ty cho đến hết ngày 31/8/2008.
Từ ngày 1/1/2009 đến nay ông Huệ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên khi chấm dứt HĐLĐ, công ty không chịu trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho thời gian sau ngày 31/8/2008.
Theo Chinhphu.vn
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/don-phuong-cham-dut-hop-dong-co-duoc-nhan-tro-cap-thoi-viec-20210316070941816.htm