Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13419

Diễn viên trẻ ra trường sẽ về đâu?

Sau 4 năm vất vả học tập, phần lớn diễn viên ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp

Mỗi năm, theo thống kê từ hai trường đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp là ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM và CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM có đến hàng trăm học viên trẻ tốt nghiệp diễn viên. Họ cầm tấm bằng tự tìm việc làm và phần lớn rơi vào cảnh thất nghiệp.

Vẫn lao vào như con thiêu thân

Tính từ lúc mở lò đào tạo nghề diễn xuất, bà bầu Hồng Vân đã có đến 16 khóa diễn viên và 2 khóa nâng cao. Các sân khấu Minh Nhí, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi… cũng có đông học viên, mỗi năm lần lượt cho ra lò vài chục diễn viên trẻ. Nhưng chưa bao giờ khóa đào tạo diễn viên của các sân khấu tư nhân lại đông như năm nay, nhất là lò của NSND Hồng Vân.

Hai trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM và CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM mỗi năm qua có hơn 120 diễn viên tốt nghiệp. Thay vì vui mừng bởi đó là thành quả đào tạo nguồn nhân lực trẻ cung cấp cho hoạt động nghệ thuật của thành phố và các địa phương phía Nam thì các thầy cô đều chạnh lòng khi biết hầu như học trò của mình ra trường đều thất nghiệp.

Sân khấu tư nhân tại TP HCM hiện đều mở lò đào tạo để tăng thu nhập và chuẩn bị nguồn lực sử dụng tại chỗ. Việc nhận thêm người vào diễn rất hiếm, vì vậy nổi lên xu hướng một số diễn viên đã tốt nghiệp hoặc chỉ mới học năm thứ hai ở các trường chính quy, muốn tìm việc đã bảo lưu điểm để đăng ký học ở các lò đào tạo của những sân khấu tư nhân. Sau 6 tháng, họ tìm được cơ hội xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp. Trong khi đó, nếu toàn tâm học 4 năm, sinh viên ra trường chưa chắc có việc làm.

Diễn viên ra trường về đâu? - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Tấm Cám 16+” của nhóm kịch Ngẫm nghĩ cùng kịch, diễn tại Sân khấu Minh Nhí

Với tâm lý không cần bằng tốt nghiệp, chỉ mong có vai, sô diễn đã khiến 2/3 nguồn lực bị đào tạo dở dang trong các trường chính quy. Hiện tượng nghỉ học đồng loạt của sinh viên các trường nghệ thuật chính quy để chạy qua các lò dạy nghề tư nhân là một thực tế mà nhiều nhà sư phạm ngành sân khấu lo ngại.

Có một thực tế là số lượng diễn viên đi học nghề diễn chỉ mong được “tỏa sáng” trong các game show truyền hình.

Với thâm niên trên 60 năm giảng dạy, nhà giáo – NSND Trần Minh Ngọc nhận định rằng chính cách học chụp giựt là một trong những nguyên nhân khiến các diễn viên không giỏi nghề, dẫn đến thất nghiệp. “Nguồn nhân lực đáng lẽ được đào tạo bài bản đã rơi rụng hoặc không được các sân khấu tuyển dụng bởi chất lượng kém nên lâm vào cảnh thất nghiệp là tất yếu” – NSND Trần Minh Ngọc nói.

Thực tế, theo một số nhà chuyên môn, việc sử dụng diễn viên tay ngang trên sân khấu hiện nay rất phổ biến. Các nhà đầu tư sử dụng họ không vì chất lượng vở diễn, mà vì yếu tố câu khách. Trong khi đó, lực lượng diễn viên được đào tạo không được giao việc, cứ thất nghiệp dài dài bởi sự cạnh tranh không tương xứng này. Nghệ sĩ Thanh Thủy bức xúc: “Có một nguồn lực ngoài nghề cạnh tranh với diễn viên khiến họ không đến được với nghề, đó là người mẫu, ca sĩ, MC, thậm chí hoa hậu cứ vô tư làm diễn viên. Học trò tôi đã bày tỏ sao phải cực nhọc để học, khi mà chỉ cần tham gia các cuộc thi có hư danh nào đó là có thể làm diễn viên”.

Quy luật đào thải của nghề diễn viên dường như được các nhà sư phạm báo động trong buổi đầu lên lớp. Theo NSND Trần Ngọc Giàu: “Rất cần để các nghệ sĩ tương lai hiểu rằng thực tế không như màu hồng, để làm được nghề này rất cần sự kiên trì, đào luyện và trên hết là sự dấn thân”.

Tự lo cho mình

Một số diễn viên học hành tử tế sau khi tốt nghiệp không chịu cảnh thất nghiệp đã tụ họp lại để làm nghề nghiêm túc. Phải kể đến 3 nhóm kịch đang làm nên chuyện: Ngẫm nghĩ cùng kịch (đạo diễn Đặng Thị Phương Thảo cầm trịch), nhóm kịch Son (Cẩm Hò), nhóm kịch Đời (Hồng Trang).

Sau 14 năm gầy dựng thương hiệu Ngẫm nghĩ cùng kịch, các thành viên của nhóm này đã quy tụ lực lượng diễn viên giỏi nghề, đồng đều trong diễn xuất. Các vở: “Ai yêu, ai yêu”, “Tấm Cám 16+”, “Cậu Tèo về nước”… thật sự hút khán giả và trở thành nhóm kịch ăn khách nhất tại Sân khấu Minh Nhí. Tương tự, nhóm kịch Son và kịch Đời cũng tạo được nhiều dấu ấn đẹp, khi các vở diễn của họ chạm đến sự quan tâm của giới trẻ hiện nay.

“Họ đã làm nên thương hiệu dù chỉ là trong giai đoạn tụ họp lại với nhau để chờ thời. Từ đó, tôi ủng hộ nhóm kịch Son, làm “bà đỡ” để họ có sân khấu biểu diễn” – Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, NSƯT Mỹ Uyên, cho biết.

Hai “bà đỡ” khá mát tay khác là Sân khấu Kịch Minh Nhí và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã giúp cho nhóm kịch Đời và nhóm Ngẫm nghĩ cùng kịch có nơi để họ biểu diễn theo quý, với giá thuê khá mềm, lượng vé bán từ đó cũng khá hơn có thể giúp họ tái sản xuất.

Ba nhóm kịch này đã tạo được sức hút bằng thái độ làm nghề chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo mới mẻ thông qua các vở kịch được dàn dựng chất lượng. Từ đó cả ba nhóm đã tạo được sức sống lâu bền.

“Hoàn cảnh sân khấu hiện nay đã thôi thúc các diễn viên trẻ thuộc 3 nhóm kịch này cọ xát với nghề. Còn hiếm hoi các suất diễn nên họ lại càng khao khát được trải nghiệm, được cống hiến. Vì thế, mỗi suất diễn như là đêm cuối cùng đối với họ trên sân khấu, từ đó lan tỏa đến khán giả một tình yêu nghệ thuật mãnh liệt” – NSND Trần Minh Ngọc cảm nhận.

Thanh Hiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *